Chương trình Nước quốc gia sẽ hỗ trợ Việt Nam đảm bảo an ninh nguồn nước và năng suất sử dụng nước thông qua 3 trụ cột chính: Duy trì nguồn nước và kiểm soát ô nhiễm nguồn nước; Tăng năng suất và hiệu suất sử dụng nguồn nước; Đảm bảo an ninh nguồn nước.
Thách thức về nguồn nước quốc gia
Cùng với quá trình phát triển mạnh mẽ của kinh tế-xã hội, sự gia tăng ngày càng lớn các hoạt động sử dụng nước cùng với tác động nặng nề của biến đổi khí hậu… đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong quản lý, bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên nước quốc gia.
Phát biểu tại Hội nghị bàn tròn về Chương trình nước quốc gia vừa được tổ chức mới đây, bà Jennifer Sara, Giám đốc Toàn cầu về lĩnh vực tài nguyên nước của Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết, tài nguyên nước của Việt Nam khá dồi dào là yếu tố thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên, nền tảng vững chắc này hiện đang đứng trước rủi ro do quá trình phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và công nghiệp hóa, những thay đổi trong sử dụng tài nguyên nước, bao gồm những thay đổi ở các nước láng giềng ở thượng nguồn, tất cả đều đặt ra những áp lực đối với nguồn nước, gây nên những căng thẳng về kinh tế, xã hội và môi trường. Cùng với đó, biến đổi khí hậu cũng là một nhân tố quan trọng làm gia tăng rủi ro, đe dọa những thành quả đã đạt được và những công trình đầu tư đã thực hiện.
Đề cập một số thách thức chính trong ngành nước Việt Nam hiện nay, bà Jennifer Sara cho rằng, nhiều lưu vực sông đã ở mức cạn kiệt (đã có tình trạng thiếu nước cục bộ và theo mùa), năng suất sử dụng nước trong nông nghiệp còn thấp, chưa hiệu quả; chất lượng nước ngày càng xấu đi và tải trọng ô nhiễm ngày càng gia tăng; rủi ro liên quan tới nguồn nước ngày càng cao và mức độ chống chịu thấp. Ngoài ra còn có các thách thức về khung thể chế pháp lý còn chưa đầy đủ, thống nhất; hạ tầng ngành nước ngày càng xuống cấp;…
Trong những năm gần đây, vấn đề ô nhiễm môi trường nước ở Việt Nam trở thành một vấn đề nghiêm trọng và cấp thiết. Tuy nhiên thực tế cho thấy, việc giải quyết vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập.
Trong đó, vấn đề xử lý chất thải tại các khu công nghiệp chưa thực sự được giải quyết. Các khu công nghiệp với quy mô sản xuất lớn, phân bổ nhiều ở cả những nơi có dân cư sinh sống. Điều này khiến ảnh hưởng của vấn đề lại càng trở nên nghiêm trọng. Hiện tượng nước thải được xả trực tiếp vào nguồn nước mà không qua xử lý vẫn còn xảy ra ở rất nhiều nhà máy và cần được khắc phục triệt để.
Tại thành phố, tình trạng rác thải sinh hoạt đang trở nên quá tải, đặc biệt là tại các thành phố trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM. Rác thải sinh hoạt chưa được phân loại và xử lý đúng cách, còn tồn đọng và gây mùi khó chịu, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Mặt khác, việc tùy tiện xả nước thải tại các kênh, sông như sông Tô Lịch, sông Nhuệ khiến nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng. Tình trạng tắc nghẽn đường dẫn nước tại các tuyến phố mỗi trận mưa vẫn còn tiếp diễn.
Tại các vùng nông thôn, do người dân không được phổ biến nhiều về sự nghiêm trọng và cách xử lý nước thải đúng đắn, tình trạng ô nhiễm nước vẫn còn khá phức tạp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm nước ở Việt Nam chính là việc xả rác xuống sông một cách vô ý thức. Và tình trạng này diễn ra ở vùng nông thôn nhiều hơn cả.
Nguồn nước ô nhiễm tác động cực kỳ xấu đến sức khỏe. Tại hội thảo “Tác động của ô nhiễm môi trường đến đa dạng sinh học và sức khỏe con người” diễn ra ngày 10-11/3, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường cho biết, các con sông, suối, hồ chứa, hồ và biển đang dần nhiễm các loại hóa chất, chất thải nhựa và rất nhiều chất gây ô nhiễm khác. Đây là lý do mà nguồn nước đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người cũng như các loài động thực vật.
Hàng năm có đến 9.000 ca ghi nhận là tử vong do nhiễm độc nguồn nước. Bên cạnh đó, các biến chứng về bệnh ung thư có liên quan đến việc sử dụng nước không an toàn cũng ngày một tăng. Những hệ quả này khiến cho việc xử lý nước sạch lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Riêng tại Hà Nội, kết quả quan trắc giai đoạn 2016-2020 cho thấy, lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy có chất lượng môi trường nước sông thường xuyên ở mức kém, có tới 62% điểm quan trắc cho kết quả chất lượng nước ở mức xấu trở xuống (WQI<50), trong đó 31% số điểm quan trắc cho kết quả ở mức ô nhiễm nặng (WQI<25).
Các sông nội thành Hà Nội (sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét) là các điểm nóng ô nhiễm trên lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy. Trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội có nhiều công trình, dự án để bảo vệ, cải thiện môi trường nước các sông nội thành, giúp làm giảm mức độ ô nhiễm môi trường tuy nhiên các thông số vẫn còn rất cao. Trên sông Tô Lịch, đoạn chảy qua khu vực nội thành từ Nghĩa Đô đến Cầu Sét, chỉ số WQI luôn có giá trị thấp dưới 25, nước thường xuyên bị ô nhiễm nặng và hầu như chưa có sự cải thiện qua các năm. Các sông nội thành khác cũng trong tình trạng tương tự.
3 trụ cột đảm bảo an ninh nguồn nước Việt Nam
Để đảm bảo an ninh tài nguyên nước, đủ nước cho sinh hoạt, sản xuất, môi trường, phòng tránh rủi ro do nước gây ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã trình Chính phủ đề án An ninh tài nguyên nước quốc gia đến năm 2045, trong đó đã đề ra 9 giải pháp chủ yếu. Trong đó, những giải pháp mang tính trọng tâm đột phá gồm: tăng cường hoàn thiện, đổi mới thể chế, chính sách, cơ chế tài chính; thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển ngành nước; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hòa phân bổ tài nguyên nước đảm bảo chủ động nguồn nước cấp cho các mục đích sinh hoạt và sản xuất.
Mới đây, Hội nghị bàn tròn về Chương trình nước quốc gia đã được Ngân hàng Thế giới phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổ chức.
Theo ông Ngô Mạnh Hà – Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT), Báo cáo Nghiên cứu độc lập của WB với chủ đề “Việt Nam: Hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn” năm 2019, hỗ trợ hoàn thiện khung pháp lý về quản lý tài nguyên nước bao gồm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật xây dựng Luật Tài nguyên nước sửa đổi, góp ý đề án bảo đảm an ninh tài nguyên nước, góp ý Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, xây dựng chương trình Nước Quốc gia;…
Đại diện WB cũng cho rằng, để giải quyết tình trạng ô nhiễm nước ngày càng gia tăng ở Việt Nam đòi hỏi cần một cách tiếp cận quốc gia với sự vào cuộc của tất cả các ngành liên quan đến nguồn nước và các tỉnh, thành phố.
Theo đó, Chương trình Nước Quốc gia do WB triển khai sẽ hỗ trợ Việt Nam đảm bảo an ninh nguồn nước và năng suất sử dụng nước thông qua 03 trụ cột chính như sau: Duy trì nguồn nước và kiểm soát ô nhiễm nguồn nước; Tăng năng suất và hiệu suất sử dụng nguồn nước; Đảm bảo an ninh nguồn nước cho người dân.
Trong đó, trụ cột “Duy trì nguồn nước và kiểm soát ô nhiễm nguồn nước” sẽ tập trung hỗ trợ chính phủ tăng cường khung pháp lý và quy định cho quản lý tài nguyên nước tổng hợp (IWRM), bao gồm sửa đổi Luật Tài nguyên nước 2012 và các Nghị định liên quan; xây dựng và thực thi Nghị định của Chính phủ về tổ chức lưu vực sông; thiết lập và vận hành các tổ chức lưu vực sông; thực hiện các khoản đầu tư ưu tiên để cải thiện an ninh nguồn nước quốc gia; rà soát khung quy định hiện hành để cải thiện công tác quản lý nước thải, đặc biệt là các biện pháp quản lý và giám sát chặt chẽ hoạt động xả nước thải từ các khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề; thực hiện các giải pháp phục hồi các nguồn nước đã suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm;…
Trụ cột “Tăng năng suất và hiệu suất sử dụng nguồn nước” sẽ tập trung tăng cường thực thi luật thủy lợi; rà soát, tăng cường bố trí thực hiện các phương án đảm bảo an toàn đập và an toàn hồ chứa; xây dựng khung pháp quy của chính phủ theo hướng phân cấp trong quản lý thủy lợi và an toàn đập; đầu tư, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thủy lợi và hệ thống nội đồng; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành khai thác công trình thủy lợi, giảm thiểu thất thoát, lãng phí nước; …
Trụ cột “Đảm bảo an ninh nguồn nước cho người dân” sẽ tập trung toàn thiện pháp luật về cấp thoát nước; cập nhật các quy hoạch tổng thể về cấp nước và vệ sinh môi trường ở nhiều cấp độ và quy mô khác nhau; đầu tư vào cơ sở hạ tầng nước sạch và vệ sinh môi trường; giảm thiểu nước thất thoát và thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; cải thiện khung pháp lý để khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân; tăng số dân được cung cấp dịch vụ nước sạch được quản lý một cách an toàn, giảm khoảng cách giữa nông thôn và thành thị; đảm bảo nguồn cung nước thích ứng với biến đổi khí hậu;…
Việc không hành động chống lại các mối đe dọa liên quan đến nguồn nước sẽ làm cản trở tiến bộ về kinh tế của Việt Nam (có thể khiến GDP của Việt Nam giảm 6% mỗi năm tính đến năm 2035).
Do đó, việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và năng động đòi hỏi phải giải quyết những thách thức quan trọng liên quan đến nguồn nước: Quản lý tài nguyên nước một cách hiệu quả hơn cả về số lượng và chất lượng; nâng cao năng suất sử dụng nước nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; tạo dựng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu hiện nay và trong tương lai; và giảm phát thải khí nhà kính. Bà Jennifer Sara – Giám đốc Toàn cầu về lĩnh vực tài nguyên nước của Ngân hàng Thế giới |