Nhờ thực hiện quyết liệt các giải pháp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, quý I/2022, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 33.801 vụ việc vi phạm, giảm 44,86% so với cùng kỳ năm 2021; qua đó thu nộp ngân sách nhà nước 1.917 tỷ đồng, tăng 39,78% so với cùng kỳ năm 2021…
“Vạch trần” các phương thức, thủ đoạn tinh vi trên các tuyến
Đánh giá kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong những tháng đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, thời gian qua, mọi hoạt động của của xã hội từng bước trở lại bình thường, nhu cầu giao thương và sử dụng hàng hóa trong dịp Tết gia tăng. Đặc biệt, sự khan hiếm cục bộ về một số mặt hàng sinh phẩm, thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch đã dẫn tới tình trạng buôn lậu và hàng giả đối với mặt hàng này có xu hướng tăng cao.
Trên thực tế, các đối tượng thường sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trên các tuyến cửa khẩu, biên giới, cảng biển…, nhằm “qua mặt” lực lượng chức năng.
Cụ thể, tại tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, các đối tượng lợi dụng các hình thức xuất, nhập khẩu chính ngạch để thực hiện hành vi buôn lậu hàng hóa với quy mô lớn hơn với phương thức, thủ đoạn tinh vi như: Lợi dụng sự thông thoáng trong thủ tục hải quan điện tử và chính sách hậu kiểm các đối tượng vi phạm như không khai báo, khai báo gian dối không đúng số lượng, chủng loại, trị giá hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; phá niêm phong tẩu tán hàng trên đường vận chuyển, nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Ngoài các thủ đoạn trên, các đối tượng thực hiện hành vi chuyển giá, xuất khống để hoàn thuế giá trị gia tăng… Mặt hàng vi phạm chủ yếu gồm hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng thực phẩm đông lạnh diễn ra ở các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Bình, Quảng Trị; thuốc lá ngoại nhập lậu, rượu, bia, đường cát, sữa, hàng tạp hóa, vàng, ngoại tệ… diễn ra phức tạp tại các tỉnh: Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, An Giang, Kiên Giang; vận chuyển gia súc, lá thuốc lá, dược liệu tại Cao Bằng…
Trên tuyến biển, cảng biển, các đối tượng thường lợi dụng chính sách áp dụng quản lý rủi ro trên hệ thống thông quan hàng hóa tự động và trong quản lý thuế, quá trình xuất, nhập khẩu hàng hóa, để khai báo gian dối về số lượng, giá trị, chủng loại hàng hóa để xuất, nhập lậu hàng hóa…
Các vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra trên biển vẫn hết sức phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi để đối phó với lực lượng chức năng. Mặt hàng vi phạm diễn ra trên tuyến biển là những loại hàng có lợi nhuận cao như: Ma túy, pháo nổ, xăng, dầu DO, than, khoáng sản, hàng thủy sản, hàng điện tử, điện lạnh, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng đông lạnh…
Trên tuyến hàng không và bưu chính quốc tế, các đối tượng buôn lậu tập trung vào các loại hàng hóa có giá trị cao, dễ cất giấu, như: Ma túy, thuốc lá ngoại, xì gà, sản phẩm từ động vật hoang dã, ngoại tệ, điện thoại di động, rượu ngoại, tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế bộ kit test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, thuốc điều trị COVID-19… thông qua hành lý, các bưu kiện hàng hóa là quà tặng, quà biếu… được gửi từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ.
Phát hiện, xử lý 33.801 vụ việc vi phạm pháp luật
Đáng chú ý, lợi dụng tình hình dịch bệnh và nhu cầu tâm lý phòng, chống dịch COVID-19 của nhân dân tăng cao, các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi, vi phạm pháp luật và phạm tội có xu hướng gia tăng. Đặc biệt là hành vi vi phạm đối với nhóm mặt hàng sinh phẩm, thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch diễn ra phức tạp trong thị trường nội địa.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong quý I/2022, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 33.801 vụ việc vi phạm (giảm 44,86% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó: 3.631 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu (giảm 72,44% so với cùng kỳ năm trước); 29.296 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế (giảm 8,77% so với cùng kỳ năm trước); 874 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (giảm 94,54% so với cùng kỳ năm trước). Qua đó, thu nộp ngân sách nhà nước 1.917 tỷ đồng (tăng 39,78% so với cùng kỳ năm trước).
Đạt được kết quả trên là do Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch công tác năm, Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng tập trung lực lượng, phương tiện, sử dụng đồng bộ các biện pháp kết hợp vừa kiểm soát phòng chống dịch COVID-19, vừa tích cực, quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Xử lý nghiêm mọi hành vi buôn lậu, gian lận thương mại
Trên cơ sở kết quả đạt được, thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành và địa phương phối hợp với lực lượng chức năng tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Hai là, xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, điều tra phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây ổ nhóm tụ điểm phức tạp nhằm dăn đe và phòng ngừa chung.
Ba là, tiếp tục rà soát những khó khăn vướng mắc (về quy định pháp luật, cơ chế phối hợp, và các điều kiện khác) kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời từng bước hoàn thiện thể chế nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Bốn là, tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng khai thác, chia sẻ thông tin, giữ liệu sẵn có phục vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phối hợp đẩy mạnh thông tin, truyền thông theo phương châm tăng cường về tần suất, đa dạng về hình thức đảm bảo nội dung và chất lượng.
Năm là, phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý tuyến, địa bàn, lĩnh vực, trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra vi phạm nghiêm trọng, thanh tra công vụ phòng ngừa và xử lý tiêu cực, tham nhũng trong công tác này.