Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tính đến tháng 4/2022, đã có khoảng hơn 24.000 công trình khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước đã được quản lý từ Trung ương đến địa phương thông qua biện pháp, công cụ cấp phép tài nguyên nước.
Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 1.787 giấy phép tài nguyên (113 giấy phép hành nghề khoan thăm dò khai thác nước dưới đất; 843 giấy phép khai thác sử dụng nước mặt, nước biển; 149 giấy phép thăm dò nước dưới đất; 277 giấy phép khai thác sử dụng nước dưới đất và 405 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước).
Ở địa phương, theo số liệu báo cáo tại 54 tỉnh, thành phố đã cấp 23.794 Giấy phép tài nguyên nước cho các tổ chức và cá nhân (577 giấy phép hành nghề khoan thăm dò khai thác nước dưới đất; 1.890 giấy phép khai thác sử dụng nước mặt, nước biển; 1.968 giấy phép thăm dò nước dưới đất; 9.439 giấy phép khai thác sử dụng nước dưới đất và 9.920 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước).
Qua công tác thẩm định các dịch vụ công trong lĩnh vực tài nguyên nước, tính từ năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thu gần 16 tỷ đồng nộp về ngân sách Nhà nước.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đã đẩy mạnh triển khai công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất; xử lý các vi phạm của các cơ sở có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép và không chấp hành các quy định pháp luật về tài nguyên nước có liên quan theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (hiện nay là Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản và Nghị định số 04/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ).