Gần 4,4 triệu USD phục hồi rừng ngập mặn

Dự án gần 4,4 triệu USD nhằm trồng mới 250 ha, phục hồi 80ha rừng ngập mặn khu vực Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) và khu vực huyện Kim Sơn (Ninh Bình).

Rừng ven biển suy giảm nhanh

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), tổng diện tích rừng ven biển Việt Nam hiện nay khoảng hơn 454.000ha. Tuy rừng ven biển chỉ chiếm khoảng 3% tổng diện tích rừng quốc gia nhưng lại đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn sóng, gió, hạn chế xói lở bờ biển, bảo vệ đê biển, bảo vệ sinh kế của người dân…

Thời gian qua, mặc dù độ che phủ rừng nói chung của Việt Nam đã tăng nhưng rừng ven biển lại bị suy thoái nghiêm trọng. Rừng ngập mặn ở Việt Nam đã giảm gần một phần ba, từ 408.500ha năm 1943 xuống 270.000ha vào năm 2015.

Ở nhiều nơi của Việt Nam, rừng ven biển đã bị chuyển đổi thành các hoạt động ngắn hạn sinh lời không bền vững. Động cơ phá rừng đến từ nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp; thu hoạch lấy củi; phát triển cơ sở hạ tầng… làm thay đổi các điều kiện thủy văn cần thiết để duy trì các hệ thống rừng ngập mặn ven biển, trong khi công tác khôi phục rừng ngập mặn là vô cùng khó khăn và phức tạp.

Từ thực tiễn đó, Dự án “Phục hồi và Quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng ĐBSH” do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại thông qua Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc đã được triển khai từ năm 2021 tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) và huyện Kim Sơn (Ninh Bình).


Trong vòng 4 năm từ 2021 – 2024, Dự án đặt ra 4 mục tiêu cụ thể: Phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn tại vùng ĐBSH; phát triển sinh kế cho người dân địa phương thông qua phục hồi rừng ngập mặn và bảo vệ sinh thái biển; xây dựng năng lực phục hồi rừng và sản xuất cây giống; thực hiện nghiên cứu chung về quản lý bền vững rừng ngập mặn.

Quy mô của Dự án là trồng mới 250ha, phục hồi 80ha rừng ngập mặn tại khu vực Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) và khu vực huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Một số nội dung chính của Dự án là thiết lập vườm ươm giống cây rừng ngập mặn tại huyện Kim Sơn; trồng mới, trồng bổ sung 330ha diện tích rừng ngập mặn; hỗ trợ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và phát triển du lịch sinh thái; hỗ trợ phát triển sinh kế; đào tạo, nâng cao năng lực, truyền thông và tham quan học tập; hỗ trợ trang thiết bị bảo vệ rừng; nghiên cứu phát triển…

Dự án “Phục hồi và Quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng ĐBSH” có tổng mức đầu tư hơn 4,4 triệu USD, trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc gần 3,8 triệu USD; vốn đối ứng của Việt Nam 0,6 triệu USD; vốn đối ứng của Bộ NN-PTNT và hai tỉnh Nam Định, Ninh Bình là 0,2 triệu USD mỗi đơn vị.

Phục hồi hệ sinh thái
Để phục hồi thành công và bền vững các khu rừng ngập mặn ven biển, Dự án sẽ tập trung vào 3 nội dung chính: Hỗ trợ tài chính để phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn; đầu tư vào cơ chế quản lý hiệu quả hơn thông qua các hoạt động hỗ trợ nuôi trồng thủy hải sản bền vững gắn với rừng ngập mặn; đa dạng hóa các lợi ích lâu dài từ việc bảo vệ và duy trì rừng ngập mặn qua hỗ trợ sinh kế bền vững.

Xét hiệu quả về xã hội và môi trường, Dự án sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ bờ biển, hạn chế xói lở, giảm xâm nhập mặn, duy trì và cải thiện đa dạng sinh học, tạo môi trường sinh sống cho rất nhiều các loài thủy hải sản, chim, thú và giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, góp phần tăng độ che phủ của rừng lên khoảng 0,19% tại Ninh Bình so với thời điểm bắt đầu thực hiện Dự án.


Ngoài ra, rừng ngập mặn do Dự án phục hồi và phát triển bền vững sẽ góp phần to lớn trong việc giảm tác hại của sóng biển, thủy triều tới bờ biển, đặc biệt là giảm thiểu tác hại của của bão kết hợp với triều cường đối với hàng trăm km hệ thống đê biển tỉnh Ninh Bình và Nam Định và thông qua đó giảm đáng kể chi phí tu sửa đê biển hàng năm.

Về hiệu quả về kinh tế, Dự án sẽ góp phần làm giảm chi phí duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng thủy lợi, đê điều cho khu vực được rừng ven biển bảo vệ do tác động của gió bão, nước biển dâng. Đặc biệt là bảo vệ được trên 18km đê biển tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Rừng ngập mặn ven biển khu vực Dự án được phục hồi và quản lý bền vững sẽ góp phần tạo ra nguồn lợi thủy sản dưới tán rừng. Đây là nguồn sinh kế quan trọng cho người dân địa phương trực tiếp tham gia bảo vệ rừng. Ngoài ra, rừng được phục hồi sẽ bảo vệ khoảng trên 2.000ha nuôi trồng thủy hải sản tại vùng Dự án với sản lượng trên 60.000 tấn, giá trị kinh tế khoảng 8.000 tỷ đồng/năm.

Tại phiên khai mạc Đại hội Lâm nghiệp Thế giới vào ngày 2/5/2022 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In đã bày tỏ sự quan tâm và tin tưởng vào sự thành công cũng như đóng góp của Dự án “Phục hồi và Quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng ĐBSH” trong công cuộc ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu.