Nước sạch cho người dân miền núi các tỉnh miền Trung – Bài 3: Công trình nước sạch không hiệu quả

Thực tế cho thấy, những năm qua, các địa phương Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi…..đã đầu tư, xây dựng hàng trăm công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho bà con miền núi.

Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào sử dụng, đến nay nhiều công trình đang xuống cấp, hư hỏng, không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.

“Khát” bên công trình nước sạch

Huyện miền núi Vân Canh, tỉnh Bình Định hiện có 19 công trình cấp nước sinh hoạt có quy mô nhỏ và vừa, phục vụ cho khoảng 9.000 người, tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng hầu hết các công trình đều bị xuống cấp, trong đó có 5 công trình bị hư hỏng hoàn toàn. Để có nước phục vụ sinh hoạt cho gia đình, người dân nhiều xã trong huyện phải tự khắc phục bằng cách mua ống nối trực tiếp vào nguồn nước rồi kéo nước về nhà hoặc góp tiền khoan giếng dùng tập thể.

Ông Bùi Tiến Dũng – Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định cho biết: Những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư các công trình cấp nước sạch cho các xã đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Tuy nhiên, qua quá trình sử dụng trong thời gian dài, nhiều địa phương thực hiện công tác vận hành chưa nghiêm túc, chưa thực hiện quy chế vận hành giao cho từng thôn, làng nên hiệu quả sử dụng của hệ thống nước sạch không đảm bảo. Cùng đó, việc khảo sát chưa xác định cụ thể nguồn nước trên đầu nguồn nên công trình nhanh xuống cấp.

Ðồng bào dân tộc thiểu số xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng phải sử dụng nước dẫn từ sông suối chưa đảm bảo vệ sinh.

Tình trạng các công trình cấp nước tự chảy bị bỏ hoang không chỉ diễn ra ở huyện miền núi Vân Canh mà còn đang diễn ra tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh và huyện vùng cao An Lão. Chưa kể các công trình được xây dựng ở vùng miền núi thường nằm ở địa hình phức tạp, đường ống dẫn nước dài, xa khu dân cư khiến cho công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, thời tiết cực đoan, mưa lớn, lũ ống, lũ quét xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ công trình; mực nước tại các đập chứa, các khe, suối giảm đáng kể, trong khi nhu cầu sử dụng của người dân ngày càng cao nên nhiều công trình không đủ nguồn nước cung cấp hoặc chỉ đủ cho một số cụm dân cư, làm giảm hiệu quả đầu tư của công trình. Mặt khác các công trình này do cán bộ thôn, bản trực tiếp quản lý theo chế độ kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo quản lý, vận hành, trong khi nguồn kinh phí để duy tu bảo dưỡng hầu như không có.

Nhiều công trình nước sạch ở các huyện miền núi Quảng Ngãi hoạt động kém hiệu quả gây lãng phí

“Chủ trương là thời gian tới cần đầu tư cho công tác nước sạch hơn nữa. Nhưng trước khi đầu tư, cần khảo sát vùng nào có nguồn nước để cung cấp về lâu về dài. Nâng cao trách nhiệm của địa phương trong công tác bảo hành. Địa phương cũng tiến tới xây dựng mức giá thu tiền nước để bà con có ý thức bảo vệ, tiết kiệm tài nguyên nước, đồng thời có nguồn kinh phí duy tu bảo dưỡng, tránh tình trạng như thời gian bỏ hoang, hư hỏng lãng phí như thời gian vừa qua”- ông Bùi Tiến Dũng – Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định cho biết.

Lãng phí công trình nước sạch

Tại huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, hơn 40 thôn đang phải dùng nguồn nước mặt được dẫn về từ các con suối để sinh hoạt tạm hằng ngày, với khoảng 1.000 hộ gia đình thiếu nước sạch sinh hoạt. Nhiều công trình nước sinh hoạt hư hỏng, xuống cấp, chất lượng nguồn nước từ một số công trình chưa đảm bảo.

Toàn huyện có hơn 100 công trình nước sinh hoạt, trong đó chỉ có khoảng 10 công trình hoạt động bền vững, chiếm tỷ lệ 10%; hơn 40 công trình hoạt động hiệu quả thấp hoặc hư hỏng không hoạt động, chiếm tỷ lệ hơn 40%. Trong đó, các công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy công tác quản lý, vận hành chủ yếu là các tổ quản lý công trình cộng đồng hưởng lợi, đứng đầu là các trưởng thôn, chưa qua đào tạo về nghiệp vụ quản lý, vận hành công trình dẫn đến hoạt động hiệu quả chưa cao.

Theo thống kê từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn các huyện miền núi Quảng Ngãi có khoảng 400 công trình nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Sau khi đưa vào vận hành đã giải quyết được tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, do công tác quản lý, vận hành, các công trình nước sinh hoạt của một số địa phương còn lỏng lẻo, không được đầu tư, duy tu, bảo dưỡng kịp thời khi có hư hỏng nhỏ, dẫn đến các công trình nhanh xuống cấp, không hoạt động được. Thiếu nước sạch ở vùng nông thôn, miền núi kéo dài ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Các công trình cấp nước sinh hoạt ở huyện miền núi Bình Định đều nằm ở địa hình phức tạp, đường ống dẫn nước dài xa khu dân cư.

Ông Lê Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Hiện nay, công tác quản lý đầu tư sau xây dựng ở các công trình nước sạch còn buông lỏng, không có quy trình quản lý vận hành. Các địa phương đều thiếu cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ nên công tác duy tu, bảo dưỡng sau đầu tư gần như không được thực hiện. Một phần cũng do thiếu kinh phí vì không thu được tiền nước của bà con nên không thể duy tuy, bảo dưỡng khi xảy ra sự cố.

Bên cạnh đó, ý thức sử dụng, bảo vệ công trình cung cấp nước sạch tập trung của một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao, dẫn đến tình trạng đường ống, van khóa thường xuyên hỏng, mất nước, công trình xuống cấp. Mặt khác, do ở xa các công trình hồ chứa nước lớn cho nên công trình cấp nước ở vùng sâu đều phải lấy nước đầu nguồn khe suối, mùa nắng nóng khe cạn thiếu nước đầu vào thì công trình cấp nước cũng không hoạt động được.