Ở hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, hàng loạt viên chức, nhân viên Ban quản lý bảo vệ rừng, Công ty Lâm nghiệp nghỉ việc trong vài năm trở lại đây. Thiếu lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tại gốc, hàng nghìn hécta rừng tự nhiên ở Tây Nguyên đứng trước nguy cơ bị đe dọa xâm hại, tàn phá.
Công việc áp lực, lương thấp không đủ sống
Tại tỉnh Kon Tum, Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham có trách nhiệm coi giữ, bảo vệ nhiều diện tích rừng tự nhiên, đầu nguồn. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 3 năm qua, đã có đến 20 nhân viên nghỉ việc. Tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 3, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham là một căn nhà tạm nằm chênh vênh giữa lưng chừng núi. Tuy nằm sát cạnh đường Đông Trường Sơn nhưng tại đây lại không điện, không nước và không cả sóng điện thoại. Cả trạm có 6 nhân viên, thì ngoài trạm trưởng là người có thâm niên và bám trụ lâu nhất, quân số tại đây liên tục biến động. Nhiều người không chịu được sự khắc nghiệt của tự nhiên, áp lực công việc và nhất là thu nhập không đảm bảo cuộc sống đã bỏ việc.
Anh Chu Văn Khánh – Trạm trưởng trạm 3, Ban Quản lý Rừng Phòng hộ Thạch Nham chia sẻ: “Lương không đáp ứng nhu cầu cuộc sống, chắc cũng phải kiếm việc gì làm thôi. Cho nên có mấy anh em nghỉ việc, chuyển đổi sang công việc khác gần gia đình”.
Người cũ đi, người mới chưa tuyển kịp đã tạo ra sự biến động lớn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các Ban quản lý bảo vệ rừng. Đến thời điểm này, Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham chỉ còn tổng cộng 30 cán bộ, nhân viên. Thiếu nhân lực trực tiếp tham gia quản lý, bảo vệ nên nhiều diện tích rừng luôn trong tình trạng báo động bị xâm hại.
Ông Phan Quốc Vũ – Trưởng Ban Quản lý Rừng Phòng hộ Thạch Nham, tỉnh Kon Tum cho biết: “Thu nhập không đáp ứng nhu cầu cuộc sống, thứ hai nữa là trách nhiệm nặng nề. Đối với các ngành khác làm việc 8 tiếng nhưng lực lượng bảo vệ rừng chịu trách nhiệm 24 giờ mỗi ngày, kể cả ngày lễ nên không có thời gian chăm sóc gia đình, khiến nhân viên, cán bộ bị áp lực, mệt mỏi tinh thần”.
Lâm tặc manh động, đe dọa thường xuyên
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh có 21 Ban quản lý rừng phòng hộ và 1 ban quản lý rừng đặc dụng với gần 500 cán bộ, viên chức. Trong đó, lực lượng chuyên trách khoảng 410 người làm công tác quản lý bảo vệ rừng lại biến động liên tục, nhiều người bỏ việc vì chế độ chính sách không có, thu nhập quá thấp.
Các công ty lâm nghiệp như Krông Pa, Đăkroong đóng tại huyện Kbang là những đơn vị có số nhân viên viết đơn xin nghỉ việc nhiều nhất. Ông Nguyễn Minh Sự – Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăkroong – cho biết: “Chế độ thu nhập, lương bổng thấp cùng với áp lực giữ rừng khiến nhiều anh em đành lòng viết đơn xin thôi việc, để tìm kiếm việc làm khác nuôi gia đình, con nhỏ. Khi nhân viên có ý định nghỉ việc, đơn vị tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, động viên anh em cố gắng giữ gìn công việc, bảo vệ rừng, chờ chính sách thay đổi” – ông Sự nói.
Huyện Kbang là khu vực còn trữ lượng gỗ lớn ở Gia Lai, vì thế công tác giữ rừng chịu nhiều áp lực. Theo ông Sự, nhiều nhân viên bảo vệ rừng bị lâm tặc gọi điện, nhắn tin đe dọa đánh đập, trả thù nếu không cho họ vào rừng khai thác gỗ trái phép. Đe dọa không được thì họ quay sang mua chuộc, thậm chí trả thù bằng cách đốn hạ vài cây gỗ lớn rồi gọi điện cơ quan chức năng, truy trách nhiệm lực lượng bảo vệ rừng…
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăkroong với quân số 20 người nhưng có nhiệm vụ giữ hơn 15.000ha rừng ở huyện Kbang. Với quân số ít ỏi, diện tích lớn thì khó đảm đương nổi nhiệm vụ.
Tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa, chỉ trong năm 2021 đơn vị có đến 4 người xin nghỉ việc. Riêng đầu năm 2022 đã có thêm 2 người có ý định nộp đơn. Trước đó, lực lượng bảo vệ rừng có đến 26 người nhưng có thời điểm chỉ còn 12-13 người thay phiên nhau quản lý, bảo vệ hơn 7.780ha rừng.
Ông Phạm Xuân Khanh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kon Tum – cho biết: “Bảo vệ rừng nghỉ việc đang là vấn đề đang gây khó khăn cho ngành, nhất là các đơn vị cơ sở. Mức lương và các chế độ đãi ngộ khác đối với lực lương bảo vệ rừng chưa đáp ứng đủ nhu cầu sống tối thiểu và phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng là điều day dứt”.
Ông Nguyễn Văn Hoan – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai – nêu quan điểm: “Sở sẽ tiếp tục kiến nghị sửa đổi chính sách, tăng thêm phụ cấp, thu nhập cho đội ngũ bảo vệ rừng chuyên trách. Chỉ có thay đổi chính sách thì mới thu hút được đội ngũ nhân lực làm công tác quản lý, bảo vệ, nâng cao tỉ lệ che phủ rừng”. |