Khi các ngành công nghiệp phát triển bùng nổ đem lại vô vàn sản phẩm tiện lợi thì cũng là lúc vi nhựa bắt đầu tràn ngập khắp thế giới. Và bây giờ vi nhựa được tìm thấy trong cả máu và phổi người.
Một vài năm trước, người ta nghiên cứu và phát hiện ra vi nhựa bắt đầu xuất hiện trong ruột của cá và các loài hải sản có vỏ. Vào năm 2017, các nhà khoa học Bỉ nghiên cứu cho thấy những người yêu thích hải sản có thể nạp tới 11.000 hạt nhựa mỗi năm do ăn vẹm, một món ăn phổ biến ở quốc gia này. Nhựa liên tục bị phân hủy trong môi trường thành những hạt, sợi thậm chí còn nhỏ hơn sợi tóc người, tới mức dễ dàng bay vào không khí.
Đầu năm 2022, các nhà khoa học Hà Lan và Anh thông báo đã tìm thấy các hạt nhựa trong cơ thể người, ở hai nơi chưa từng thấy trước đây: sâu bên trong mô phổi và trong máu.
Đánh giá tác hại
Tỉ lệ thuận với sự phát triển của các ngành công nghiệp là nhựa có mặt ở khắp mọi nơi, nên vi nhựa cũng len lỏi đến từng ngóc ngách nhỏ bé nhất như hạt muối, bia, trái cây tươi và rau quả, và cả nước uống. Trong một ước lượng vào năm 2021, các nhà khoa học ở Đại học Kyushu, Nhật Bản ước tính có 24,4 nghìn tỷ hạt vi nhựa trong các đại dương trên thế giới – tương đương với khoảng 30 tỷ chai nước nửa lít. Nhưng xác định xem vi nhựa có gây hại không thì khó hơn nhiều.
Cả nhựa và các chất phụ gia hóa học để làm ra các sản phẩm nhựa đều có thể độc. Scott Coffin, nhà khoa học tại Ủy ban Kiểm soát Nguồn nước Bang California, Mỹ, cho biết phân tích gần đây nhất đã xác định được hơn 10.000 hóa chất được sử dụng trong nhựa, trong đó hơn 2.400 chất có thể gây lo ngại. Nghiên cứu cho biết nhiều loại hóa chất “không được quản lý tốt” ở nhiều quốc gia, bao gồm 901 hóa chất không được phép sử dụng trong bao bì thực phẩm ở một số khu vực.
Các chất phụ gia cũng có thể ngấm vào nước – một nghiên cứu cho thấy có tới 88% lượng chất phụ gia bị ngấm, phụ thuộc vào các yếu tố như nhiệt độ mặt trời và thời gian. Một nghiên cứu khác cho thấy có tới 8.681 hóa chất và chất phụ gia khác nhau liên quan đến một dòng sản phẩm nhựa.
Janice Brahney, nhà hóa sinh tại Đại học bang Utah, Mỹ, người nghiên cứu cách bụi vận chuyển chất dinh dưỡng, mầm bệnh và chất gây ô nhiễm, cho biết mình lo ngại vì sản lượng nhựa tiếp tục tăng đáng kể, trong khi các nhà khoa học vẫn chưa biết nhiều về vi nhựa. Vào năm 2020, 367 triệu tấn nhựa đã được sản xuất ra, người ta dự báo sản lượng này sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2050.
Tuy vậy, việc chứng minh tác hại của vi nhựa lên cơ thể vẫn còn rất phức tạp và gây tranh cãi. Hội đồng Hóa học Mỹ (ACC) giải thích thành phần hóa học của các loại nhựa khác nhau và bác bỏ các tuyên bố nghiên cứu rằng một số loại nhựa là độc hại. ACC cho biết: “Vi nhựa không phải là mưa axit mới”. Brahney đã tính toán rằng chỉ ở miền Tây nước Mỹ, hơn 1.000 tấn hạt cực nhỏ được gió mang theo và rơi ra ngoài không khí mỗi năm. ACC cũng phản biện lại phát hiện đó và cho rằng, “Lượng hạt vi nhựa trong môi trường chỉ chiếm trung bình 4% các hạt được thu thập… 96% còn lại bao gồm các hạt tự nhiên như khoáng chất, bụi bẩn và cát, phấn hoa …”. ACC cho biết đã khởi động một chương trình nghiên cứu để giúp trả lời các câu hỏi quan trọng về vi nhựa như các lộ trình tiếp xúc của vi nhựa, xác định các mối nguy tiềm ẩn và đánh giá rủi ro.
Vi nhựa trong động vật
Việc tìm kiếm tác hại tiềm ẩn của nhựa bắt đầu từ khoảng 40 năm trước, khi các nhà sinh vật biển nghiên cứu chế độ ăn của chim biển bắt đầu tìm thấy nhựa trong dạ dày của chúng, rồi đến các loài sinh vật biển khác.
Năm 2012, Công ước về Đa dạng Sinh học ở Montreal công bố tất cả bảy loài rùa biển, 45% các loài động vật có vú ở biển và 21% các loài chim biển đều bị ảnh hưởng do ăn phải hoặc bị vướng vào nhựa. Cũng cùng năm, một nhóm các nhà khoa học đã thất bại trong việc kêu gọi các nhà quản lý trên thế giới phân loại nhựa độc hại vào ô chất nguy hại – điều này sẽ giúp các nhà quản lý có công cụ để khôi phục môi trường sống bị ảnh hưởng.
Một thập kỷ kể từ đó, rủi ro với động vật ngày càng tăng lên: Hơn 700 loài đã bị ảnh hưởng bởi nhựa. Các nhà khoa học cho biết có khả năng hàng trăm triệu con chim hoang dã đã tiêu thụ nhựa và vào giữa thế kỷ này. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm về cá đã phát hiện ra nhựa có thể gây hại cho hệ thống sinh sản và gây căng thẳng cho gan.
Tuy vậy, việc nghiên cứu đánh giá tác động của nhựa lên cơ thể động vật còn rất khác nhau. Ví dụ, mặc dù chất độc từ nhựa có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe ở gia cầm – theo một nghiên cứu của Úc, thì một nghiên cứu ở Nhật thử nghiệm cho gà con ăn hạt nhựa lại cho thấy gà con bị chậm phát triển một chút nhưng không ảnh hưởng nhiều bằng việc gà bị thiếu nắng, hay khó nở. Phát hiện này đã khiến các nhà khoa học ngạc nhiên, vì đây là “bằng chứng thí nghiệm đầu tiên” cho thấy tác động độc hại và nội tiết “có thể không nghiêm trọng như lo ngại đối với hàng triệu con chim” mang một lượng vi nhựa nhỏ trong bụng.
Nghiên cứu này đóng vai trò như một lời nhắc nhở rằng việc đánh giá mối đe dọa do tiếp xúc với vi nhựa là “không hề đơn giản” và các nhà khoa học còn gặp khó khăn trong việc tìm bằng chứng rõ ràng về tác hại của việc ăn hạt nhựa vào cơ thể.
Vi nhựa ở người
Việc đo lường tác động của vi nhựa đối với người càng khó hơn nhiều so với động vật – không giống như gà và cá, người ta không thể thực nghiệm cố tình cho người ăn vi nhựa. Ở quy mô phòng thí nghiệm, vi nhựa đã được chứng minh là có thể gây ra ảnh hưởng cho các tế bào của con người, bao gồm cả phản ứng dị ứng và làm chết tế bào. Nhưng cho đến nay chưa có nghiên cứu dịch tễ học nào trên diện rộng ghi nhận mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với vi nhựa và tác động đến sức khỏe.
Mới chỉ có các nghiên cứu liên quan đến các nhóm nhỏ, chẳng hạn như một nghiên cứu năm 2018 đã tìm thấy vi nhựa trong chất bài tiết của tám người. Hoặc một nghiên cứu khác đã ghi nhận sự hiện diện của vi nhựa trong nhau thai của thai nhi.
Nghiên cứu gần đây của Dick Vethaak và các đồng nghiệp tại Vrije Universiteit Amsterdam đã tìm thấy vi nhựa trong máu của 17/22 người hiến máu khỏe mạnh. “Các hạt vi nhựa có thể được di chuyển khắp cơ thể thông qua ‘dòng sông’ mạch máu”, Vethaak cho biết.
Nghiên cứu về phổi đã tìm thấy vi nhựa trong 11/13 mẫu phổi, cho thấy các hạt nhựa từ trong không khí, với nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau, có thể xâm nhập nằm sâu trong thùy dưới phổi. Điều đó cho thấy chúng ta đang hít thở những vi nhựa nào hằng ngày, cho dù làm việc ở nhà, đến văn phòng, ngoài trời, đạp xe, chạy, trong các môi trường khác nhau.
Trong cả hai nghiên cứu, các hạt nhựa được tìm thấy chủ yếu là nhựa nano, nhỏ hơn một micromet. Nhưng không rõ những hạt nhựa như vậy có thể truyền từ máu vào các cơ quan khác, đặc biệt là vào não không hay là các cơ quan này có một mạng lưới tế bào dày đặc tạo thành rào cản bảo vệ.
Câu hỏi về tác hại
Chúng ta hít phải nhiều loại hạt lạ mỗi ngày kể khi bắt đầu cuộc Cách mạng Công nghiệp. Phản ứng đầu tiên của cơ thể là tìm cách loại bỏ chúng. Các hạt lớn đi vào đường thở thường được ho ra ngoài. Chất nhầy tạo ra một “thang máy” chất nhầy đẩy chúng trở lại đường hô hấp trên để được tống ra ngoài. Các tế bào miễn dịch bao quanh những tế bào còn lại để cô lập chúng. Theo thời gian, những hạt đó có thể gây kích ứng dẫn đến một loạt các triệu chứng từ viêm, nhiễm trùng đến ung thư. Hoặc những hạt có thể vẫn cứ ở lại trong cơ thể nhưng vô hại, không làm gì cả.
Theo Kari Nadeau, bác sĩ kiêm giám đốc nghiên cứu dị ứng và hen suyễn tại Đại học Stanford, người ta đã xác định được các hạt vi nhựa tìm thấy trong nghiên cứu vi nhựa ở phổi độc hại đối với con người và gây kích ứng phổi, chóng mặt, đau đầu, hen suyễn và ung thư. Trước đây đã có những nghiên cứu về các chất độc được tìm thấy trong nhựa, cũng như các bệnh về phổi có liên quan đến việc tiếp xúc với các chất ô nhiễm. Tuy nhiên, cho đến giờ người ta vẫn chưa biết là liệu các hạt nhựa này trong phổi có ở mức độ và thời gian tiếp xúc tới ngưỡng gây hại hay không.
Có thể phải mất hàng thập kỷ để nghiên cứu, lâu tương tự như quãng thời gian người ta có thể đưa ra các kết quả nghiên cứu thuyết phục về việc hút thuốc gây ung thư. Giới chuyên môn chưa biết được liệu trong vài thập niên năm nữa có tìm ra mối quan hệ nhân quả giữa vi nhựa trong phổi với các chứng như phổi lão hóa sớm hay bệnh khí thũng phổi không. Trong khi chờ đợi các kết quả chắ chắn đó thì giới chuyên môn quan tâm là có thể làm cho nhựa an toàn hơn không?