Cồn Chim ký sự: Trồng rừng, yêu luôn cây đước cây bần

Gắn bó với rừng ngập mặn trên đầm Thị Nại hàng chục năm nay, ngày nào ông cũng đi thăm, nhiều khi thăm nhiều hơn thăm con thăm cháu, nên không thể không yêu…

Gắn đời với rừng ngập mặn…

Ông Huỳnh Trung Tấn ở xóm Cồn Chim, xã Phước Sơn 2 (huyện Tuy Phước, Bình Định) nay đã 73 tuổi, nhưng trông ông điều khiển chiếc ghe máy của Ban quản lý Khu sinh thái Cồn Chim – Đầm Thị Nại rất nhanh nhẹn, dáng vóc khỏe mạnh. Hỏi ông sao tuổi đã lớn mà còn khỏe mạnh đến vậy, ông cười hà hà, bảo: “Sống trong môi trường trong lành như vầy, muốn ăn con tôm, con cá, con cua cứ ra hồ mà vớt vào ăn hỏi sao không khỏe”.

Quả thật, ngồi trên chiếc ghe máy do ông Tấn lái chạy loanh quanh những cánh rừng ngập mặn trong Khu sinh thái Cồn Chim, cái nắng gay gắt dường như chẳng xâm nhập được vào màu xanh ngút ngàn trên vùng đầm. Tôi vừa hít thở không khí trong lành, mắt vừa no nê nhìn ngắm những vạt rừng đước, rừng bần xanh ngắt. Những vạt rừng soi bóng dưới nước khiến Cồn Chim càng trở nên thơ mộng. Tôi thỏa thuê ngắm nhìn những vạt rừng bên mép sóng, như quên đi thời gian đang trôi.

Ông Huỳnh Trung Tấn gắn bó với rừng ngập mặn lâu nên yêu những cây đước, cây bần như con, như cháu. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Tấn kể, ông sinh ra ở thôn Phú Hậu, xã Cát Chánh (huyện Phù Cát, Bình Định). Trước năm 1975 ông tham gia cách mạng, sau ngày giải phóng ông lấy vợ ở Cồn Chim, năm 1979 vợ chồng ông có đứa con đầu lòng. Ngày ấy làm ăn khó khăn, khi đứa con đầu lòng mới được 6 tháng tuổi, vợ chồng ông Tấn bồng con dắt díu nhau vào miền Nam làm đủ nghề để kiếm kế sinh nhai. Năm 1988, vợ chồng ông quay về định cư ở quê vợ là cù lao Cồn Chim làm ao nuôi tôm và trồng rừng ngập mặn. Năm 2010, người bảo vệ của Ban quản lý Khu sinh thái Cồn Chim – Đầm Thị Nại không chịu nổi cảnh sống buồn tẻ giữa mênh mông sóng nước, giữa những vạt rừng đước, rừng bần âm u nên xin nghỉ việc, ông Tấn nhận lời làm thay, thế là cuộc đời ông gắn với rừng ngập mặn từ đó đến nay.

Hàng ngày đi kiểm tra rừng, nhìn ngó những cây đước, cây bần xem chúng phát triển đến đâu, có bị sâu bệnh hay bị xâm hại gì không, lâu dần thấy thân thuộc từng gốc cây rừng. “Ngày nào cũng nhìn ngó chúng, gần gũi với rừng ngập mặn nhiều hơn gần vợ gần con hỏi sao không yêu chúng cho được”, ông Tấn bộc bạch.

Tác giả (đeo kính) được đưa đi ngắm cảnh rừng ngập mặn cùng anh em trong Ban quản lý Khu sinh thái Cồn Chim – Đầm Thị Nại. Ảnh: V.Đ.T.

Tôi nhớ một lần khác đi dạo rừng ngập mặn với ông Dương Văn Tường ở xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước, Bình Định), người hầu như gắn cả cuộc đời với đầm Thị Nại. Ý thức được tầm quan trọng của rừng, nhiều năm nay, ngoài nhận khoán bảo vệ 3ha rừng ngập mặn, ông Tường còn tự ươm giống cây mắm, cây đước để trồng xung quanh bờ ao nuôi thủy sản rộng gần 3ha của gia đình.

“Không riêng gì tôi, nhiều hộ dân ở đây cũng tự ươm giống trồng rừng ngập mặn bao quanh diện tích nuôi thủy sản để chống xói lở, tạo cảnh quan xanh mát”, ông Tường nói.

Ông Tường tâm sự: “Chú em thấy rễ cây đước này không, rễ chùm vồng lên như cái nơm cắm sâu vô đất, rễ kiểu này là giữ bờ ngon hết biết. Những năm bão lớn, nhờ có hàng cây đước này mà bờ ao đất vững như kiềng 3 chân, không bị triều cường sóng dữ tàn phá, qua mùa bão lũ tôi không phải mất tiền gia cố lại bờ. Rừng ngập mặn mang lại lợi ích là vậy, nên mỗi năm dù chỉ nhận được công bảo vệ có 300.000 đồng/ha nhưng tôi vẫn nhiệt tình nhận làm. Gắn bó thân thuộc với rừng từ lúc cây còn bé tí mới dặm xuống, đến giờ, cây lớn bung xòe tán rậm rạp nên mình thân thuộc với cây rừng có khác gì với con, với cháu”.

 

Nhân viên Ban quản lý Khu sinh thái Cồn Chim – Đầm Thị Nại kiểm tra rừng ngập mặn. Ảnh: V.Đ.T.

…Mãi rồi thành yêu

Hôm đi dạo rừng ngập mặn trên đầm Thị Nại cùng ông Tường trên chiếc sõng con thường chỉ để 1 người, nay sõng chở 2 người nên nước khẳm be. Sau mỗi lần ông Tường khua mái chèo, chiếc sõng chòng chành, chao lắc như cứ chực lật úp. Thế nhưng sau mấy lượt đôi tay điêu luyện của ông Tường khua mái chèo, chiếc sõng dần “ngoan ngoãn”, bắt đầu lướt êm qua những vạt rừng ngập mặn cây đã cao ngút, rễ tua tủa trông rất bề thế. Trước mắt tôi là bạt ngàn cây bần đứng nối nhau thành từng vạt rừng, vẽ nên bức tranh tuyệt mỹ giữa mênh mông sóng nước. Khi ấy khoảng vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 âm lịch, rừng bần đeo trái dày cây nhìn rất đã mắt.

“Cứ vào khoảng tháng 4 âm lịch là bần bắt đầu ra trái, kéo dài đến đầu tháng 10, từ khi nó ra hoa đến khi trái già là 3 tháng rưỡi, lúc ấy có thể hái trái về ươm cây giống để trồng. Ngoài bần chua và bần chát, rừng ngập mặn trên đầm Thị Nại còn trồng các loại cây mắm và cây đước. Cây mắm và cây đước vào khoảng tháng 7 tháng 8 hàng năm là mùa hái trái để ươm giống”, vừa khua mái chèo ông Tường vừa phân tích.

Ông Dương Văn Tường bơi sõng đi kiểm tra diện tích rừng ngập mặn mà ông nhận khoán bảo vệ. Ảnh: V.Đ.T.

Qua câu chuyện của ông Tường, tôi biết cánh rừng ngập mặn này ông nhận khoán bảo vệ từ lúc cây còn nhỏ, đến giờ đã hơn chục năm. Trông cây nào cây nấy cũng lừng lững, sung mãn, tôi nghĩ chẳng bão gió nào có thể quật ngã được nó. Ông Tường bảo khi rừng ngập mặn đã trưởng thành tạo cảnh quan đẹp đến hút mắt người nhìn, đồng thời bộ rễ của nó trở thành nơi trú ngụ của tôm cá, tạo nên hệ sinh thái rất đa dạng.

Ao nuôi tôm của ông Tường nằm cách cánh rừng ngập mặn ông nhận khoán bảo vệ chừng 100m, xung quanh bờ ao ông trồng cây đước để giữ bờ khỏi lở. Nhìn bộ rễ của cây đước tôi thấy khác xa so với bộ rễ của những cây bần ngoài kia. Rễ cây đước kết thành chùm, vồng lên, trông như cái nơm cắm xuống nước. Còn cây bần rễ cắm sâu vào đất rồi tỏa ra xung quanh, ngoi lên mặt nước như để tìm không khí. Theo giải thích của ông Tường, bần là loại cây có khả năng vượt trội về sức sống dẻo dai, thích ứng với môi trường nước mặn hay úng ngập, đây cũng là loại cây được lựa chọn trồng nhiều ven đầm Thị Nại, nó giúp giữ đất và cải thiện rõ rệt môi trường nước của đầm.

Ông Dương Văn Tường tự ươm giống cây rừng ngập mặn để trồng dặm vào diện tích rừng ông nhận khoán bảo vệ. Ảnh: V.Đ.T.

Càng nghe ông Tường nói về những loại cây rừng ngập mặn, tôi càng hiểu ra những con người sống bên bờ sóng, bám vào sóng vào gió, vào rừng bần rừng đước kiếm kế sinh nhai đã dành cho những cánh rừng ngập mặn tình cảm lớn đến chừng nào. Lâu dần, những người dân ở đây cũng mạnh mẽ như những cây bần cây đước, “cắm rễ” vào đất, vào nước mà sống. Đó là tình yêu với rừng ngập mặn của dân bản địa, những người từ Quy Nhơn qua làm việc tại Ban quản lý Khu sinh thái Cồn Chim – Đầm Thị Nại nói về cù lao xứ Cồn cũng thân thiết cứ như nói về nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Theo anh Trương Xuân Đưa, Trạm trưởng Trạm Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp, đơn vị trực thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định, trồng rừng trên núi khó một thì trồng rừng ngoài đầm Thị Nại khó mười. Cái khó trước tiên là vấn đề kinh phí, trồng rừng ngập mặn tốn gấp 4 – 5 lần so với trồng rừng trên núi.

Anh Trương Xuân Đưa giới thiệu đặc tính của cây đước được trồng tại vườn ươm Khu sinh thái Cồn Chim – Đầm Thị Nại. Ảnh: V.Đ.T.

Rừng ngập mặn ở Bình Định được ngành chức năng trồng, chăm sóc đến khi chúng được 4 năm tuổi. Giai đoạn này, cây con dễ bị các loại ốc, hàu… bám trên cây, lá làm tổn hại đến quá trình sinh trưởng, vì vậy, cần phải được chăm sóc kỹ lưỡng. Từ năm thứ 5 trở đi, cây cứng cáp hơn sẽ được khoán cho người dân có tâm huyết bảo vệ. Còn diện tích rừng ngập mặn trong Khu sinh thái Cồn Chim được cán bộ, nhân viên của đơn vị chăm sóc bảo vệ.

“Trước đây, rừng ngập mặn ở Bình Định chủ yếu sử dụng giống cây đước để trồng và phải mua từ Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh). Năm 2015, chúng tôi đưa vào hoạt động vườn ươm rộng 1ha có công suất ươm tối đa là 100.000 cây giống. Những năm gần đây, chúng tôi tự ươm giống cây đước, mắm, bần để trồng rừng. Cây giống phải từ 18 – 22 tháng, có độ cao 1,2 – 1,5m mới đem ra trồng ngoài tự nhiên. Trong các loại cây trồng rừng ngập mặn thì cây bần có độ dẻo dai, sức chống chịu tốt hơn cây đước, cây mắm, nên chúng tôi đã đưa giống cây bần trắng vào trồng trên diện tích lớn”, anh Trương Xuân Đưa cho biết.