SEA Games 31 ít ngày nữa khai mạc tại Việt Nam và linh vật biểu tượng được chọn là con sao la. Đây là loài vật được công bố lần đầu tiên phát hiện trên thế giới là tại Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) vào năm 1992. Câu chuyện đi “săn” loài vật này của một nguyên cán bộ Vườn Quốc gia Vũ Quang sẽ cho thấy sự bí ẩn, quý hiếm bậc nhất thế giới của nó.
Bất ngờ với một cặp sừng trong nhà dân
Ông Trần Bỉnh Tự (58 tuổi, trú thị trấn Vũ Quang, huyện Vũ Quang) – nguyên cán bộ Vườn quốc gia Vũ Quang kể, vào năm 1990, Viện điều tra, quy hoạch (Bộ Lâm nghiệp Việt Nam, nay là Bộ NNPTNT) và Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) có cuộc khảo sát về đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang (nay là Vườn quốc gia Vũ Quang).
Là cán bộ khu bảo tồn thông thuộc địa hình và khá am hiểu về các loài cây, con trong khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang nên ông Tự được các nhà khoa học nhờ dẫn đường, cộng tác trong trong cuộc khảo sát, nghiên cứu này.
Theo ông Tự, mục đích của chuyến khảo sát là hỗ trợ ban quản lý khu bảo tồn về công tác nghiên cứu, bảo vệ các nguồn gen, các giống, loài và đa dạng sinh học. Đoàn nghiên cứu cũng không ngờ rằng, nhờ chuyến khảo sát này giúp họ phát hiện ra sao la quý hiếm bậc nhất trên thế giới.
“Năm đó, trong một lần tác nghiệp thực địa, đoàn khảo sát vào một nhà dân nằm ở gần bìa rừng rồi vô tình phát hiện tại đây đang lưu giữ một bộ sừng thú thon dài và màu sắc rất đẹp. Các nhà khoa học đã rất bất ngờ vì bộ sừng này rất đặc biệt, không giống bất cứ sừng của loài động vật nào từng được công bố trước đó” – ông Tự nhớ lại.
Tìm hiểu thì gia đình đó cho biết đấy là cặp sừng của con dê sừng dài. Trong một lần đi làm rẫy họ đã bẫy được và đã giết thịt. Thấy cặp sừng đẹp nên họ để lại treo trong nhà làm vật trang trí.
Nhận định cặp sừng nói trên là của loài động vật mới nên các nhà khoa học đã mua lại để đưa về nghiên cứu và mở cuộc điều tra. Đến tháng 5.1992 thì đoàn khảo sát đã công bố cặp sừng này chính là của con sao la, thuộc họ bò và lần đầu tiên được phát hiện trên thế giới.
Giải thích về tên gọi, ông Tự cho biết lúc đầu sao la được gọi theo tên của người dân địa phương là dê sừng dài, nhưng cặp sừng của loài động vật này giống cái xe sợi dệt vải của người dân tộc Thái, có tên gọi là sao la nên các nhà nghiên cứu đã sử dụng tên loài động vật này là sao la.
Chưa từng thấy sao la ở rừng Vũ Quang
Sau khi loài sao la được công bố, Bộ Lâm nghiệp Việt Nam và Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên đã quyết định thành lập Trạm nghiên cứu, bảo tồn sao la ngay trong Vườn quốc gia Vũ Quang.
Cũng từ đó, ông Tự đi cùng các nhà khoa học đã “ăn gió, nằm sương” ở rừng Vũ Quang để tìm kiếm, nghiên cứu về con sao la. Vậy nhưng, đoàn chưa bao giờ gặp được con sao la nào ở Vườn Quốc gia Vũ Quang.
“Từ năm 1992 đến năm 1997, suốt 5 năm dài đi thực địa trong rừng sâu hiểm trở, các nhà nghiên cứu cũng chỉ thu thập được một số mẫu chân và một số loài cây là thức ăn của sao la. Các nhà khoa học cảm thấy tiếc nuối vì suốt thời gian đó, họ chưa một lần nào chứng kiến tận mắt con sao la đang tồn tại trong rừng nơi đây.” – ông Tự kể.
Vẫn theo lời ông Tự, từ những nghiên cứu và các chứng cứ thu thập được, các nhà khoa học cho rằng Vườn quốc gia Vũ Quang chính là nơi xuất hiện sao la đầu tiên trên thế giới. Loài động vật này những năm sau đó cũng đã được tìm thấy ở các nơi khác trong rừng thuộc các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam.
Ngày 8.5, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Việt Hùng – Trưởng phòng Khoa học và hợp tác quốc tế Vườn Quốc gia Vũ Quang khẳng định, việc các nhà khoa học công bố lần đầu tiên phát hiện sao la ở Vũ Quang có ý nghĩa rất lớn trong bảo tồn loài động vật cực kỳ quý hiếm, ít ỏi có nguy cơ tuyệt chủng này.
Cũng theo ông Hùng, sau khi công bố, các nhà khoa học có lập trạm nghiên cứu bảo tồn sao la ở Vườn Quốc gia Vũ Quang. Tuy nhiên, đoàn sau đó đã chưa một lần bắt gặp được sao la tại đây. Trong khi, ít năm sau đó có xuất hiện một con sao la ở rừng Vũ Quang và được đưa ra Viện Sinh thái để nuôi nhưng rồi nó bị chết.
Còn bản thân ông Hùng đã có gần 15 năm công tác tại Vườn Quốc gia Vũ Quang nhưng chưa bao giờ thấy sao la tại khu rừng này.