Tình trạng chiếm dụng ghế đá công cộng tại khu vực ven Hồ Tây (Hà Nội) để kinh doanh, bán hàng, thậm chí “muốn ngồi ghế đá là phải trả tiền nước” đang gây bức xúc dư luận xã hội những ngày gần đây .
Ngày 21/4, lực lượng chức năng phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) ra quân dẹp trật tự lấn chiếm vỉa hè, chiếm dụng ghế đá công cộng làm nơi kinh doanh, bán hàng trên dãy phố Nhật Chiêu.
Hà Nội vẫn luôn tự hào với tuyến đường Thanh Niên xen giữa hồ Trúc Bạch và hồ Tây mệnh danh là con đường đẹp nhất để phát triển du lịch. Thế nhưng với người dân, con đường này còn được nhắc đến như một điểm “đen” khi chủ các quán cóc vỉa hè phân chia địa bàn cũng như ngang nhiên chiếm dụng ghế đá ép người nghỉ chân muốn ngồi phải “mua”.
Thực tiễn, chuyện chiếm dụng ghế đá công cộng của Thủ đô để bán hàng không phải mới, nhưng nó đã và đang tồn tại ngang nhiên suốt năm này qua năm khác mà không bị các lực lượng chức năng xử lý triệt để. Và người phải chịu thiệt thòi không ai khác chính là những người dân.
Còn nhớ thời điểm năm 2017, Chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ tại Hà Nội thực hiện quyết liệt những tưởng vấn nạn này được dẹp bỏ nhưng sau khi chiến dịch lắng xuống, người bán hàng lại ngang nhiên “xí chỗ”, dù cách thức bớt lộ liễu hơn. Chủ các quán cóc ngầm phân chia với nhau địa bàn của từng quán, thường mỗi người sẽ “ngự trị” 2 – 3 chiếc ghế đá.
Không gian công cộng hồ Tây bị chiếm dụng chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” về cách quản lý điều hành của chính quyền đô thị. Thực tiễn, thành phố Hà Nội hiện có hàng trăm công viên, vườn hoa, hồ nước sinh thái phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Hệ thống công trình phúc lợi công cộng này được kỳ vọng là những địa điểm sạch đẹp, văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, tại nhiều công viên, vườn hoa, không gian công cộng vẫn đang bị sử dụng chưa đúng chức năng.
Từ câu chuyện của Hà Nội nhìn rộng hơn để thấy, sau hơn 36 năm đổi mới, kinh tế đất nước đã có những bước phát triển thần kỳ, nhưng không gian công cộng của người dân dường như bị thu hẹp. Công viên, các công trình văn hóa đều bị xây tường rào, bán vé, tước đi quyền tiếp cận của người nghèo, thậm chí, nhiều nơi đã được biến thành các cơ sở kinh doanh ăn uống. Các sân chơi trong khu tập thể dần biến mất bởi sự lấn chiếm công khai, bị thay đổi mục đích sử dụng…
Điều đó cho thấy, đã có một thời gian dài, các nhà quản lý đô thị đã quên đi khái niệm cơ bản về không gian đô thị, như thể nó chưa từng tồn tại, như thể nó đã mặc nhiên trở thành quỹ đất để phát triển.
Có quá nhiều điều để nói về ý nghĩa của không gian công cộng trong đô thị khi về bản chất nó giống như những khoảng thở của phố phường, điều phối tiết tấu của nhịp sống đô thị, là cơ hội tạo nên sự tương tác của thị dân.
Tuy vậy, những điều đó đều trở nên vô nghĩa khi đất là vàng, khi những khoảng không gian ấy chỉ được nhìn như những lợi ích, những cơ hội kiếm tiền, cho dù công hay tư.
Vì thế, cho dù các chuyên gia đô thị có lên tiếng bao nhiêu, bài toán tăng cường không gian đô thị cũng sẽ không được giải tỏa nếu như các nhà quản lý đô thị không thể nhìn vào bản chất ý nghĩa xã hội của không gian công cộng.