Khoảng 21% số loài bò sát trên Trái đất đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, và sự mất mát này có thể gây ra những tác động tồi tệ đến các hệ sinh thái trên khắp hành tinh.
Đây là kết quả của một nghiên cứu được thực hiện bởi các chuyên gia thuộc Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và 2 tổ chức môi trường phi lợi nhuận của Mỹ, NatureServe và Conservation International. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature.
Phân tích lớn nhất từ trước đến nay về tình trạng các loài bò sát trên thế giới đã đưa ra cảnh báo về mối đe dọa hiện hữu với các hệ sinh thái khi hơn 1.800 loài đang phải đấu tranh để tồn tại.
“Chúng ta sẽ mất tổng cộng 15,6 tỷ năm lịch sử tiến hóa nếu mỗi loài trong số 1.829 loài bò sát thuộc diện nguy cấp hiện nay biến mất vĩnh viễn”, ông Neil Cox, đồng trưởng nhóm nghiên cứu và giám đốc bộ phận đánh giá đa dạng sinh học tại IUCN và Conservation International cho biết. “Đây là sự tiến hóa mà chúng ta không bao giờ có thể lấy lại được. Đó sẽ là một mất mát nghiêm trọng”.
Ông nhấn mạnh: “Nếu các loài bò sát tuyệt chủng, điều này có thể làm thay đổi hoàn toàn các hệ sinh thái và gây ra những hậu quả không mong muốn như sự gia tăng côn trùng gây hại. Đa dạng sinh học, bao gồm các loài bò sát, là nền tảng hỗ trợ cho các dịch vụ hệ sinh thái, qua đó cung cấp một môi trường lành mạnh cho con người”.
Hơn 50 chuyên gia đã tập trung phân tích dữ liệu từ báo cáo ‘Đánh giá thực trạng loài bò sát toàn cầu’ – một tài liệu tổng hợp những phát hiện của hơn 900 nhà khoa học trên khắp thế giới trong suốt 17 năm qua. Kết quả cho thấy, 1.829 loài trong tổng số 10.196 loài bò sát đang bị đe dọa nghiêm trọng, trong khi tình trạng của 1.489 loài vẫn chưa thể được xác định.
Mặc dù nhiều loài bò sát sinh sống trong môi trường khô cằn như vùng sa mạc và cây bụi, nhưng hầu hết các loài đều sống trong rừng, nơi chúng phải đối mặt với các mối đe dọa như nạn khai thác gỗ bừa bãi và chuyển đổi đất phục vụ nông nghiệp. Nghiên cứu phát hiện 30% loài bò sát sống trong rừng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, so với 14% trong môi trường sống khô cằn. Chẳng hạn, loài rắn hổ mang chúa (Ophiophagus hannah) – vốn được phân loại là ‘dễ bị tổn thương’ – đang chứng kiến sự suy giảm số lượng, mà nguyên nhân chủ yếu là do môi trường sống trong rừng của chúng đang dần bị thu hẹp.
Nạn săn bắt cũng là mối đe dọa lớn đối với các loài bò sát, đặc biệt là loài rùa và cá sấu, bên cạnh đó là sự du nhập của các loài ngoại lai xâm hại.
Ông Mike Hoffmann, người đứng đầu bộ phận phục hồi động vật hoang dã tại Hiệp hội Động vật học London cho biết, cũng như các loài chim hoặc cá nước ngọt, các loài bò sát thường không phổ biến bằng các loài động vật có vú trên cạn hoặc sinh vật biển mang tính biểu tượng. Tuy nhiên, số lượng loài bò sát đang bị đe dọa hiện nay nhiều hơn các loài chim, đặt ra yêu cầu phải có những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ chúng.
“Từ loài rùa thở bằng cơ quan sinh dục cho đến loài tắc kè hoa có kích thước bằng hạt đậu gà và loài rùa khổng lồ có thể sống đến hơn 100 năm, chúng đều vô cùng hấp dẫn. Chúng tôi hy vọng bản đánh giá lần đầu tiên về hơn 10.000 loài bò sát trên thế giới sẽ giúp chúng được chú ý hơn, đồng thời nêu bật được sự đa dạng của những loài này”.
Theo ông Hoffmann, ngoài việc kiểm soát chuột, muỗi và các loài gây hại khác, loài bò sát còn giúp phân tán hạt giống, đặc biệt là trong môi trường đảo. Bên cạnh đó, nhiều tiến bộ về y học cũng xuất phát từ việc nghiên cứu về loài bò sát, chẳng hạn như nghiên cứu nọc rắn giúp đạt được các phát minh quan trọng về thuốc trị bệnh, bao gồm bệnh tăng huyết áp.
“Sự biến mất của các loài bò sát có thể dẫn đến những tác động trên diện rộng và không lường trước được đối với môi trường và cuộc sống của chúng ta”, ông Hoffmann cho hay.
Ở Australia, nơi sinh sống của khoảng 10% số loài trên thế giới, các loài bò sát đang phải đối mặt với ngày càng nhiều mối đe dọa. Bà Nicki Mitchell, một tác giả của nghiên cứu tới từ Trường Khoa học Sinh học thuộc Đại học Tây Australia, cho biết: “Hầu hết số lượng các loài bò sát thuộc diện nguy cấp ở Australia đã suy giảm do mất môi trường sống cũng như bị ăn thịt bởi các loài mèo và cáo xâm lấn.
Tuy nhiên, không phải toàn bộ nghiên cứu đều ảm đạm. Các nhà khoa học nhận định, nỗ lực bảo tồn các loài động vật khác cũng có thể gián tiếp giúp bảo vệ các loài bò sát. “Thật ngạc nhiên, chúng tôi phát hiện nếu bạn bảo vệ những khu vực mà các loài chim, động vật có vú và động vật lưỡng cư đang bị đe dọa sinh sống cùng nhau, thì đồng thời bạn cũng sẽ bảo vệ được nhiều loài bò sát nguy cấp hơn nữa”, nhà khoa học Bruce Young tại NatureServe, đồng trưởng nhóm nghiên cứu, cho hay.
Cùng với đó, các loài bò sát cũng đòi hỏi phải có những nỗ lực bảo vệ, bảo tồn trực tiếp và ở quy mô toàn cầu. Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (COP 15) dự kiến sẽ diễn ra tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc vào cuối năm nay, và đây sẽ là diễn đàn để các chính phủ đàm phán về những mục tiêu mới nhằm bảo vệ đa dạng sinh học, trong đó có loài bò sát.
“Chúng ta cần các kế hoạch bảo tồn vững chắc và thỏa thuận chính sách toàn cầu, đồng thời huy động các quốc gia đầu tư vào nỗ lực đảo ngược cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học đang rình rập nếu chúng ta muốn ngăn chặn thảm họa tuyệt chủng của các loài đang diễn ra hiện nay” – theo ông Neil Cox, đồng trưởng nhóm nghiên cứu và giám đốc bộ phận đánh giá đa dạng sinh học tại IUCN và Conservation International.