Dưới tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) cộng với sự suy giảm rõ rệt về nguồn nước, hàng loạt các địa phương miền núi ở khu vực Trung bộ thiếu hụt nước sinh hoạt nghiêm trọng.
Thiếu nước sạch không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà còn tác động đến phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm đời sống dân sinh. Đây là thách thức lớn cho sự phát triển bền vững của vùng miền núi Trung bộ nói riêng, cả nước nói chung.
Suy kiệt nguồn nước
Huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam có 5 dòng sông chính chảy qua, trong đó sông A Vương và sông Bung có lưu lượng dòng chảy lớn vào mùa mưa. Ngoài ra, còn có khoảng 100 con suối, khe nhỏ với lưu lượng nước ít. Bước vào thời điểm tháng 4-5 hàng năm, mực nước ở các sông, suối bắt đầu giảm dần, nhiều nơi xuống mức 50% so với lưu lượng chảy bình thường. BĐKH và các nhà máy thủy điện dày đặc ở thượng nguồn đã khiến nguồn nước ngày càng suy giảm, ảnh hưởng rất lớn đến việc cấp nước cho người dân.
Theo ông Lê Hoàng Linh- Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cách đây 10 – 12 năm về trước các nguồn nước ở sông suối rất dồi dào. Trong suy nghĩ của người dân vùng cao“nước trời” là không bao giờ cạn. Nhưng giờ đây, thực tế đã hoàn toàn khác.“Tình trạng mất an ninh nguồn nước ngày càng bộc lộ rõ. Ví như ngày xưa đi vào rừng còn thấy nước chảy róc rách trong những con suối, giờ này thì những lòng suối bày trơ đá không còn chút nước, đến cả những con sông lớn nước cũng rút sâu trong những mùa khô.” – ông Linh chia sẻ.
Cũng theo ông Linh, thời gian qua địa phương đã đầu tư xây dựng nhiều công trình cấp nước cho người dân. Tuy nhiên, về mùa nắng hạn, khe suối ở các xã như Bhalêê, A tiêng, A xan, Ga ri…. hầu như khô kiệt nên nguồn nước cung cấp cho các công trình tự chảy ở các địa phương này hầu như không đủ áp lực về tận bản làng. Ở đồng bằng thiếu nước thì có thể bơm từ dưới sông lên rồi lọc, sử dụng nhưng ở miền núi người dân chỉ biết “ngước mặt lên trời cầu mưa”. Vấn đề đặt ra là phải có giải pháp căn cơ ứng phó với với BĐKH, nguồn tài nguyên nước được quản lý và sử dụng đa mục tiêu, hiệu quả, tiết kiệm.
Tại Thừa Thiên Huế,khoảng 3 năm trở lại đây, đặc biệt năm 2021, hiện tượng BĐKH cực đoan làm lưu lượng nguồn nước các khe suối suy giảm mạnh. Một số nguồn khai thác như Khe Mệ -Nhà máy nước Chân Mâyvà một số nguồn nước khác như Khe Su – Nhà máy nước Lộc Trì (huyện Phú Lộc), suối Tà Rê của Nhà máy nước A Lưới (huyện A Lưới), lưu lượng nguồn nước thô từ các khe suối giảm từ 60 – 100m3/h (tương đương 30 – 60% công suất nhà máy), riêng suối Thượng Ngàn đã khô cạn sớm, chỉ còn 15% công suất của nhà máy, nguy cơ thiếu nước hiện hữu.
Nỗi lo an sinh cho người dân
Thiếu nước sinh hoạtcũng trở thành nỗi ám ảnh bao trùm nhiều địa phương miền núi ởThừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… Mặc dù miền Trung có hệ thống sông suối dày dặc nhưng đang trở nên cạn kiệt do tác động của BKHĐ. Mặt khác, những cánh rừng đầu nguồn bị chặt phá trái phép và người dân đốt nương làm rẫy khiến sông, suối bị cạn kiệt không có nước để phục vụ cho công trình nước sạch rồi hư hỏng, bỏ hoang gây lãng phí. Đây là một rào cản không nhỏ cho sự phát triển bền vững vùng đồng bào; đồng thời cũng là một thách thức không nhỏ trong kế hoạch bố trí ngân sách địa phương để giải quyết nhu cầu bức thiết này cho người dân.
Ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, hiện nay toàn tỉnh chỉ có 26% người dân vùng nông thôn, miền núi được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung. Còn lại phải sử dụng nước từ giếng khoan, giếng đào hoặc các công trình nước sạch phân tán từ Chương trình 134, 135 của Chính phủ, nguồn nước không ổn định. Việc người dân sử dụng nguồn nước suối, nước giếng khoan, giếng đào không hợp vệ sinh có nguy cơ mắc nhiều bệnh. ấp nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn, miền núi đang là vấn đề ưu tiên của địa phương trong những năm gần đây.
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, đến năm 2030, dưới tác động của BĐKH và các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, sẽ có 5 lưu vực sông lớn của Việt Nam phải đối mặt với mức độ căng thẳng về nước, 2 lưu vực rơi vào tình trạng căng thẳng nước trầm trọng. Bên cạnh đó, nguồn nước phân bố không đồng đều trong lãnh thổ dẫn đến tình trạng căng thẳng về nước theo mùa với sự bất cân đối giữa cung, cầu và có xu hướng gia tăng làm cho công tác điều phối, phân bổ nguồn nước rất khó khăn. Đáng chú ý, ở khu vực miền núi thường xuyên không có nguồn nước dự trữ, nhất là nguồn nước ngầm.
Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; 100% hộ gia đình nông thôn, trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn; 100% người dân nông thôn thường xuyên thực hiện vệ sinh cá nhân vào năm 2030. Đây là chiến lược quan trọng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số, thế nhưng để thực hiện được vẫn còn là một chặng đường nhiều gian nan khi mà đồng bào vùng cao ở dọc dãy Trường Sơn vẫn đang từng ngày chật vật tìm nước.