Mực nước biển tại nhiều khu vực của New Zealand đang tăng nhanh hơn gấp đôi so dự báo trước đây. Theo đó, hai thành phố lớn nhất nước này là Wellington và Auckland có thể hứng chịu hậu quả nhanh hơn hàng thập niên so dự báo trước đây.
Kết luận trên được đưa ra trong chương trình nghiên cứu mở rộng, mang tên NZ SeaRise, do chính phủ tài trợ, kéo dài 5 năm, vừa được công bố ngày 2/5.
Dữ liệu nghiên cứu cho thấy một số khu vực đã chìm từ 3-4mm mỗi năm, đẩy mối đe dọa – vốn đã được dự báo từ trước, tăng nhanh hơn. Điều này có nghĩa là nhà chức trách có ít thời gian hơn để đưa ra các kế hoạch thích ứng khí hậu, trong đó có việc tái định cư các cộng đồng ven biển.
Theo Giáo sư Tim Naish thuộc Đại học Victoria (New Zealand), đồng chủ trì chương trình nghiên cứu trên, trong khi mực nước biển toàn cầu được dự báo tăng khoảng 0,5m vào năm 2100, nhiều khu vực quan trọng của New Zealand có thể chứng kiến mức tăng tới gần 1m vì song song với nước biển dâng, đất cũng đang bị chìm.
Như vậy, thủ đô Wellington có thể chứng kiến mực nước biển dâng thêm 30cm vào năm 2040, sớm hơn nhiều so dự báo vào sau năm 2060. Với tốc độ nước biển tăng như vậy, người dân Wellington có thể hứng chịu thiệt hại lũ lụt nghiêm trọng trung bình mỗi năm.
Dữ liệu cũng cho thấy đường bờ biển phía đông nam của đảo bắc New Zealand, nơi có dân số đông hơn, sẽ chịu tác động lớn nhất, nhiều cộng đồng sinh sống ven biển và thị trấn sẽ bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng.
Thành phố Auckland, với 1,7 triệu người dân đặc biệt dễ bị tổn thương. Nghiên cứu dự báo nước biển có thể dâng nhanh hơn 50% ở khu vực cảng trung tâm và một số vùng ngoại ô, tác động lớn đến giá nhà và bảo hiểm.
Giáo sư Naish nêu rõ: “Chúng ta có ít thời gian hơn để hành động. Bạn sẽ thấy các tác động do nước biển dâng nhanh hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Đường và tài sản sẽ bị nước nhấn chìm”.
NZ SeaRise cũng đã phát triển một công cụ trực tuyến, cho phép người dân và chính quyền tự kiểm tra, đánh giá nguy cơ lũ lụt và xói mòn.
Trước nguy cơ về nước biển dâng, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết, kế hoạch thích ứng đang được nghiên cứu, trong đó, có việc lập danh sách di dời một số cộng đồng và cơ sở hạ tầng ra khỏi các đường bờ biển dễ bị tổn thương.
Chính phủ cũng đang làm việc với các chính quyền địa phương và công ty bảo hiểm để quy trách nhiệm gánh vác chi phí. Bên cạnh đó, nữ Thủ tướng New Zealand cũng cho rằng, không nên chấp nhận nước biển dâng là điều khó tránh khỏi, vì vậy, người dân cần nỗ lực giảm lượng khí thải và tác động của biến đổi khí hậu.