Theo nghiên cứu trên, hiện có ít nhất 10.000 loại virus ở các loài động vật có vú hoang dã có khả năng lây nhiễm sang người. Phần lớn các loài này đều sống sâu trong các vùng rừng nhiệt đới.
Biến đổi khí hậu sẽ khiến các loài động vật có xu hướng di cư tới những vùng đất có thời tiết mát mẻ hơn và tại đó, các loài động vật di cư sẽ lần đầu tiên tiếp xúc với các loài bản địa.
Chính điều này làm gia tăng nguy cơ xuất hiện các loại virus mới có khả năng lây nhiễm cho con người, từ đó đe dọa làm bùng phát dịch bệnh. Các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo trên trong một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature ngày 28/4.
Theo nghiên cứu trên, hiện có ít nhất 10.000 loại virus ở các loài động vật có vú hoang dã có khả năng lây nhiễm sang người. Phần lớn các loài này đều sống sâu trong các vùng rừng nhiệt đới.
Tuy nhiên, nhiệt độ tăng cao đã khiến các loài động vật có vú này rời bỏ môi trường sống quen thuộc, trong hành trình di cư đến vùng đất mới, các loài này sẽ lần đầu gặp và tiếp xúc với các loài động vật khác và có khả năng đến năm 2070 sản sinh ra ít nhất 15.000 virus.
Theo nhóm nghiên cứu, thực tế này có thể đã bắt đầu diễn ra và sẽ còn tiếp diễn ngay cả khi thế giới có hành động nhanh chóng để giảm khí thải carbon và điều này đã tạo ra mối đe dọa lớn đối với cả loài vật và con người.
Nghiên cứu được thực hiện trong 5 năm này đã theo dõi 3.139 loài động vật có vú, với mô hình nghiên cứu xem xét quá trình di cư của các loài động vật thay đổi như thế nào do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cùng với phân tích quá trình lây nhiễm virus sẽ chịu tác động ra sao.
Kết quả nghiên cứu cho thấy sự tiếp xúc lần đầu tiên giữa các loài vật thường diễn ra ở những khu vực mật độ dân số cao – nơi con người có thể dễ phải chịu tổn thương và một số loại virus có khả năng lây lan toàn cầu.
Nghiên cứu chỉ ra những địa điểm “nóng” tiềm ẩn nhiều nguy cơ là Sahel, cao nguyên Ethiopia, Thung lũng Rift, Ấn Độ, miền Đông Trung Quốc, Indonesia, Philippines và một số khu vực đông dân cư ở châu Âu.
Gregory Albery, nhà sinh thái học thuộc Đại học Georgetown và là đồng tác giả nghiên cứu khẳng định, những gì mà nghiên cứu đề cập đến đang diễn ra và là điều không thể ngăn chặn kể cả khi biến đổi khí hậu có thể cải thiện ở mức độ tốt nhất.
Do đó, ông cho rằng giới khoa học cần đưa vào thực hiện các biệt pháp để xây dựng cơ sở hạ tầng y tế có khả năng bảo vệ động vật và con người phòng dịch bệnh mới bùng phát và lây lan.
Ngoài ra, giới khoa học cần mở rộng nghiên cứu nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn từ các loài vật khác, bên cạnh động vật có vú./.