Câu chuyện này gây tiếng vang lớn trong công chúng Nepal – nơi mỗi ngày có hàng nghìn người vượt biên sang nước láng giềng phía Nam là Ấn Độ để tìm kiếm việc làm và có thu nhập tốt hơn.
“Ấn Độ đang làm tốt hơn trong công tác quản lý môi trường sống của hổ. Trái lại, hổ Nepal đang phải vượt biên để tìm kiếm những đồng cỏ xanh tươi hơn” – một nguồn tin cho biết.
Cục Vườn quốc gia và Bảo tồn Động vật Hoang dã Nepal cho biết họ đang chuẩn bị kế hoạch nhằm giữ động vật hoang dã có “quốc tịch Nepal” ở lại Nepal.
Chương trình nêu bật một trong những thách thức chính do con người gây ra đối với nỗ lực bảo tồn quần thể hổ Bengal tại “thành trì chung” của Nepal và Ấn Độ: đó là “chủ nghĩa dân tộc động vật” – niềm tin cho rằng một số loài động vật hoang dã nhất định chỉ thuộc về một quốc gia cụ thể.
Một thế kỷ trở về trước, ước tính có khoảng hơn 100.000 con hổ hoang dã trên khắp châu Á. Vào đầu những năm 2000, số lượng loài này đã giảm mạnh tới 95%, phần lớn là do nạn săn bắt, tình trạng phân mảnh và mất môi trường sống. Trong đó, ba phân loài hổ Java, Bali và Caspian đã tuyệt chủng.
Năm 2010, chính phủ của các quốc gia có hổ hoang dã cam kết gia tăng gấp đôi quần thể hổ đến năm 2022 – năm con hổ trong cung hoàng đạo Trung Quốc. Kể từ đó, quần thể hổ Bengal đã tăng trở lại, trong đó Nepal và Ấn Độ là các quốc gia dẫn đầu trong nỗ lực thực hiện mục tiêu này.
Vào ngày 29 tháng 7, Ngày Quốc tế Hổ, Nepal dự kiến sẽ công bố thành quả là đạt được mục tiêu tăng gấp đôi số lượng hổ, ít nhất là ở một số khu bảo tồn của nước này.
Từ trước đến nay, hổ thường di chuyển tự do giữa các dãy núi ở Nepal và Ấn Độ, tạo nên một nguồn gen phong phú. “Khi chúng tôi so sánh hình ảnh của 10 con hổ ở Nepal và Ấn Độ chụp được thông qua các bẫy camera năm 2013, chúng tôi nhận thấy rằng chúng thường xuyên xuất hiện ở cả Ấn Độ và Nepal” – Baburam Lamichhane, nhà sinh vật học bảo tồn của Tổ chức Bảo tồn National Trust for Nature Conservation – một tổ chức bán công ở Nepal, cho biết.
Tuy nhiên, quá trình di chuyển này đang ngày càng bị hạn chế do phải đối mặt với nhiều thách thức và ý niệm về “chủ nghĩa dân tộc động vật” và có khả năng chia rẽ quần thể hổ ở hai quốc gia.
“Động vật không quan tâm vùng đất nào thuộc Nepal, vùng nào thuộc Ấn Độ. Nhưng để con người hiểu được điều đó thì không dễ dàng gì.” – Nhà bảo tồn Narendra Man Babu Pradhan – cựu quản lý Vườn quốc gia Chitwan (Nepal) – hiện đang làm việc với IUCN, Nepal chia sẻ.
Chính phủ và tổ chức phi chính phủ của cả hai nước đã bỏ ra rất nhiều tiền và nguồn lực để gia tăng số lượng hổ. Nhưng trong khi hiệu quả hoạt động của các quốc gia được đánh giá dựa trên số lượng hổ thống kê trong các cuộc “điều tra dân số hổ” thì việc di chuyển xuyên biên giới của hổ đang trở thành một vấn đề nan giải.
Ý tưởng về hổ “quốc gia” đã không còn được ủng hộ vào cuối những năm 1990, khi các nhà bảo tồn nhận ra rằng việc bảo tồn hổ trong các khu bảo tồn biệt lập chưa bao giờ là đủ. Một nghiên cứu do Quỹ Cứu trợ Hổ ủy quyền, do Tổ chức WWF và Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS) đã phát triển một cách tiếp cận mới trong công cuộc bảo tồn hổ. Họ đã nảy ra ý tưởng về các đơn vị bảo tồn hổ, các “khối” môi trường sống của hổ trên phạm vi toàn cầu. Những ý tưởng này có tiềm năng rất lớn, có thể phục hồi và bảo tồn các quần thể hổ. Phân tích của TCU ban đầu xác định 6 đơn vị bảo tồn trên khắp nam trung bộ, tây Nepal và tây bắc Ấn Độ.
Các đơn vị này tách biệt với nhau bởi những môi trường sống bị suy thoái – những môi trường này có khả năng trở thành rào cản đối với sự phân bố của hổ. Người ta đều đồng ý rằng các nỗ lực bảo tồn nên tập trung vào việc tạo ra sự kết nối về môi trường sống giữa 6 đơn vị nêu trên bằng cách khôi phục các cảnh quan và hành lang rừng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của hổ. Điều này tạo lên một vùng sinh cảnh rộng lớn và kết nối chặt chẽ, kéo dài từ sông Bagmati của Nepal ở phía đông đến sông Yamuna của Ấn Độ ở phía tây, được gọi là cảnh quan Terai Arc.
Trong những thập kỷ gần đây, sự gia tăng dân số nhanh chóng của con người và việc chuyển đổi sử dụng đất, đặc biệt là hoạt động xây dựng các con đường mới dẫn đến nạn phá rừng và sự bành trướng khu vực sinh sống của con người.
Điều này có nghĩa là động vật hoang dã, trước đây có thể di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác dọc theo biên giới dài 1.850 km nay lại bị giới hạn chỉ được di chuyển trong một vài hành lang rừng chạy qua biên giới mà thôi. Những hành lang này kết nối các khu vực sinh sống chủ yếu của hổ: Pilibhit ở Ấn Độ kết nối với Shuklaphanta ở Nepal; Dudhwa nối với nhiều khu rừng cộng đồng ở Nepal; và Katerniaghat nối với Vườn Quốc gia Bardiya, Pranav Chanchani – người đứng đầu chương trình bảo tồn hổ của WWF tại Ấn Độ cho hay.
Mặc dù Nepal gần đây đã ban hành một bộ hướng dẫn về việc xây dựng cơ sở hạ tầng thân thiện với động vật hoang dã, tuy nhiên những hướng dẫn này vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Những tuyến biên giới vẫn đang được xây dựng ở Ấn Độ.
Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng khi các con đường được xây dựng ở gần các khu bảo tồn, động vật hoang dã sẽ bị đe dọa bởi các phương tiện giao thông. Hơn nữa, chúng cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng phân mảnh hoặc mất môi trường sống, suy giảm kết nối gen di truyền và nạn săn trộm gia tăng. Những con đường mới ở biên giới đang được lên kế hoạch xây dựng có thể tác động nghiêm trọng đến quá trình di chuyển, thậm chí là sự sống còn của loài hổ, trừ khi chúng ta nhanh chóng xây dựng những mô hình phù hợp nhằm giảm thiểu nguy cơ trên.
Khi số lượng người sinh sống trên các vùng đồng bằng màu mỡ gia tăng, lưu lượng xe cộ trên các tuyến đường giao thông cũng tăng lên, do đó làm tăng khả năng gây tổn thương tới các loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng. Các nghiên cứu di truyền thực hiện trên loài hổ cho thấy những con đường có lưu lượng giao thông cao chính là rào cản đối với sự di chuyển của loài hổ.
Mặc dù những con đường có lưu lượng giao thông từ trung bình đến thấp không hẳn là rào cản hoàn toàn, nhưng chúng sẽ cản trở dòng chảy gen di truyền do làm tăng nguy cơ tử vong của hổ ở trên đường. Thatte Prachi Thatte, chuyên gia bảo tồn của WWF tại Ấn Độ nói: “Mặc dù hổ được chứng minh là có khả năng di chuyển qua những con đường ít xe cộ qua lại, nhưng điều này sẽ thay đổi trong tương lai, bởi vì lưu lượng xe được dự báo sẽ tăng lên, các con đường có thể sẽ được mở rộng để đáp ứng nhu cầu này.”
Báo cáo năm 2018 của Cơ quan Bảo tồn Hổ Quốc gia Ấn Độ khuyến cáo rằng các con đường xây dựng dọc theo biên giới với Nepal cần tránh đi qua các khu vực và hành lang bảo tồn, đồng thời đảm bảo có đầy đủ các lối đi thích hợp cho động vật ở những nơi khó di chuyển. Tuy nhiên, các khuyến nghị trên đã không được thực hiện đầy đủ. Cả hai quốc gia vẫn tiếp tục xây dựng đường xá tại các khu vực đó.
Vấn đề di chuyển của hổ giữa hai nước ngày càng phức tạp do đặc điểm hành vi của loài động vật này. Các nhà nghiên cứu cho biết, mặc dù con người có thể xây dựng các hành lang tạo điều kiện di chuyển cho hổ, tuy nhiên họ không thể buộc những con hổ phải di chuyển qua những hành lang này. Chanchani chia sẻ: “Thông tin thu âm được từ hoạt động của một con hổ năm 2018 cho thấy sự di chuyển của hổ giữa hai nước không chỉ giới hạn ở các hành lang này, mà chúng còn di chuyển qua các khu vực canh tác nông nghiệp và các mảnh rừng nhỏ nối với dãy Chure của Nepal.”
Những con hổ thậm chí còn được phát hiện đã băng qua các con sông như sông Sharda ở Nepal để di chuyển giữa hai quốc gia. Chanchani cho biết: “Tại một trong những hành lang giữa dãy Boom của rừng Champawat ở Ấn Độ và Brahmadev ở miền viễn tây Nepal, hổ có thể bơi qua sông Sharda vào một số tháng trong năm – có lẽ chỉ trừ mùa mưa.”
Sự di chuyển của hổ cũng được ghi nhận tại các khu vực đất nông nghiệp quy mô nhỏ ở hành lang Lagga Bagga-Shukla Phanta, nơi các khu rừng và đồng cỏ ở bang Uttar Pradesh của Ấn Độ hợp với Khu bảo tồn động vật hoang dã Shukla Phanta của Nepal, cùng với sông Sharda chảy quanh ở phía nam và đông nam.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều cơ sở hạ tầng xây dựng không có kế hoạch thích hợp tại các khu vực canh tác. Điều này khó có thể đảm bảo lâu dài cho những tuyến đường hổ có thể đi qua. Những khác biệt trong khâu quản lý rừng giữa các quốc gia khiến những nỗ lực chung trở nên vô cùng khó khăn.
Một cách tiếp cận xuyên biên giới trong bảo tồn đã được áp dụng tại Khu bảo tồn TraMCA, và tại cảnh quan Vòng cung Terai (nếu tính ở một mức độ nào đó).
“Tuy nhiên, do những khác biệt trong quản lý và quản trị rừng, các yêu cầu về an ninh và phát triển, cũng như các bối cảnh xã hội, kinh tế, văn hóa và chính trị xuyên biên giới trên phạm vi toàn cầu nên không phải lúc nào tất cả các khía cạnh liên quan của các chương trình bảo tồn cũng có thể được thống nhất ” – Chanchani nói.
Tuy còn tồn tại nhiều thách thức mà hổ Bengal phải đối mặt khi vượt biên giữa Nepal và Ấn Độ, các nhà bảo tồn ở hai bên biên giới đều đồng ý rằng số phận của quần thể hổ ở hai quốc gia đan xen chặt chẽ với nhau, cũng giống như sự đan xen về mặt phúc lợi của những người dân sống ở khu vực biên giới.
Điều này khiến Ngày Quốc tế về Hổ diễn ra tháng 7 này trở thành cơ hội để các quốc gia có hổ sinh sống nhìn xa hơn mục tiêu gia tăng số lượng hổ. “Chúng ta nên xem cảnh quan như một đối tượng và có những nỗ lực cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của hổ giữa các vùng biên giới. Chúng ta không có lựa chọn nào khác.” – Ông Narendra Man Singh Pradhan nói.
Trúc Mai (Theo Mongabay)