Đập thủy điện Trung Quốc đe dọa sông băng và đa dạng sinh học Argentina

Khu phức hợp đập thủy điện do Trung Quốc đầu tư xây dựng ở miền nam Argentina, một trong những dự án năng lượng lớn nhất nước này, đang phải đối mặt với sự phản ứng dữ dội của các nhà bảo tồn và cộng đồng địa phương về tác động của con đập tới các sông băng xung quanh.

Dự án khổng lồ này, gồm hai đập Néstor Kirchner và Jorge Cepernic, dự kiến ​​cung cấp khoảng 5% nhu cầu năng lượng cho Argentina. Nhưng nó cũng có thể làm ngập các vùng đất ngập nước quan trọng, phá vỡ quỹ đạo của một số dòng sông băng lớn nhất thế giới và phá hủy vùng đất Mapuche của tổ tiên.

Quá trình xây dựng khu phức hợp vẫn đang tiếp tục bất chấp sự phản đối, những vụ kiện hay phán quyết của tòa án yêu cầu tạm dừng dự án để tiến hành các nghiên cứu sâu hơn về môi trường gây ra sự hoang mang với các nhà bảo tồn.

Các thiết kế xây dựng ban đầu của khu phức hợp đập thủy điện. (Ảnh: Bộ Năng lượng và Khai thác)

Cristian Fernández – đại diện một trong những tổ chức đấu tranh cho vụ kiện –  cho rằng các nhà chức trách cố tình lảng tránh vấn đề về môi trường và muốn tiếp tục dự án bằng mọi giá.

Sông băng, sông và môi trường sống di cư

Các con đập đang được xây dựng trên sông Santa Cruz dài 380 km – tuyến  đường thủy lớn nhất miền Nam Argentina. Dòng sông này trải dài từ dãy núi Andes, đi qua tỉnh Santa Cruz trước khi đổ ra Đại Tây Dương, có nhiệm vụ lấp đầy hai hồ chứa trên đường nó đi qua.

Có tới hơn 1.000 sông băng ở lưu vực sông Santa Cruz, ba trong số đó kết nối với một trong các hồ, theo tuyên bố của tòa án do Viện Nghiên cứu sinh vật học, băng hà và khoa học môi trường Argentina (IANIGLA) đưa ra. Tổ chức này cho biết hệ thống sông và hồ tác động trực tiếp đến chuyển động và tốc độ tan chảy của các dòng sông băng.

Theo Cục Quản lý Công viên Quốc gia Argentine, dự án đập này dự kiến ​​sẽ làm ngập gần 35.000 ha khu vực xung quanh.

Lũ lụt và những thay đổi ở  khu vực xung quanh cũng có thể tác động tiêu cực và lâu dài đến khu vực sinh sản của các loài chim như ngỗng đầu hồng (Chloephaga rubidiceps) và báo gấm (Podilymbus podiceps). Cơ quan Quản lý Công viên Quốc gia cho biết hệ thực vật trên cạn, phần lớn là loài đặc hữu, sẽ bị tiêu diệt vĩnh viễn và không thể phục hồi do lũ lụt.

Ông Fernández chia sẻ: Từ tận đáy lòng, tôi hy vọng rằng Tòa án tối cao sẽ có những hành động để dừng công việc này lại. Tôi hy vọng tòa án sẽ dừng dự án này vì nó không chỉ vi phạm nhiều luật môi trường mà còn gây tổn hại tới đa dạng sinh học và các dòng sông băng.

Khu phức hợp này do Công ty Unión Transitoria de Empresas Represas Patagonia xây dựng với sự tài trợ của một số ngân hàng phát triển của Trung Quốc.

Lũ lụt có thể ảnh hưởng đến khu vực sinh sản của các loài chim có nguy cơ tuyệt chủng như ngỗng đầu hồng. (Ảnh: David Cook)

Dự án này nằm trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc, kế hoạch nhằm tăng cường quan hệ quốc tế của Bắc Kinh thông qua phát triển cơ sở hạ tầng ở hơn 140 quốc gia.

Trong suốt năm 2020, các tổ chức môi trường ở Argentina đã gửi thư khiếu nại về con đập tới cho Bộ Thương mại và các cơ quan chức năng khác của Trung Quốc. Quỹ Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên (FARN) – một trong những tổ chức tham gia vào quá trình xét xử cho biết hiện họ vẫn không nhận được phản hồi nào.

Nghiên cứu môi trường lệch lạc

Khu phức hợp đập, giống như hầu hết các dự án cơ sở hạ tầng lớn, đã được nghiên cứu đánh giá tác động môi trường. Nhưng với trường hợp này, theo nhiều tổ chức tham gia vụ kiện, các nghiên cứu này thiếu sự chi tiết và tính chính xác.

Trong một phát biểu năm ngoái, Cơ quan Quản lý Công viên Quốc gia Argentina cho rằng các nghiên cứu hiện tại chưa có đầy đủ dữ liệu về các mô hình di cư của các loài chim và cá nhiệt đới, đồng thời kêu gọi các quan chức xem xét lại một lần nữa các tác động tiềm tàng của con đập đối với các hệ sinh thái địa phương.

Trong một kết luận tương tự đệ trình vào tháng 5 năm ngoái, Viện Phòng chống Địa chấn Quốc gia (INPRES) cho biết dữ liệu địa chất và động đất của các nghiên cứu này rất “đáng nghi vấn” và loại đất xung quanh các con đập – một yếu tố quan trọng để xác định hoạt động địa chấn – chưa bao giờ được đề cập trong các nghiên cứu.

Theo INPRES, việc kiểm tra đất được thực hiện với phương pháp nứt vỡ thủy lực, một phương pháp mở mặt đất thông qua việc phun chất lỏng áp suất cao.  Điều này có thể là nguyên nhân góp phần gây ra hai trận động đất hồi đầu năm ngoái ở phía tây sông Santa Cruz.

Sông Santa Cruz có nguy cơ ngập lụt khi việc xây dựng đập thủy điện hoàn thành. (Ảnh: Mariono Manuel)

Bất chấp những hiểm họa địa chất này, các bên có thẩm quyền vẫn chưa có kế hoạch di dời dự án ra khỏi khu vực để tránh gây ra những trận động đất tiếp theo.

Bộ Năng lượng và Khai thác và Bộ Môi trường và Phát triển Bền vững Argentina đã không đưa ra các bình luận để phản hồi các vấn đề trên.

Không tham vấn cộng đồng bản địa

Cộng đồng Mapuche ở Santa Cruz đã đệ đơn kiện vào năm 2017 – với sự tham gia của 14 cộng đồng khác – yêu cầu được tư vấn chính xác về các khía cạnh của dự án, vì dự án này có thể tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa do thay đổi dòng chảy của sông – điều vô cùng quan trọng đối với hệ thống tín ngưỡng của người dân nơi đây.

Đơn kiện được đệ trình chống lại Bộ Năng lượng và Mỏ, Bộ Môi trường và Phát triển Bền vững, Viện Các vấn đề Bản địa Quốc gia, cũng như tỉnh Santa Cruz, cùng các tổ chức khác trong khu vực.  Thợ xây dựng, Represas Patagonia, cũng được liệt vào danh sách bị đơn trong vụ kiện.

Theo pháp luật, trước khi bắt đầu xây dựng đập, các quan chức phải gặp gỡ người dân để thảo luận về việc dự án sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cộng đồng của họ. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo địa phương cho biết quá trình tham vấn đã không được thực hiện.  Các cá nhân khác cho biết họ chỉ nghe được thông tin từ các quan chức sau khi quá trình xây dựng được thực hiện.

Cư dân bản địa cho biết, vào tháng 10 năm 2017, thẩm phán đã ra lệnh tiến hành một cuộc tham vấn trong vòng 20 ngày nhưng điều đó vẫn chưa được thực hiện. Điều này cho thấy công ty chủ thể dường như đang phớt lờ mọi luật lệ.

Sông băng Spegazzini ở Vườn quốc gia Los Glaciares, một trong những sông băng có từ thập niên 1000s trong khu vực. (Ảnh: Wikimedia)

Lorenti nói rằng mặc dù họ phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn từ tòa án, nhưng sẽ luôn có những con đường pháp lý khác mà họ có thể thực hiện để tiếp tục chống lại việc này. Tuy nhiên, điều này lại đặt ra một tiền lệ xấu cho cộng đồng và các nhà bảo tồn đang nỗ lực từng ngày để ngăn chặn các hình thức hủy hoại môi trường.

Lorenti chia sẻ: “Hệ thống tư pháp đã vi phạm quyền của cộng đồng bản địa. Bất chấp mọi thứ, quá trình xây dựng các con đập vẫn không được dừng lại.”

Huyền Trang (Theo Mongabay)

Nguồn: