Những năm gần đây, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng, nhưng vùng Tây Nguyên vẫn là “điểm nóng” về phá rừng, lấn chiếm và tranh chấp đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật. Hậu quả, rừng tiếp tục suy giảm nghiêm trọng về diện tích và trữ lượng, kéo theo tình hình an ninh nông thôn có diễn biến phức tạp. Cần có những biện pháp căn cơ để chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ và khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên.
Bài 1: Rừng suy giảm nghiêm trọng về diện tích và trữ lượng
Mỗi năm vùng Tây Nguyên suy giảm hằng chục nghìn héc-ta rừng. Diện tích rừng trồng và khoanh nuôi tái sinh, khôi phục không bù đắp đủ số diện tích rừng tự nhiên bị phá mới, dẫn tới mục tiêu về nâng độ che phủ rừng của các tỉnh Tây Nguyên không đạt kế hoạch. Tại Tây Nguyên những tháng đầu năm 2022 này liên tiếp xảy ra các vụ khai thác lâm sản, phá rừng có tổ chức, quy mô lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng và tác động tiêu cực đến an ninh trật tự nông thôn.
Ngang nhiên chặt phá, đốt rừng làm rẫy
Trong khi cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự 4 đối tượng để điều tra về vụ chặt phá gần 400ha rừng tại Tiểu khu 205, do UBND xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp (Đắc Lắc) quản lý, bảo vệ thì nhóm phóng viên chúng tôi nhận được nguồn tin từ cơ sở, tiếp tục lặn lội vào rừng trên địa bàn các xã biên giới Ia Rvê và Ia Lốp, huyện Ea Súp. Tại các khu rừng chúng tôi tìm hiểu cho thấy, tình trạng rừng bị tàn phá nghiêm trọng hơn ở Ya Tờ Mốt, với cả nghìn héc-ta rừng đã bị chặt hạ, biến thành đất sản xuất nông nghiệp. Thậm chí, sau khi rừng bị chặt hạ còn xảy ra việc mua bán, tranh chấp đất rừng, gây mất an ninh trật tự ở vùng biên giới vốn thanh bình.
Từ cổng chào thôn 2, xã Ia Rvê, lần theo dấu vết chúng tôi tiếp tục tiến sâu vào rừng và đến Tiểu khu 212-đây là rừng do UBND xã quản lý, bảo vệ. Những trận mưa sớm đầu mùa khiến đường đi lầy lội, xe của nhóm phóng viên bị sa lầy, phải nhờ máy kéo của cá nhân đang cày đất cho Công ty Cổ phần Xây dựng Đại Hưng-đơn vị được UBND tỉnh Đắc Lắc cho thuê hơn 413ha rừng và đất lâm nghiệp triển khai dự án ở khu vực đối diện với rừng của UBND xã Ia Rvê quản lý hỗ trợ, chúng tôi mới thoát khỏi khu lầy lội. Vào sâu trong rừng thuộc Tiểu khu 212, chúng tôi thấy ngay tại hiện trường ngổn ngang những thân cây gỗ rừng bị lâm tặc chặt hạ, chất thành từng đống, chuẩn bị đem đốt. Cũng tại đây, nhiều cây rừng có đường kính gốc hơn 20cm mới bị triệt hạ, cắt khúc, chưa kịp chất thành đống và còn nhiều thửa đất vốn là rừng tự nhiên đã bị những kẻ phá rừng cày xới, chuẩn bị trồng tỉa thời điểm đầu mùa mưa này. Khung cảnh rừng tại Tiểu khu 212 không khác gì một công trường khai hoang rừng để lấy đất sản xuất nông nghiệp, diện tích rừng bị phá cả mới và cũ, lên tới hàng trăm héc-ta.
Thế nhưng, làm việc với chúng tôi, ông Trần Quang Huy, Phó chủ tịch UBND xã chỉ thông tin diện tích rừng bị phá khiêm tốn: “Tại Tiểu khu 212, mới đây xã phát hiện xử lý 7 vụ phá rừng và lấn chiếm đất rừng, với diện tích 63,86ha”. Cũng theo Phó chủ tịch UBND xã kiêm phụ trách Đội quản lý, bảo vệ rừng của xã, với 5 thành viên cho biết: Trên địa bàn xã Ia Rvê có hơn 8.789ha rừng và đất lâm nghiệp, được giao cho 6 chủ rừng; trong đó UBND xã quản lý 1.684,4ha. Với diện tích rừng được giao quản lý lên đến cả nghìn héc-ta, nhưng lực lượng bảo vệ rừng của xã lại quá mỏng và không chuyên trách. Trong khi đó, lâm tặc lợi dụng ngày nghỉ, đêm tối, sử dụng cưa máy để phá rừng, vì vậy, xã rất khó quản lý hiệu quả diện tích rừng được giao”.
Chủ rừng bất lực
Phá rừng công khai, hình thành các băng nhóm tổ chức phá rừng, tranh chấp, mua bán đất rừng, đó là thực tế đang diễn ra tại xã biên giới Ia Lốp, huyện Ea Súp. Để tiếp tục điều tra về tình trạng phá rừng, nhóm phóng viên chúng tôi tìm đến Tiểu khu 144, rừng do Đội Quản lý bảo vệ rừng thôn Thanh Niên (Dự án Làng thanh niên lập nghiệp của Tỉnh Đoàn Đắc Lắc), xã Ia Lốp quản lý. Tại đây, nhiều khoảnh rừng mới bị đốn hạ trong những tháng đầu năm 2022 này, thân các cây gỗ bị cưa cắt ngổn ngang. Qua quan sát hiện trường, chúng tôi nhận định, lâm tặc phá rừng ở khu vực này nhằm lấy đất sản xuất, vì rừng ở đây đang thuộc diện rừng nghèo kiệt, cây gỗ không có giá trị nhiều về kinh tế; sau khi chặt hạ, lâm tặc sẽ đốt rừng làm rẫy, hoặc mua bán trái phép đất rừng.
Làm việc với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Diện, Đội trưởng Đội Quản lý bảo vệ rừng thôn Thanh Niên cho biết: “Từ năm 2007, đội được giao quản lý, bảo vệ hơn 2.781ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có 1.600ha rừng sản xuất thuộc các Tiểu khu 132, 143, 144 và 154. Cũng kể từ thời điểm đó đến nay có hơn 120 hộ dân trong và ngoài địa bàn xã Ia Lốp đến phá tổng cộng hơn 500ha rừng!”. Tuy nhiên, trên thực tế diện tích rừng do Đội Quản lý bảo vệ rừng thôn Thanh Niên quản lý để bị phá nhiều hơn con số chủ rừng báo cáo. Và như khẳng định của Trung tá Nguyễn Quốc Hoan, Trưởng Công an xã Ia Lốp, thì số liệu điều tra mới đây, rừng do Đội Quản lý bảo vệ rừng thôn Thanh Niên bảo vệ chỉ còn khoảng 800ha, như vậy, diện tích rừng bị mất là 800ha. Cũng theo đồng chí Trưởng Công an xã, thời gian gần đây, trên địa bàn đã xuất hiện một số băng nhóm tổ chức thuê người phá rừng; liên tiếp xảy ra các vụ tranh chấp đất rừng. Công khai hơn là cuối năm 2021, còn xảy ra trường hợp các đối tượng sử dụng cả quan tài để tranh giành 10ha đất rừng tại Tiểu khu 144. Thậm chí, lâm tặc còn ngang nhiên đưa phương tiện cơ giới vào cày ủi đất rừng, trước sự bất lực của chủ rừng.
Trong quá trình thực hiện điều tra này, vấn đề khiến nhóm phóng viên chúng tôi bất ngờ, đó là ngay cả vị Chủ tịch UBND xã Ia Lốp cũng không biết đơn vị có được giao quản lý rừng hay không. Ban đầu, khi phóng viên đặt vấn đề về công tác quản lý, bảo vệ rừng của địa phương, ông Đoàn Minh Thuận, Chủ tịch UBND xã khẳng định, xã không có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng(!). Đến khi chúng tôi đưa ra Quyết định số: 3401/QĐ-UBND, ngày 22-11-2019 của UBND huyện Ea Súp về việc giao UBND xã Ia Lốp quản lý hơn 4.280ha đất, rừng (trong đó có 891,42ha rừng), thì Chủ tịch UBND xã mới thông tin: “Xã có phối hợp với các đơn vị bảo vệ diện tích rừng này; còn diện tích đất lâm nghiệp thì không quản lý!”. Như vậy có thể thấy việc quản lý, bảo vệ rừng và đất rừng của xã Ia Lốp là hết sức lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm. Rừng bị phá, đất bị lấn chiếm, sang nhượng, cho thuê trái pháp luật cũng là điều dễ hiểu. Đúng như nhận định của đồng chí Tô Xuân Đam, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng IV: “Diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao các UBND xã quản lý quá lớn, toàn vùng Tây Nguyên là 367.881ha. Trong khi đó công tác quản lý đối với diện tích này gặp nhiều khó khăn như: Chưa nắm rõ ranh giới, diện tích, hiện trạng rừng và đặc biệt là thiếu nhân lực, thiếu kinh phí để thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, cũng như phòng, chống cháy rừng!”.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2010, toàn vùng Tây Nguyên có 2.747.118ha đất có rừng; trong đó 2.526.804ha rừng tự nhiên; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 52,39%. Đến năm 2020, diện tích đất có rừng toàn vùng 2.574.253ha; trong đó rừng tự nhiên 2.115.473ha; tỷ lệ độ che phủ rừng 46,41%. Như vậy, trong vòng 10 năm, diện tích rừng tự nhiên vùng Tây Nguyên giảm 411.331ha, bình quân mỗi năm giảm 41,1 nghìn héc-ta; kéo theo tỷ lệ độ che phủ rừng giảm 5,98%. Trong đó, các tỉnh có tỷ lệ độ che phủ rừng thấp như Đắc Nông đạt 38,06%; Đắc Lắc đạt 38,75%. Báo cáo mới đây của Chi cục Kiểm lâm vùng IV, trong năm 2021, rừng tự nhiên vùng Tây Nguyên tiếp tục giảm hơn 12 nghìn héc-ta. Đáng nói, không chỉ giảm về diện tích mà rừng Tây Nguyên còn suy giảm về trữ lượng. Đến thời điểm hiện nay, hơn 70% diện tích rừng tự nhiên ở khu vực này là rừng nghèo kiệt; rừng trung bình và rừng giàu chỉ còn gần 30%, tập trung ở các khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ đầu nguồn!”.