Thời gian qua, tình trạng khai thác đất đồi trái phép tại huyện Ngọc Lặc trở thành vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm. Mặc dù UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản về tăng cường công tác quản lý, hoạt động tài nguyên khoáng sản… nhưng chính quyền địa phương lại chậm trễ kiểm tra, xử lý.
Những ngày cuối tháng 04/2022, chúng tôi đến huyện Ngọc Lặc, nhận thấy tình trạng khai thác đất trái phép tại đây vẫn diễn ra và có chiều hướng gia tăng. Trên các sườn đồi, khu vực phía sau nhà dân xuất hiện những vách đất nham nhở, một lượng lớn tài nguyên khoáng sản đã được các đối tượng mang đi tiêu tụ, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Đơn cử như thôn Giang Sơn, xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc. Chỉ trong một thôn đã xuất hiện 03 khu vực khai thác đất trái phép với trữ lượng tương đối lớn. Lại gần khu vực khai thác đất, chúng tôi không khỏi bàng hoàng khi hàng nghìn m3 đất đã bị “cướp trắng” bởi “đất tặc”, để lại vách đất dựng đứng, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. Ngoài con đường liên xã (từ xã Thúy Sơn đi xã Thạch Lập) đất đỏ vương vãi nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Cũng tại thị trấn Ngọc Lặc, khu vực gần Công ty Việt Pan – Pacific Thanh Hóa, có nhiều máy xúc cùng xe tải đang tiến hành khai thác đất. Chỉ trong buổi sáng, một số xe vận chuyển đất che chắn bạt sơ sài đã vận chuyển đất đi bán san lấp. Trong khi đó không hề thấy sự có mặt của chính quyền địa phương để kiểm tra, xử lý.
Tương tự tại thôn Giữa, xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc. Thời điểm chúng tôi có mặt, ngay giữa thanh thiên bạch nhật có một máy xúc đang án ngữ ở lưng chừng đồi, xung quanh một lượng đất lớn đã được khai thác và chở đi tiêu thụ. Con đường trong thôn cũng vì vậy bị bao phủ bởi bụi đất, khiến người dân bức xúc.
Theo một người dân sống gần khu vực khai thác đất tại xã Minh Sơn, do nhu cầu sử dụng đất để san lấp ngày càng nhiều nên thời gian gần đây đã xảy ra tình trạng khai thác đất. Khu vực khai thác đất chủ yếu ở sườn đồi, nhiều hôm xe tải chở đất ra vào rầm rộ, đi đến đâu thì bụi vương vãi tới đó, cứ có gió thổi là bụi mù mịt. Khai thác đất diễn ra cả ngày lẫn đêm, nhưng xã nào có xuống kiểm tra hay xử phạt, họ cứ ngang nhiên khai thác mà không bị hề bị xử lý.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Đặng Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc cho biết: Tôi đã nắm được thông tin về tình trạng khai thác đất trái phép trên địa bàn một số địa phương, đã giao cho UBND xã và thị trấn tiến hành lập biên bản kiểm tra, xử lý.
Tuy nhiên, ngày 28/4/2022, trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Phạm Minh Nhận, Chủ tịch UBND xã Thúy Sơn cho rằng: Khu vực khai thác đất trái phép thuộc đất vườn của hộ ông Lê Viết Thái, điểm này đã dừng khai thác, có thể họ lợi dụng khai thác ban đêm nên xã khó nắm bắt được. Về việc lập biên bản kiểm tra, xử lý thì xã chưa tiến hành. Tôi sẽ cử cán bộ xuống nắm bắt và kiểm tra lập biên bản hiện trạng, sẽ thông tin sau.
Đến ngày 04/05/2022, phóng viên tiếp tục liên hệ với ông Phạm Minh Nhận. Trao đổi qua điện thoại ông Nhận thông tin: Xã vẫn chưa lập biên bản kiểm tra, cũng khó cho anh do có ý kiến của lãnh đạo.
Sau khi xem những hình ảnh phóng viên cung cấp, ông Phạm Văn Đồng, Chủ tịch UBND thị trấn Ngọc Lặc xác nhận: Khu vực khai thác đất thuộc đất của Công ty Việt Pan – Pacific Thanh Hóa, về hồ sơ và thủ tục cấp phép khai thác, tận thu đất thì tôi chưa nắm được, có thể họ đã xin ý kiến huyện và đang triển khai xây dựng dây truyền tiếp theo. Do mấy hôm tôi đi vắng nên giao cho đồng chí Phó Chủ tịch UBND thị trấn đã xuống kiểm tra.
Ông Đăng Sỹ Thu, Chủ tịch UBND xã Minh Sơn cho biết: Khi nắm được thông tin về tình trạng khai thác đất trái phép trên địa bàn, tôi đã giao anh em công an xã xuống kiểm tra và phối hợp với công an huyện thu giữ máy.
Ngày 12/8/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành văn bản số 12234/UBND-CN về việc tăng cường quản lý nhà nước về quản lý, hoạt động tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố:
Thành lập Tổ công tác liên ngành của huyện thường xuyên tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép; xử lý các tổ chức, cá nhân tập kết, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm điều kiện kinh doanh theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, khi phát hiện hoặc nhận được tin báo có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép phải chủ động tổ chức, huy động lực lượng để kịp thời ngăn chặn, xử lý kịp thời theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền phải báo cáo UBND tỉnh để xử lý theo quy định. Nếu để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường trên địa bàn mà không xử lý, để tái diễn, kéo dài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh… |