Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng tạo ra những thách thức lớn trong việc bảo vệ hệ thống cây xanh và ao hồ – vốn được coi là “lá phổi xanh” của các đô thị. Nhất là những đô thị lớn như TP. Hà Nội.
Về vấn đề bảo vệ cây xanh, ao, hồ- lá phổi xanh của Thủ đô Hà Nội, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, guyên Kiến trúc sư trưởng TP.Hà Nội.
Được biết, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm là người có rất nhiều tham vấn cho Hà Nội trong việc bảo tồn, gìn giữ hệ thống ao hồ, cây xanh trên địa bàn thủ đô hàng chục năm qua.
PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của ao, hồ và hệ thống cây xanh trong không gian đô thị, nhất là những đô thị lớn như Hà Nội?
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Trong lịch sử phát triển đô thị của thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng và đặc biệt là Thủ đô Hà Nội, cây xanh – mặt nước là yếu tố luôn được quan tâm, có vai trò to lớn.
Thứ nhất, cây xanh – mặt nước là yếu tố quan trọng trong cấu trúc đô thị; tạo cân bằng hệ sinh thái đô thị. Thứ hai, cây xanh – mặt nước tạo cảnh quan đặc thù cho đô thị, khắc phục ô nhiễm; đồng thời có giá trị kinh tế. Thứ ba, cây xanh – mặt nước phục vụ nhu cầu văn hóa, tâm linh của nhân dân. Có thể khẳng định, cây xanh – mặt nước là tài sản vô giá, bền vững trong đô thị.
Với Thủ Đô Hà Nội, cây xanh – mặt nước còn được xác định là yếu tố góp phần tạo lập bản sắc trong quá trình Thăng Long – Hà Nội, gắn với phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội.
Trong giai đoạn phong kiến, qua cấu trúc kinh thành, các công trình kiến trúc từ nhà ở của dân đến lâu đài đều thấy rõ, cây xanh – mặt nước với tư duy phong thủy truyền thống lưu giữ từ nhiều đời. Minh chứng từ Hoàng thành Thăng long.
Đến giai đoạn Pháp thuộc, cây xanh – mặt nước đã trở thành không gian công cộng gắn với cuộc sống đô thị và cảnh quan đường phố đó là xây dựng các vườn hoa, không gian xanh công cộng, trồng cây xanh trên đường phố. Ví dụ từ 1886 trồng cây xanh xung quanh Hồ Gươm, từ 1890 đã gắn kết trồng cây xanh ven đường với hình thành hơn 90 km đường trong nội đô hiện nay.
PV: So với trước đây, quỹ cây xanh, ao hồ của Hà Nội hiện tại ra sao, thưa ông?
Điểm mới trong giai đoạn này là cây xanh không chỉ kế thừa truyền thống bản địa mà còn tiếp cận với cây xanh thế giới, để chọn lựa bổ sung quỹ cây xanh (Công viên Bách thảo năm 1901 là vườn ươm thử nghiệm). Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sau hòa bình lập lại 1954, Hà Nội đã 4 lần điều chỉnh địa giới (1961-1978, 1991, 2008) có 7 lần lập quy hoạch chung xây dựng đều xác lập chỉ tiêu về diện tích cây xanh – mặt nước. Phong trào Tết trồng cây được Bác Hồ khởi xướng đã đi vào lòng dân, vào cuộc sống.
Lần quy hoạch chung gần đây (được Chính phủ phê duyệt năm 2011) đã được cụ thể hóa quy hoạch chuyên ngành công viên, mặt nước, cây xanh được phê duyệt 2014. Để định hướng phát triển và là công cụ để quản lý. Qua khảo sát cho thấy, Hà Nội đã có quỹ cây xanh – mặt nước phong phú.
Trong 10 quận nội thành với hơn 400 phố đã có 50.000 cây xanh, trên 3.000 km đường có 120.000 cây xanh với hơn 70 loài. Chỉ riêng nội thành với 25 công viên và 45 vườn hoa đã có diện tích gần 400 ha với độ che phủ 560 ha.
Hà Nội có gần 200 hồ nước với diện tích hơn 6.000 ha, chưa kể hệ thống sông và kênh thoát nước liên kết với cả vùng. Sông, hồ Hà Nội đã tạo lập quỹ cảnh quan đặc thù cho Hà Nội, góp phần tạo lập quỹ di sản đặc trưng như khu vực Hồ Tây, Hồ Gươm, cảnh quan sông Hồng…
Hồ nước còn có tác dụng điều tiết thoát nước mặt và hơn nữa là yếu tố không thể thiếu trong cấu trúc tổng thể công trình công cộng nhất là đình, chùa, công trình tôn giáo. Từ tiềm năng này, Hà Nội đã quan tâm, thể chế hóa, định hướng phát triển và yêu cầu quản lý. Rõ rệt nhất là luật Thủ Đô (2013) đã qui định “trên địa bàn thành phố, nghiêm cấm san lấp, lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, hồ, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng, chống chặt phá rừng, cây xanh…
Trong giai đoạn tới (2020-2030), Hà Nội cũng đã định hướng trở thành “Thành phố xanh – thông minh – hiện đại”. Do đó, Thành phố đã đề ra đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá, trong đó có phát triển nhanh và bền vững, giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa – xã hội và bảo vệ tài nguyên – môi trường.
PV: Định hướng của Hà Nội về việc gìn giữ, phát triển cây xanh, ao, hồ được xem là rất đúng đắn nhưng trong thực tiễn vẫn có tình trạng chặt hạ, di chuyển cây xanh để phát triển hạ tầng, san lấp ao, hồ để làm khu đô thị. Vậy nguyên nhân từ đâu và tác động của nó đến môi trường như thế nào?
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Trong thực tiễn là có hiện tượng như trên. Ví dụ các dự án mỗi đường trục giao thông có di chuyển, chặt bỏ một số cây hoặc các tuyến phố cũ cũng đã chặt bỏ một số cây không an toàn. Hà Nội cũng đang chịu áp lực thách thức về giao thông, mạng đường thành phố chỉ mới chiếm xấp xỉ 10% diện tích xây dựng, trong khi qui định cần gần 20% diện tích, do vậy phải đảm bảo hài hòa môi trường với áp lực giao thông.
Để nhìn nhận vấn đề này, cần đánh giá quỹ cây xanh Hà Nội có lịch sử phát triển dài, cây xanh nói chung nhất là cây xanh đường phố gắn liền với hình thành tuyến phố nhất là thời kỳ Pháp đã tạo nên nét riêng biệt như cây sao đen ở Lò Đúc, cây sữa ở Nguyễn Du, xà cừ ở Hoàng Diệu, cây sấu ở phố Phan Đình Phùng… đã có điều tra gần 500 tuyến phố và đã thống kê được trên 50.000 cây không chỉ ở hè đường mà cả ở dải phân cách như với đường Nguyễn Chí Thanh, đại lộ Thăng Long…
Nhiều cây xanh đường phố có độ tuổi gần 100 năm được quan tâm chăm sóc như chặt tỉa, giảm độ cao, giãn mật độ tán lá, nhưng cũng có một số cây có nguy cơ đổ, không an toàn cần chặt bỏ. Chỉ riêng dự án 2015-2017, Hà Nội đã thay thế hơn 6.700 cây trên gần 200 tuyến phố.
Việc di dời khi mở đường hoặc chặt bỏ được giám sát kỹ. Hà Nội đã chú trọng xây dựng các vườn ươm không chỉ là nơi trồng cây giống, mà còn để ươm các cây xanh có giá trị khi di dời với quỹ đất trên 20 ha như ở Cầu Diễn, Cổ Nhuế hoặc một số vườn ươm tư nhân.
Bài học ở đây là: Phải đẩy mạnh thống kê cây xanh, đánh giá cây xanh, đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng và giám sát dịch chuyển, quyết liệt khoa học hơn nữa tổng quan quỹ cây xanh, không gian xanh toàn thành phố luôn phát triển. Bên cạnh cây xanh hình thành cùng các tuyến đường mới mở là phát triển nhiều công viên vườn hoa mới, tạo nên môi trường mới, cải thiện chất lượng sống cho người dân.
Hồ nước trong nội đô cũng có hiện tượng một số bị san lấp. Thống kê năm 2012 cho thấy đã lấp xấp xỉ 20 hồ với diện tích gần 150 ha. Phần lớn hồ nước này bị ô nhiễm, ách tắc, không liên kết với hệ thống. Thành phố đã kịp thời lập quy hoạch để phân loại, quản lý.
Tuy nhiên, sau đó Thành phố đã có chương trình chỉnh trang kè các hồ để trồng cây xanh. Phong trào duy tu, bảo dưỡng các hồ nước đã được nhân dân hết sức ủng hộ nhất là các tổ chức xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh làm rất nhiều để tạo những khu vực cảnh quan, tạo nên phong trào. Việc các hồ ô nhiễm cần có phương án điều chỉnh. Thành phố đã kịp thời có quy hoạch để phân loại hồ, xác định rõ danh mục hồ nào được lấp, hồ nào không được lấp.
PV: Cây xanh, hồ nước không chỉ có tác động tích cực đến môi trường mà nó còn là đặc trưng về cảnh quan tại Hà Nội. Vậy, Hà Nội đã có những biện pháp gì để gìn giữ nét đặc trưng này?
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa đã góp phần cải thiện chất lượng môi trường sống, song tốc độ đô thị hóa cao càng cần phát triển cây xanh, không chỉ ở nơi công cộng mà cả trong các khu ở, các nhà ở riêng lẻ.
Đã xác định chỉ tiêu cây xanh phải đạt lớn hơn hoặc bằng 7 m2/người (hiện chỉ đạt xấp xỉ 5 m2/người). Chú trọng thực hiện không gian xanh trong cấu trúc đô thị đó là các vành đai xanh, hành lang xanh, các bãi xanh ven sông, hồ. Cùng với phát triển số lượng là chọn lựa chủng loại cây xanh, tạo lập cây xanh đường phố có tính đặc thù.
Trong phát triển cũng đã xác định các chỉ tiêu về diện tích mặt nước trong không gian xanh (công viên, vườn hoa thể hiện trong các quy hoạch cụ thể) danh mục các hồ nước được tôn tạo. Đồng thời là thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm nước mặt.
Có thể tin tưởng rằng, từ các định hướng phát triển giải pháp quyết liệt của thành phố và phát huy vai trò, trách nhiệm của cộng đồng, Hà Nội sẽ sớm là thành phố xanh, hiện đại, có môi trường sống cao.
Xin cảm ơn ông!
Nhiều hồ ở quận Hoàng Mai, Hà Nội sắp bị lấp để làm nhà, làm đường
Thông tin cho biết, theo bản đồ kế hoạch sử dụng đất TP.Hà Nội năm 2020, nhiều hồ nước sắp bị lấp để làm nhà, làm đường ở quận Hoàng Mai, Hà Nội: Hồ nước gần BV điều trị người bệnh Covid-19: Theo bản đồ kế hoạch sử dụng đất TP.Hà Nội năm 2020, khu vực hồ nước gần BV điều trị người bệnh Covid-19 đã được đưa vào kế hoạch sử dụng. Theo đó, khu vực này sẽ được thu hồi, san lấp xây dựng dự án xây dựng KĐT Tân Hoàng Mai của Tân Hoàng Minh tại quận Hoàng Mai với diện tích khoảng 50.361,210 m2. Hồ nước đối diện Mega Market số 126 Tam Trinh: Theo bản đồ kế hoạch sử dụng đất TP.Hà Nội năm 2020, khu vực hồ nước đối diện Mega Market số 126 Tam Trinh đã được đưa vào kế hoạch sử dụng. Theo đó, khu vực này sẽ được thu hồi, san lấp xây dựng dự án Khu chung cư và dịch vụ công cộng TDC (Lucky House) với diện tích khoảng 31.687,936 m2. Hồ Thanh Trì: Theo bản đồ kế hoạch sử dụng đất TP.Hà Nội năm 2020, khu vực hồ Thanh Trì đã được đưa vào kế hoạch sử dụng. Theo đó, một phần hồ Thanh Trì sẽ được thu hồi, san lấp để làm đường với diện tích khoảng 14.473,891 m2. |