Đê biển Tây tỉnh Cà Mau hình thành sau cơn bão Linda vào năm 1997, nhờ công sức đào đắp đất của chính quyền và nhân dân địa phương. Theo thời gian, thân đê bị lún dần, nhiều nơi hiện chỉ còn từ 1-1,2m, chưa bằng 50% chiều cao so với lúc đầu. Đây cũng là mối lo thường trực của cư dân ven biển mỗi khi sóng dữ, triều dâng.’
Ám ảnh triều dâng
Trong vụ nuôi thủy sản này, gia đình ông Huỳnh Thanh Thủy (ngụ khóm 5, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) tiếp tục thất bát. Bởi hơn 10.000 tôm giống, cá chẽm, cá bống mú… mà gia đình ông thả trong vuông tôm phút chốc gần như mất sạch.
Thuật lại với chúng tôi, ông Thủy cho hay, vào rạng sáng ngày giữa tháng 1 âm lịch năm 2022, nước biển bất ngờ dâng cao, vượt qua dãy rừng phòng hộ, tràn qua đê. Trong chốc lát, chung quanh nhà ông thành biển nước. “Nước lên rất lẹ không kịp trở tay. May tôi kịp tắt điện, mang vật dụng có giá trị bỏ lên cái sàn cao, nếu không cũng bị trôi đi luôn. Khi nước rút, tôm cá trong vuông cũng theo ra sông, ra biển”.
Ông Thủy cũng cho biết, trong 4 năm gần đây, ít nhất 5 lần gia đình ông gặp phải tình cảnh trên. Dù đã cố công bồi trúc bờ bao vuông tôm, cơi nới sàn nhà cao hơn nhưng cứ hễ triều dâng là ngập lênh láng.
Cạnh nhà ông Thủy là căn nhà lá của gia đình ông Trương Văn Trại, khép mình trên gò đất cao ngay phía sau con đê biển Tây. Đây cũng là hộ nghèo bền vững trong nhiều năm liền ở khóm 5 của miền biển Cái Đôi Vàm.
Tuy không có vuông tôm nhưng nhờ siêng năng làm thuê, làm mướn cho ghe biển; tận dụng bờ đất trống quanh đê để làm rẫy, trồng màu kết hợp chăn nuôi gia cầm mà trong một thời gian dài, gia đình ông Trại cũng tạm đủ ăn. Nhưng vài năm gần đây, triều cường tràn qua đê thường xuyên, đất nhiễm mặn khiến gia đình ông Trại không còn canh tác rau màu được nữa.
Đưa chúng tôi ra đám rau còi cọc còn sót lại cạnh nhà, ông Trại cho biết nguồn thu từ rau màu trước đây cũng từ 40-50 triệu đồng/năm, nhưng hiện trồng không đủ nhà ăn. “Hơn 3 năm nay, tôi bị bệnh không có sức để đi làm thuê nữa nên cuộc sống khó dần, từ hộ cận nghèo rồi nghèo luôn, đến nỗi đứa con gái lớn mới hết lớp 6 phải nghỉ học để phụ tiếp việc nhà” – Ông Trại than vãn.
Đi dọc tuyến biển Tây, từ Kênh Năm Rạch Chèo (thị trấn Cái Đôi Vàm) về khóm 6B (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời), dãy rừng phòng hộ thưa thớt. Khá nhiều vị trí, cây bị sóng dữ bứng gốc, nằm la liệt… chờ chết. Một vài nơi, cây rừng còn khá mỏng, là đến tận chân đê.
Đi cùng chúng tôi trên chiếc xuồng chòng chành dọc tuyến biển, Hạt trưởng Hạt quản lý Đê điều Cà Mau Bùi Văn Đông thú thiệt: “Toàn tuyến đê biển Tây thì khu vực này là trũng nhất, vì qua gần 25 năm hình thành cho đến nay, đê biển chưa được nâng cấp thêm lần nào. Đó cũng là nguyên nhân khiến rất nhiều cư dân ven biển trong khu vực dù cố gắng làm ăn nhưng thiên nhiên khắc nghiệt khiến cuộc sống bà con ngày càng bí bách”.
Len lỏi qua vài căn nhà tạm bợ nằm chơi vơi cặp đê biển Tây, Hạt trưởng Đông dừng chân tại bờ đất cao ngó mặt ra cửa biển Sông Đốc, thuộc khóm 6B (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời). Khu vực trên, dù nhiều năm trôi qua nhưng đến nay vẫn còn nguyên vẹn các rọ đá áp sát thân đê. Đó là dấu tích còn sót lại trong việc hộ đê của ngành chức năng sở tại.
Cạnh dãy gọ đá là 4 căn nhà tạm của ngư dân, lúc nào cũng lồng lộng gió biển. Đây là những hộ dân bám trụ lâu nhất tại vị trí từng xảy ra triều cường, sạt lở đê. Ám ảnh nhất là đợt triều cường kèm giông gió lớn vào chiều ngày 3/8/2019, khiến nước biển dâng cao bất thường tràn qua gây sạt lở nghiêm trọng chân đê biển Tây, nhất là khu vực Cống Kênh Mới đến Đá Bạc của huyện Trần Văn Thời.
Ngay khi nước rút, tỉnh Cà Mau phải ban bố tình trạng hộ đê khẩn cấp. Chính quyền các huyện ven biển ở Cà Mau lập tức xuống hiện trường, cùng các lực lượng tại chỗ hỗ trợ giúp dân.
Bà Lưu Hồng Cẩm, một trong 4 hộ có nhà cặp dãy gọ đá ở khóm 6B, đến giờ vẫn còn ám ảnh bởi đợt triều cường trên. Bà thuật lại: “Nhà tôi và dân quanh đây, nước dâng cao khỏi lưng quần, đồ đạc, vật dụng trong nhà hầu như bị cuốn trôi hết. Ngay cả lợn, gà… cũng bì bõm, xém chết hụt. Tội nhất là mấy đứa nhỏ trong xóm, thời may biết bơi và ôm cột nhà cố thủ, chứ không cũng bị trôi luôn”.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau Nguyễn Long Hoai cho biết: ngoài sạt lở nghiêm trọng chân đê biển Tây đoạn Cống Kênh Mới và một số đoạn khác, ảnh hưởng của đợt giông lớn và triều cường bất thường vào đầu tháng 8/2019, ven biển Cà Mau có hơn 200 nhà bị sập và tốc mái; hơn 700 nhà dân bị ngập nặng. Đó là chưa tính thất thoát thủy sản trong vuông tôm của người dân do triều cường.
Chênh vênh… con đê so le
Bờ biển Cà Mau hơn 250km, gồm bờ Đông (chưa có đê biển) và bờ Tây, dài khoảng 108km, trải dài từ Kênh 5 Rạch Chèo đến khu vực cống Tiểu Dừa (Khánh Tiến, huyện U Minh), giáp ranh tỉnh Kiên Giang. Suốt chiều dài tuyến đê biển Tây là hai khung cảnh so le về đời sống dân sinh, cả về hạ tầng xây dựng cơ bản.
Từ khu vực cống Tiểu Dừa về bờ Bắc thị trấn Sông Đốc, tuyến đê bằng đất năm nào giờ đã được đầu tư nâng cấp nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương theo Chương trình 667 về nâng cấp đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang. Suốt tuyến, đến nay đã hoàn thành các hạng mục nâng cấp, thân đê cao trình đến 3m, bề mặt có đường bê-tông kiên cố, bảo đảm xe ô-tô lưu thông dễ dàng bất kể nắng mưa. Đường giao thông trên đê còn đáp ứng yêu cầu đi lại của xe cơ giới, làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, bảo vệ đê biển cũng như bảo đảm an ninh, quốc phòng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Bởi vậy, gần đây, khu vực đê đã nâng cấp, đời sống dân cư khá ổn định, các hoạt động sôi động như chốn thị thành.
Ngược với khung cảnh trên, càng lùi về cuối tuyến, độ chênh nhau càng rõ. Nói như lời của ông Trần Hoàng Đảm, Trưởng Khóm 5 thị trấn Cái Đôi Vàm: Cùng tuyến đê biển nhưng nơi chưa nâng cấp và nơi đã nâng cấp có hai diện mạo rất so le, cả về điều kiện làm ăn, sinh kế và thu nhập. Do chênh nhau quá lớn mà hầu hết hộ dân sinh sống phía sau tuyến đê chưa nâng cấp luôn trong tâm trạng phập phồng, lo sợ các mối nguy đến từ thiên nhiên, biển dữ phương hại trực tiếp đến đời sống, sản xuất của bà con”.
Cùng nhìn nhận như trên, Phó chủ tịch UBND thị trấn Cái Đôi Vàm, Nguyễn Văn Kha, cho biết: Khu vực ven đê biển Tây thuộc địa bàn Cái Đôi Vàm còn khá nhiều trường hợp phải thường xuyên cứu đói vì không có việc làm, sinh kế ổn định và thường xuyên phải hỗ trợ di dời nhà vì triều cường, nước dâng cao tràn qua đê biển. Chỉ riêng tại khu vực khóm 5, trong tổng số 40 hộ dân sinh sống dọc sau đê biển Tây thì có đến 11 hộ nghèo và cận nghèo, chiếm gần 25% tổng số hộ nghèo, cận nghèo của cả khóm”.
Thông tin thêm với phóng viên, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Tô Quốc Nam cho biết: Với tổng chiều dài bờ biển hơn 250km nhưng đến thời điểm hiện tại, bờ Đông Cà Mau chưa có đê biển, cả đê bằng đất đen. Trong khi đó, tuyến bờ Tây đã có đê biển nhưng mới hoàn thành nâng cấp được khoảng 49km. Tính ra đến nay, chỉ có khoảng 20% chiều dài bờ biển Cà Mau được đầu tư nâng cấp hệ thống đê nhưng đã tiêu tốn thời gian gần 10 năm.
Với nguồn lực giới hạn và tiến độ như hiện nay, thì ít nhất khoảng 40 năm nữa, Cà Mau mới hy vọng hoàn thành việc nâng cấp đê biển, cả bờ Tây và bờ Đông, ông Nam cho hay và bày tỏ mong muốn trong giai đoạn 2021-2025, Trung ương và Chính phủ xem xét hỗ trợ giúp Cà Mau đầu tư nâng cấp nốt tuyến đê biển Tây đoạn còn lại với chiều dài khoảng 23km, nối từ Kiên Giang đến Kênh Năm Rạch Chèo. Khi đê biển Tây được nâng cấp hoàn thiện sẽ phát huy đồng bộ cả về công năng cũng như hiệu quả công trình đầu tư công, tạo tiền đề vực dậy kinh tế-xã hội các địa phương vùng ven biển.
“Triều cường các năm gần đây đo được trung bình từ 2,2 đến 2,6m và có thời điểm cao hơn. Trong khi tuyến đê biển Tây chưa nâng cấp nơi cao lắm còn dương 1.6m, thấp nhất chỉ còn khoảng 1m. Vì thế, khi triều dâng là khu vực trên nước tràn qua đê. Để hoàn thành việc nâng đoạn 23km còn lại ấy, nhu cầu vốn theo giá vật tư hiện tại là gần 700 tỷ đồng. Việc hoàn thành nâng cấp đồng bộ đê biển Tây không chỉ phục vụ kế hoạch sản xuất, phòng, chống thiên tai của địa phương Cà Mau mà còn đáp ứng mục tiêu Chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang, phù hợp tinh thần và mục tiêu của Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng biến đổi khí hậu” – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Tô Quốc Nam. |