Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến ngày 31/12/2021, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW và Nghị định 118/2014/NĐ-CP, cả nước có 256 công ty nông, lâm nghiệp do 49 địa phương, tập đoàn, tổng công ty quản lý, thực hiện sắp xếp, đổi mới.
Quá trình triển khai thực hiện Nghị định 118/2014/NĐ-CP còn nổi lên một số tồn tại, bất cập như: Sau 7 năm triển khai thực hiện Nghị định, đến nay vẫn còn 90 công ty nông, lâm nghiệp chưa hoàn thành sắp xếp, đổi mới, chiếm 35,2% tổng số doanh nghiệp, trong đó, có 86 doanh nghiệp đã phê duyệt phương án và 04 doanh nghiệp chưa hoàn thành để phê duyệt phương án.
Một số công ty nông, lâm nghiệp sản xuất, kinh doanh chưa hiệu quả, tình hình tài chính còn nhiều khó khăn, chưa bảo đảm các yêu cầu của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước, kinh doanh thua lỗ, mất vốn nhà nước, giao khoán đất nhưng không quản lý được đất đai và sản phẩm khoán. Hầu hết các công ty thuộc diện duy trì mô hình công ty TNHH MTV thực hiện nhiệm vụ công ích nhưng không được bổ sung vốn điều lệ. Cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ công ích đối với rừng phòng hộ, đặc dụng xen kẹp, rừng sản xuất là rừng tự nhiên đang tạm dừng khai thác chưa được thực hiện.
Nhiều công ty nông, lâm nghiệp hoạt động chưa hiệu quả
Phần lớn công ty nông, lâm nghiệp được cổ phần Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối hoạt động chưa hiệu quả, chưa thu hút được vốn đầu tư bên ngoài; việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung thâm canh gắn với công nghiệp chế biến và thị trường đã có nhưng chưa nhiều; một số công ty không quản lý được sản phẩm khoán, chưa tìm được đối tác chiến lược. Một số công ty chuyển sang mô hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên vẫn chưa cải thiện được tình hình sản xuất kinh doanh, chưa hình thành được các vùng sản xuất nông, lâm sản hàng hóa tập trung thâm canh gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai còn bất cập: việc đo đạc, rà soát, cắm mốc ranh giới, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm. Hiện còn 22 công ty, chi nhánh tại 11 tỉnh chưa hoàn thành rà soát ranh giới, cắm mốc ranh giới; 11 công ty chưa hoàn thành đo đạc, lập bản đồ địa chính; 123 công ty chưa được phê duyệt phương án sử dụng đất; mới có 57 công ty, chi nhánh được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt 27,54% tổng diện tích được giữ lại.
Tình hình tài chính của nhiều công ty chưa được cải thiện, gặp nhiều khó khăn, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp; việc làm, thu nhập của người lao động tuy được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp. Tiền thuê và thuế tài nguyên đất rừng phòng hộ, đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên còn tồn tại, chưa xử lý dứt điểm. Một số công ty nông, lâm nghiệp khi thực hiện sắp xếp chưa xử lý được các khoản nợ từ nguồn vốn vay từ các chương trình, dự án 327, 661, ODA, vốn vay ngân hàng; hồ sơ giải thể của một số công ty không đầy đủ chứng từ để đối chiếu công nợ, chưa có hướng xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật.
Một số công ty nông, lâm nghiệp sau chuyển đổi mô hình chưa thu hút được vốn, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất dẫn đến hiệu quả sử dụng đất, tài nguyên rừng còn hạn chế, chưa hình thành được các vùng sản xuất nông lâm sản, hàng hóa tập trung thâm canh gắn với công nghiệp chế biến và thị trường.
Từ những lý do nêu trên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP là rất cần thiết.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất dự thảo Nghị định gồm 4 điều. Nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung gồm: Sửa đổi, bổ sung quy định về chuyển công ty nông nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối đối với công ty nông nghiệp có phương án sử dụng đất từ 500 ha trở lên được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt hoặc có ngành nghề kinh doanh chính là trồng, chế biến cao su tại các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa gắn với quốc phòng, an ninh; quy định về thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; quy định duy trì, củng cố và phát triển công ty lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ…
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.