Các loài trước kia chưa từng tương tác giờ đây có cơ hội tiếp xúc với nhau khi cùng phải di chuyển đến những khu vực mát mẻ hơn để tránh tác động của nóng lên toàn cầu, theo một nghiên cứu mô hình mới.
Số lần tiếp xúc giữa các loài tăng lên kéo theo nguy cơ trao đổi mầm bệnh và nguy cơ virus lây truyềngiữa các loài. Trong 50 năm tới, biến đổi khí hậu có thể dẫn đến hơn 15.000 tiếp xúc chưa từng có trước đây giữa các loài động vật có vú, theo kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature.
Các sự kiện tiếp xúc và lây truyền virus giữa động vật sẽ xảy ra trong các hệ sinh thái trên cao và đa dạng loài, chẳng hạn như các khu vực châu Phi và châu Á. Một số trong số các khu vực này rất đông dân cư sinh sống, chẳng hạn như Sahel, Ấn Độ và Indonesia. Nếu hành tinh ấm lên không quá 2°C so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp trong thế kỷ này, thì khả năng tiếp xúc lần đầu tiên giữa các loài vẫn sẽ cao gấp đôi so với hiện nay vào năm 2070, tạo ra các điểm nóng lây truyền virus, theo nghiên cứu mới.
Đại dịch COVID-19 có thể đã bắt đầu khi một loại virus mới truyền từ động vật hoang dã sang người. Và nếu sự kiện virus lây truyềngiữa các loài trở nên phổ biến hơn, có thể gây ra nhiều dịch bệnh trong tương lai.
Để đưa ra những dự đoán trên, nhà sinh thái bệnh học Gregory Albery tại Đại học Georgetown và các đồng nghiệp đã phát triển và chạy mô hình trong khoảng 5 năm. Mô hình của họ kết hợp mô hình lây truyền virus, mô hình phân bố các loài và các kịch bản biến đổi khí hậu khác nhau, tập trung vào các loài động vật có vú vì đây là nhóm liên quan mật thiết đến sức khỏe con người.
Phần mô hình phân bố loài dự đoán nơi các loài động vật có vú sẽ di chuyển đến để tìm môi trường sống khác khi nhiệt độ ấm lên. Phần mô hình lây truyền virus dự đoán xác suất virus lây truyền giữa các loài lần đầu tiên, dựa trên tính toán địa điểm các loài có thể gặp nhau khi môi trường sống thay đổi và dựa trên mức độ liên quan về mặt tiến hóa của hai loài trong tiếp xúc (virus dễ lây truyền giữa các loài có liên quan hơn).
Mô hình này có vẻ “hoàn hảo về mặt kỹ thuật”, theo Ignacio Morales-Castilla, nhà sinh thái học về thay đổi toàn cầu tại Đại học Alcalá, Tây Ban Nha. Tuy nhiên Morales-Castilla lưu ý, để tạo ra các mô hình dự báo như thế này, cần có các giả định, chẳng hạn như phạm vi di chuyển của các loài động vật có vú khi khí hậu thay đổi, và liệu chúng có thể vượt qua các rào cản vật lý trong cảnh quan để di chuyển và thích nghi để sống trong các điều kiện địa phương hay không. Nhưng nhìn chung các dự đoán về các khu vực nguy cơ cao là rất đáng quan tâm.
Một động vật có nguy cơ lây truyền virus rất cao là dơi, được cho là liên quan đến nguồn gốc của COVID-19. Dơi được biết đến là ổ chứa virus và các loài dơi chiếm khoảng 20% các loài động vật có vú. Dơi rất ít khi gặp phải rào cản trong việc thay đổi môi trường sống vì chúng biết bay, theo nhóm Albery.
Sự gia tăng tiếp xúc lây truyền dịch bệnh là không thể tránh khỏi, bởi vậy giới khoa học kêu gọi các chính phủ và cộng đồng quốc tế tăng cường giám sát các loài động vật hoang dã và bệnh truyền nhiễm từ động vật, đặc biệt ở các điểm nóng trong tương lai như Đông Nam Á.