Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) vừa công bố báo cáo cho thấy, trong vòng 8 năm từ năm 2010 đến 2018, tốc độ mất rừng trên toàn thế giới đã chậm lại gần 30% so với 10 năm trước đó.
Tuy nhiên, Khảo sát Đánh giá Tài nguyên Rừng Toàn cầu (FRA) cảnh báo rằng, các khu rừng mưa nhiệt đới trên Trái đất vẫn đang đối mặt với một mối đe dọa to lớn, từ các hoạt động như chăn thả gia súc ở Nam Mỹ đến việc mở rộng đất trồng trọt ở châu Á.
Bà Maria Helena Semedo, Phó Tổng Giám đốc FAO cho biết: “Cuộc khảo sát này rất quan trọng, không chỉ cung cấp cho chúng ta những số liệu mới mà còn là diện tích rừng hiện thời và nguyên nhân dẫn đến nạn phá rừng. Nó cho phép chúng ta theo dõi tiến trình phát triển của mọi thứ”.
Tổn thất giảm khoảng một nửa
Cuộc khảo sát cho biết tình trạng phá rừng hàng năm giảm khoảng 29% – từ 11 triệu ha/ năm trong giai đoạn 2000 – 2010, xuống còn 7,8 triệu ha/ năm giai đoạn 2010 -2018.
Hơn nữa, thiệt hại về diện tích rừng thực tế đã giảm hơn một nửa trong giai đoạn điều tra – từ 6,8 triệu ha/năm giai đoạn 2000-2010 xuống còn 3,1 triệu ha/năm trong khoảng 2010 -2018.
Ở cấp độ khu vực, Nam Mỹ ghi nhận mức độ phá rừng cao nhất giai đoạn 2000-2010 với 68 triệu ha rừng bị phá, tiếp theo là Châu Phi với 49 triệu ha. Thực trạng này xảy ra bất chấp tốc độ mất rừng chậm hơn ở Nam Mỹ, Nam Á và Đông Nam Á giai đoạn 2000-2018.
Bà Semedo giải thích, phát triển nông nghiệp không bền vững cùng với các mục đích sử dụng đất khác, đặc biệt, tại nhiều nước nghèo nhất, đã tạo ra áp lực lớn cho các cánh rừng.
Mặc dù, nạn phá rừng hàng năm ở vùng nhiệt đới đã giảm từ 10,1 triệu ha/ năm giai đoạn 2000-2010 xuống còn 7 triệu/năm giai đoạn 2010 -2018, số vụ phá rừng nhiệt đới vẫn chiếm hơn 90% tổng số vụ phá rừng toàn cầu, tương đương với 157 triệu ha – gần bằng diện tích của Tây Âu.
Nhấn mạnh các giải pháp trong tự nhiên
Quan chức FAO cho biết: “Chúng ta cần phải áp dụng và mở rộng những giải pháp “đôi bên cùng có lợi” để vừa đảm bảo nguồn lương thực cho thế giới vừa không gây tổn hại đến tài nguyên rừng”.
Tại Đại hội Lâm nghiệp Thế giới (WFC) lần thứ 15 vừa khai mạc tại Seoul, Hàn Quốc, bà Semedo nhấn mạnh, bất kể đó là cuộc khủng hoảng nào – đại dịch, xung đột hay biến đổi khí hậu, bất kể hậu quả của cuộc khủng hoảng đó là gì – suy thoái kinh tế hay mất an ninh lương thực, chúng ta vẫn phải coi rừng và tài nguyên thiên nhiên là một phần của giải pháp và tích hợp chúng trong các kế hoạch và chiến lược phục hồi.
Khung Đối tác về Rừng (CPF) tuyên bố rằng, bảo vệ rừng giúp giải quyết biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, bảo tồn đa dạng sinh học và thúc đẩy nỗ lực tạo ra một thế giới không đói nghèo.
Tại WFC lần thứ 15, ngoài việc khởi động cuộc khảo sát – một phần của Đánh giá Tài nguyên Môi trường 2020, FAO còn đưa ra Báo cáo Tình trạng Rừng Thế giới 2022. Báo cáo nhấn mạnh để ngăn chặn nạn phá rừng và duy trì rừng, việc phục hồi các vùng đất bạc màu, mở rộng trồng rừng và đảm bảo chuỗi giá trị bền vững là 3 giải pháp song hành và xuyên suốt.