Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, hoạt động của con người đang góp phần vào sự gia tăng số lượng thảm họa thiên nhiên, với 350 đến 500 thảm họa quy mô vừa hoặc lớn xảy ra trên toàn cầu trong 2 thập kỷ qua.
Có nhiều thảm họa liên quan đến thời tiết như cháy rừng và lũ lụt, nhưng cũng có các nguy cơ khác như đại dịch hoặc tai nạn hóa chất. Theo báo cáo đánh giá toàn cầu của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNDRR), vào năm 2030, số lượng những thảm họa như vậy có thể lên tới 560 thảm họa một năm, hoặc 1,5 một ngày, khiến hàng triệu sinh mạng gặp nguy hiểm.
Báo cáo cho biết, biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn và con người đã đưa ra các quyết định không đúng mực và quá lạc quan về nguy cơ thiên tai tiềm ẩn, khiến họ không chuẩn bị trước. Ngoài ra, tác động của thảm họa cũng tăng lên do dân số ngày càng tăng ở các khu vực dễ bị thiên tai.
Bà Amina J Mohammed, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cho biết: “Thế giới cần hành động hơn nữa để thích ứng với mối nguy thảm họa trong cách chúng ta sống, xây dựng và đầu tư, những điều đang đặt nhân loại vào vòng xoáy tự hủy diệt”.
Báo cáo cho biết, thảm họa thiên nhiên ảnh hưởng không tương xứng đến các nước đang phát triển khi những quốc gia này mất trung bình 1% GDP một năm, so với 0,1-0,3% ở các nước phát triển. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chịu thiệt hại cao nhất, thiệt hại trung bình 1,6% GDP do thiên tai hàng năm.
Các nước đang phát triển cũng có xu hướng ít được bảo hiểm. Chỉ 40% thiệt hại liên quan đến thiên tai kể từ năm 1980 được bảo hiểm. Theo báo cáo, tỷ lệ bảo hiểm thiên tai ở các nước đang phát triển đôi khi gần bằng 0.
Jenty Kirsch-Wood, tác giả chính của báo cáo cho biết, hệ thống tài chính thực sự cần phải xem xét vấn đề này, bởi vì nếu không sẽ có rất nhiều rủi ro tiềm ẩn không được tính tới khi chúng ta đưa ra quyết định.