Tác hại thấy rõ của thuốc bảo vệ thực vật hóa học đã mở đường cho thị trường thuốc bảo vệ thực vật sinh học Việt Nam phát triển.
Khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều nông dân trên địa bàn các huyện Anh Sơn, Tân Kỳ, Yên Thành, tỉnh Nghệ An chủ động học hỏi cách tự chế thuốc bảo vệ thực vật bằng thảo mộc. Nhiều người đã nhận ra chế phẩm sinh học vừa phòng trừ được nhiều loại sâu hại, mà quan trọng hơn là bảo vệ được môi trường đất và sức khỏe. Những nguyên liệu dùng để chế thành thuốc trừ sâu sinh học lại có sẵn trong cuộc sống, giá rẻ như ớt, củ gừng, tỏi, riềng, mật, rượu… và cách làm cũng đơn giản.
Ông Trương Văn Biên, chủ vườn cam 5 ha ở xóm Đồng Trung, xã Đồng Thành, Yên Thành, cho biết, nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, mỗi lần phun chi phí 6 triệu đồng thì sử dụng thuốc tự chế sinh học bằng hỗn hợp rượu, gừng, ớt, tỏi… lại có chi phí chỉ 2 triệu đồng/thùng 200 lít, tiết kiệm được 60-70% chi phí phòng trừ sâu bệnh, trong khi hiệu quả lại như mong muốn.
Tận dụng nguồn “vàng xanh” có sẵn
Mới đây, Nanoneem, startup nghiên cứu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học của Việt Nam, đã đạt ngôi vị quán quân Cuộc thi sáng tạo toàn cầu Hack4Growth và quán quân toàn cầu của Cuộc thi “Sáng tạo kinh doanh xã hội 2021” được tổ chức tại Canada. Nanoneem cũng là 1 trong 10 công ty lọt vào chung kết TechFest 2021.
Dương Nguyễn Hồng Nhung, sáng lập Nanoneem, đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Oklahoma (Mỹ), hiện là giảng viên Khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM). Năm 2019 khi trở về Việt Nam sau thời gian dài du học, nữ tiến sĩ sinh năm 1990 này quyết định ở lại để tập trung nghiên cứu các sản phẩm từ nguyên liệu tự nhiên. Từ đó, đội ngũ Nanoneem ra đời và nghiên cứu ra công thức dùng quả xoan làm nguyên liệu thô kết hợp công nghệ chưng cất phân đoạn để ép lấy dầu và đưa vào nhũ hóa để giúp dầu tan trong nước. Công nghệ nano giúp lượng thuốc trừ sâu sinh học, thuốc trừ cỏ sinh học và kiểm soát bệnh hại cây trồng được bao bọc trong các hạt nano, giúp tăng hiệu quả và khả năng thẩm thấu trên cây trồng.
Bên cạnh khả năng phòng ngừa sâu bệnh và diệt bệnh nấm cho cây trồng, các sản phẩm của Nanoneem còn có tác dụng đuổi côn trùng, ruồi, muỗi, mà không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng và cây trồng. Cùng với việc đưa những sản phẩm sẵn có thử nghiệm tại các vùng trồng, Nanoneem vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để tối ưu hơn nữa công nghệ sản xuất.
Hấp dẫn miếng bánh thị trường nội địa
Theo số liệu của Cục Bảo vệ Thực vật, thị trường thuốc bảo vệ thực vật sinh học của Việt Nam năm 2019 đạt giá trị 30,7 triệu USD, dự kiến lên tới 65,7 triệu USD vào năm 2024, với mức tăng trưởng trên 16,4%/năm. Nanoneem đặt mục tiêu chiếm 2,5% thị trường nội địa trong năm tới. Trên thị trường toàn cầu, startup này ước tính quy mô vào khoảng 61,3 tỉ USD (năm 2019), tốc độ tăng trưởng 3,7%/năm trong giai đoạn 2019-2025 và Nanoneem kỳ vọng sẽ nắm 0,05% thị trường toàn cầu. Hiện sản phẩm của Nanoneem đã được dùng thử nghiệm tại một số vùng trồng trà, hoa hồng, cam, bơ, chôm chôm… và mang lại kết quả tích cực khi có thể trị bọ trĩ, bọ tơ, ruồi trà xanh, nhện ve, bọ hôi…
Gần đây nhất, startup này công bố hợp tác với Vinatea, doanh nghiệp dẫn đầu ngành trà với 4.700 ha và hoàn tất giai đoạn I của quá trình thử nghiệm. Vốn đầu tư ban đầu của Nanoneem là 305.284 USD. Đội ngũ này ước tính, họ cần 2 năm để đạt điểm hòa vốn với tỉ suất lãi ròng trên vốn đầu tư (ROI) ở mức 55% và tỉ suất hiệu quả đầu tư về mặt xã hội (SROI) là 165%.
Nanoneem cũng thiết lập được mối quan hệ hợp tác 5 năm cùng Học viện Nông nghiệp Việt Nam và CPART, doanh nghiệp tư nhân đầu tiên tại Việt Nam tham gia hoạt động quảng bá lợi ích của sản xuất sạch hơn đến cộng đồng được thành lập từ năm 2012. Trong đó, CPART là đối tác phân phối sản phẩm của Nanoneem và Học viện Nông nghiệp Việt Nam là đơn vị hỗ trợ thí nghiệm/thử nghiệm.
Hiện nay, lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhập khẩu hằng năm vào Việt Nam khoảng trên 15.000 tấn, chiếm 15% tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu. Tuy nhiên, các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học có thành phần hữu hiệu là vi sinh vật thì hầu hết được sản xuất trong nước, chủ yếu do viện nghiên cứu, trường đại học và một số công ty chuyên kinh doanh các thuốc sinh học sản xuất và phân phối. Năm 2019, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu được 930 tấn thuốc bảo vệ thực vật sinh học tới 9 quốc gia.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Sản xuất và Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA), cho biết, số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học được đăng ký tại Việt Nam gia tăng rất nhanh kể từ năm 2000, nhưng đa phần vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Mỹ… Bên cạnh các ưu điểm, nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học vẫn bộc lộ một số nhược điểm như hiệu lực phòng trừ dịch hại chậm hơn, thời gian bảo quản ngắn hơn thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Giá bán sản phẩm lại cao, khó cạnh tranh được với các sản phẩm hóa học khác. Quy trình đóng gói thuốc nhập khẩu có khả năng lẫn tạp, chưa rõ ràng, nhất là hỗn hợp giữa các loại với nhau.
Mặt khác, Nhà nước hiện chưa có chính sách hỗ trợ về vốn, đất làm nhà xưởng, miễn hoặc giảm thuế sản xuất, tiêu thụ cho thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Việc truyền thông, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học cho người dân cũng còn nhiều hạn chế, trong khi việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học cần một quy trình nghiêm ngặt (thời điểm sử dụng, cách sử dụng, số lần sử dụng…) và việc sử dụng phải đồng bộ bởi nhiều hộ dân trên một diện tích lớn mới mang lại hiệu quả như mong muốn.