Gần 200 cá thể động vật hoang dã quý hiếm sau cứu hộ đã được thả về môi trường tự nhiên ở các khu rừng thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
Ngày 9/5, Giám đốc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng Phạm Hồng Thái cho biết vừa phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội tổ chức thả gần 200 cá thể động vật hoang dã quý hiếm sau cứu hộ về môi trường tự nhiên tại rừng thuộc Vườn Quốc gia.
Được biết, 135 cá thể động vật hoang dã quý hiếm được tiếp nhận gồm: Culi, chim yểng, vẹt ngực đỏ, vẹt má vàng, cầy vòi hương, cầy vòi mốc, dúi, mèo rừng, rái cá vuốt bé, rùa bốn mắt, rùa sa nhân, rùa hộp trán vàng miền Bắc; và hàng chục cá thể rắn các loại với tổng trọng lượng gần 39kg như: hổ mang, sọc khoanh, cạp nong sọc dưa và rắn ráo thường. Phần lớn các loài đều thuộc nhóm IIB và Phụ lục I, Nghị định 64, năm 2019 của Chính phủ.
Sau khi được Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội tiếp nhận, chăm sóc, phục hồi tập tính, các cá thể động vật hoang dã đã bảo đảm sức khỏe, đủ điều kiện trở lại sinh sống trong môi trường tự nhiên và được các đơn vị liên quan tổ chức thả tại các địa điểm thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
Các loại động vật hoang dã này sẽ được cơ quan chuyên môn tiếp tục theo dõi nhằm đảm bảo quá trình hòa nhập với môi trường tự nhiên. Bên cạnh đó, việc phân tách đàn ra nhiều vùng khác nhau nhằm tạo hiệu quả trong công tác bảo tồn động vật quý hiếm trong sách đỏ.
Theo Giám đốc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, đây là lần thứ 2 Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội lựa chọn Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng làm địa điểm thả các loại động vật hoang dã sau cứu hộ, nâng cao sự phối hợp giữ hai bên. Đồng thời, việc thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên đang từng bước góp phần vào các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.