Để chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản từ truyền thống sang công nghiệp, ngành thủy sản cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và phát triển cơ sở hạ tầng.
Tiềm năng lớn
Ngày 11/5, tại tỉnh Ninh Thuận, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã chủ trì hội nghị Bàn giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển bền vững năm 2022.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, nước ta có điều kiện tự nhiên và môi trường khá thuận lợi để phát triển nuôi biển công nghiệp, quy mô hàng hóa lớn. Ở lĩnh vực này, nhiều đối tượng nuôi phong phú như các loài cá biển có giá trị kinh tế cao mà cụ thể là cá chim vây vàng, cá chẽm, cá song….
Nước ta cũng có lợi thế nuôi biển về tôm hùm và các loài nhuyễn thể, rong biển. Đến năm 2021, diện tích nuôi biển của nước ta đạt khoảng 85 nghìn ha, 9 triệu m3 lồng bè và sản lượng khoảng 730 nghìn tấn. Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, đây là con số còn khiêm tốn.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Thời gian qua, Chính phủ và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển nuôi biển, qua đó ngành nuôi biển công nghiệp nước ta bước đầu được hình thành, hạ tầng vùng sản xuất giống, hạ tầng phụ trợ, khu vực tập trung sản xuất giống, thức ăn, thiết bị phục vụ khu nuôi, công nghiệp chế biến, phát triển phát triển thị trường tiêu thụ.
“Tuy nhiên ngành nuôi biển vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là phát triển nuôi biển công nghiệp. Hạ tầng thủy sản trong nhiều năm không được quan tâm đúng mức, quy hoạch và hoạt động quy hoạch chưa tốt, việc nuôi tự phát phá vỡ quy hoạch vẫn còn phổ biến. Cùng với đó là ô nhiễm môi trường, tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó khăn, khó phát triển một cách đồng bộ. Công tác phòng trừ dịch bệnh trên các đối tượng nuôi còn nhiều hạn chế”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho hay.
Theo Tổng cục Thủy sản, nước ta có nhiều vùng vịnh kín, bãi triều ven biển và một phần ở các hải đảo, vùng biển xa bờ phù hợp để phát triển nuôi biển. Tổng diện tích tiềm năng nuôi biển ở nước ta hiện khoảng 500 nghìn ha, trong đó diện tích nuôi vùng bãi triều ven biển là trên 150 nghìn ha, diện tích nuôi vùng vịnh, eo ngách và ven đảo trên 79 nghìn ha và nuôi xa bờ khoảng 100 nghìn ha.
Cũng theo Tổng cục Thủy sản, việc đầu tư về cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển ở nước ta hiện nay còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ. Vấn đề quản lý và sử dụng các công trình, các dự án đầu tư còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao, nhiều dự án sau khi xây dựng và đưa vào hoạt động nhưng chưa đạt được công suất thiết kế.
Hệ thống phao tiêu, biển báo giao thông phục vụ riêng cho ngành nuôi biển chưa đáp ứng được nhu cầu và các bến đỗ tàu thuyền phục vụ nuôi biển ở nước ta hầu hết chưa được quan tâm đầu tư. Đối với khu neo giữ lồng bè nuôi biển thì chủ yếu do người dân và doanh nghiệp tự đầu tư.
Ngoài ra, về vấn đề giống, hiện nay nước ta đã làm chủ công nghệ sản xuất nhiều loài cá biển nhưng chưa được chuyển giao rộng rãi cho các cơ sở sản xuất nên hiệu quả trong sản xuất giống chưa thực sự cao. Cùng với đó, công nghệ giống phức tạp, đầu tư tốn kém nhưng lợi nhuận thấp và rủi ro lớn nên lĩnh vực sản xuất giống cá biển chưa thu hút được đầu tư từ các doanh nghiệp, ngư dân…
Theo Tổng cục Thủy sản, kế hoạch năm 2022, tổng diện tích nuôi biển cả nước đạt 90 nghìn ha (chưa bao gồm diện tích nuôi xen ghép) và 9,5 triệu m3 lồng nuôi. Tổng sản lượng nuôi biển ước đạt 790 nghìn tấn. Đến năm 2025, dự kiến nâng quy mô diện tích nuôi biển lên 280 nghìn ha với thể tích lồng nuôi đạt 10 triệu m3, tổng sản lượng nuôi biển ước đạt 850 nghìn tấn…. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300 nghìn ha, 12 triệu m3 lồng nuôi, sản lượng nuôi biển đạt 1,4 triệu tấn. Tầm nhìn đến 2045, ngành công nghiệp nuôi biển của nước ta đạt trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại. Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng trong ngành thủy sản, có đóng góp trên 25% tổng sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD. |
Giải pháp phát triển nuôi biển công nghiệp
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 Phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, chủ trương phát triển ngành thuỷ sản chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên biển bền vững… Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, bảo quản, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Để ngành nuôi biển đạt hiệu quả, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị Tổng cục Thuỷ sản thực hiện kế hoạch phát triển nuôi biển hiệu quả, bền vững, phù hợp điều kiện thực tế, ưu tiên phát triển nuôi biển công nghiệp. Khuyến khích đầu tư theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt là triển khai các chương trình, dự án trọng điểm để giải quyết các vấn đề cốt lõi, tạo nền tảng để phát triển ngành nuôi biển hiệu quả, bền vững, thân thiện môi trường.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu Tổng cục Thủy sản khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ Nghị định về một số chính sách phát triển thuỷ sản (thay thế Nghị định 67/2014/NĐ-CP) trong đó có những chính sách phát triển nuôi biển. Cùng với đó là tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng và nhu cầu hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nuôi biển làm cơ sở đầu tư sản xuất. Trước mắt, cùng các địa phương tập trung điều tra, lập báo cáo khả thi lựa chọn địa điểm các dự án đầu tư thí điểm tại Quảng Ninh, Phú Yên, Ninh Thuận và Kiên Giang.
Tổng cục Thủy sản cũng được giao xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản trên biển như giống, thức ăn, môi trường, nuôi thương phẩm, lồng nuôi, vùng nuôi… Và tổ chức quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản trên biển, kịp thời cảnh báo cho người nuôi khi môi trường biến động bất lợi cho thủy sản nuôi.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cũng đề nghị các cơ quan liên quan, các sở, ngành, địa phương tổ chức xây dựng các tiêu chuẩn, nghiên cứu và đưa vào thực tiễn các nhiệm vụ khoa học, ứng dụng công nghệ cao để phát triển nuôi biển công nghiệp. Tập trung xây dựng và triển khai các nhiệm vụ về phòng chống dịch bệnh trên các đối tượng nuôi biển. Cùng với đó là đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo thị trường, phát triển thị trường cho các sản phẩm nuôi biển. Đề nghị các hội, hiệp hội quan tâm và phát huy vai trò trong hội tụ, kết nối các doanh nghiệp, người nuôi và các nhà khoa học để phát huy lợi thế tự nhiên, thúc đẩy phát triển nuôi biển, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của ngành thủy sản nói chung và phát triển nuôi biển nói riêng.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn nhựa Super Trường Phát cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp đã nghiên cứu vật liệu nuôi biển HDPE và composite công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản và nuôi biển tại nhiều địa phương trên cả nước, mang lại hiệu quả cao. Vật liệu này sẽ thay thế cho tre, gỗ truyền thống trong nuôi biển với độ bền lên đến 50 năm. Các vật liệu này cho phép nuôi biển gắn với phát triển du lịch để tạo ra sự bền vững về biển xanh, kinh tế xanh, tuần hoàn. Hiện nay, để hỗ trợ người nuôi biển tiếp cận với công nghệ mới tập đoàn đang có những giải pháp về tài chính như thực hiện việc hỗ trợ trả góp cho bà con nông dân, ban dầu người dân chỉ phải chi trả 30% giá trị sau đó trả dần trong 3 vụ đầu thu hoạch, thời gian mỗi vụ 8 tháng, đồng thời liên kết với ngân hàng cho người dân vay đóng lồng bè bằng vật liệu mới.
“Trong thời gian tới, chúng tôi đang nghiên cứu và cùng với các tập đoàn Na Uy, tham tán Na Uy tại Việt Nam để kêu gọi các nhà đầu tư từ Na Uy đưa công nghệ vào phối hợp với tập đoàn thực hiện các dự án thí điểm công nghệ cao. Trong đó có công nghệ đánh chìm lồng, công nghệ thức ăn tự động và nuôi toàn bộ công nghiệp trên biển, vận hành trong chuỗi sinh thái, sử dụng một số vi sinh trên biển để đảm bảo tuần hoàn, đảm bảo nguồn nước”, bà Nguyễn Thị Hải Bình chia sẻ. |