Các nhà nhân đạo của Liên hợp quốc vừa cảnh báo, mối đe dọa của nạn đói là vấn đề rất thực tế ở Somalia và Nam Sudan và cần hành động khẩn cấp ngay bây giờ để tránh một thảm họa.
Thiếu mưa gây hậu quả nghiêm trọng tại Somalia
Cảnh báo từ Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) được đưa ra sau các đánh giá an ninh lương thực mới nhất cho thấy, 6 triệu người ở Somalia sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong những tháng tới nếu khu vực này không có mưa.
Bà Lara Fossi – Phó Giám đốc phụ trách khu vực của WFP tại Somalia cho biết, con số trên gần gấp 2 lần so với hồi đầu năm và quốc gia này đã phải hứng chịu nạn đói lần cuối vào năm 2011 và may mắn thoát khỏi mức nghiêm trọng của nạn đói vào giai đoạn năm 2016 – 2017 nhờ sự can thiệp nhân đạo kịp thời.
Theo bà, đánh giá này đã xác định được 6 khu vực ở Somalia có nguy cơ xảy ra nạn đói và hứng chịu nạn đói như năm 2011 nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ.
Ngoài ra, lượng mưa thiếu hụt tại Somalia đã gây ra nhiều tác động tàn phá, trong đó người dân phải rời bỏ nhà cửa để tìm kiếm thức ăn và công việc. Bà Fossi cho biết, có hàng chục trại dành cho những người di cư trong nước và con số này đã gia tăng theo cấp số nhân trong vài tháng qua.
“Hàng ngàn hộ gia đình đang chuyển từ những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hạn hán đến những trại trên. Họ đang tuyệt vọng tìm kiếm sự trợ giúp và nhiều người trong số họ là phụ nữ và trẻ em, trong đó có nhiều người bị suy kiệt và suy dinh dưỡng nghiêm trọng đến mức đe dọa tính mạng”, bà Fossi cho biết thêm.
Hơn 7 triệu người hứng chịu nạn đói ở Nam Sudan
Ông Meshack Malo, Đại diện FAO tại Nam Sudan cho biết: “Tình hình cũng tàn khốc không kém ở Nam Sudan, nơi 2/3 người dân trong nước, tương đương 7,74 triệu người – con số cao nhất từng được ghi nhận – sẽ phải đối mặt với nạn đói trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 năm nay”.
Mặc dù Nam Sudan đã nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng của quốc tế nhưng năm 2017, quốc gia này đã tuyên bố nạn đói tại 2 quận trong nước.
Trích dẫn số liệu mới nhất của Phân loại Giai đoạn An ninh Lương thực Tích hợp (IPC) trên khắp Nam Sudan, ông Malo cho rằng 1,34 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng và trên 600.000 phụ nữ có thai và cho con bú bị suy dinh dưỡng trong năm nay.
Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực kéo dài ở Nam Sudan bao gồm cuộc nội chiến bắt đầu từ năm 2013 và kết thúc vào năm 2020. Nó gây ra sự tàn phá, chết chóc và di dời trên diện rộng, khiến hai triệu người phải di tản trong nước và 2,3 triệu người khác phải tị nạn ở các nước láng giềng.
Bên cạnh đó, một số trận lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều thế hệ cũng đã khiến người dân phải di dời và đẩy các cộng đồng địa phương đến tình trạng cùng cực, làm giảm sản lượng cây trồng và phụ thuộc vào nhập khẩu, giảm khả năng của người dân trong việc đảm bảo đủ lương thực quanh năm.