Đây là 1 trong 4 chuyên đề giám sát năm 2023 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bỏ phiếu lựa chọn trong sáng ngày 19/4. Trong năm 2023, Quốc hội sẽ giám sát 2 chuyên đề và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề.
Năng lượng tái tạo là 1 trong 4 chuyên đề giám sát trình Quốc hội
Sáng 19/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023.
Trong đó, đối với các đề xuất liên quan đến môi trường, khai thác khoáng sản, xử lý chất thải tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất… (10 ý kiến) và liên quan đến đất đai (9 ý kiến), Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay, tại phiên họp tháng 9 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về cả 2 nhóm vấn đề nêu trên và đã ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp này, trong đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo việc thực hiện Nghị quyết tại phiên họp tháng 9 hằng năm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn năng lượng tái tạo cần mở rộng thêm việc cung cấp than, khí ra sao, sản xuất bao nhiêu, nhập khẩu bao nhiêu để đảm bảo cung ứng nguồn điện.
“Tôi muốn mở rộng chuyên đề này ra về năng lượng nói chung, phải có chiến lược làm sao giải quyết hài hòa các khâu trong một chuỗi để duy trì năng lượng sản xuất cho ngành điện, ngành than, ngành khí, từ đó có bài toán về an ninh năng lượng”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu quan điểm.
Liên quan đến chuyên đề 4, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn năng lượng tái tạo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nên cân nhắc kỹ về phạm vi giám sát; xác định rõ khoảng thời gian giám sát. Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi giám sát ra lĩnh vực năng lượng nói chung, trong đó giám sát việc khai thác, sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, đồng thời có nội dung giám sát sâu hơn lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Theo đó, năm 2023, Quốc hội sẽ giám sát 2 chuyên đề và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề trong số 5 chuyên đề cụ thể như sau:
Chuyên đề 1: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Chuyên đề 2: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030).
Chuyên đề 3: Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;
Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn năng lượng tái tạo;
Chuyên đề 5: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2015-2020.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua bỏ phiếu, căn cứ kết quả từ cao xuống thấp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chọn 4 chuyên đề để giám sát trong năm 2023 gồm: Chuyên đề 1, 2, 3, 4.
Chính sách là nền tảng phát triển bền vững
Chính sách ngành điện đang trong giai đoạn chuyển giao, đã xuất hiện những chính sách đột phá thay đổi cục diện của ngành kể từ năm 2017, kết quả tăng trưởng ngoạn mục đến từ sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời trong giai đoạn 2018-2021.
Theo thống kê của EVN, đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt của điện mặt trời là 19,4 GWp, trong đó 9,3 GWp là công suất của hơn 100.000 hệ thống điện mặt trời áp mái và phần còn lại là các nhà máy điện mặt trời. Dự kiến đến cuối tháng 10 năm 2021, công suất lắp đặt điện gió được dự báo tăng khoảng 5,7 GW. Như vậy tổng công suất lắp đặt của các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi sẽ đạt khoảng 28% chưa kể nguồn thủy điện.
Tuy nhiên, hệ thống điện Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào điện sản xuất từ nguồn nhiên liệu hóa thạch chiếm 64% (Nhiệt điện than: 123 tỷ kWh ~ 50% và nhiệt điện khí 34,7 tỷ kWh ~14%). Có được kết quả khả quan trên là do, trong thời gian này có sự tác động của chính sách giá FIT cho năng lượng tái tạo.
Cụ thể, với điện gió, chính sách quy định giá FIT cho điện gió lần thứ nhất đã được ban hành vào năm 2011 với mức giá là 78 USD/MWh, tuy nhiên mức giá này được coi là không khả thi về mặt thương mại do vậy cho đến 2017 tổng công suất lắp đặt đạt 135 MW.
Đối với điện mặt trời, chính sách quy định giá FIT cho điện mặt trời lần đầu được ban hành vào năm 2017 với mức giá là 9,35 UScent/kWh đi kèm thời hạn nối lưới trước ngày 30/6/2019. Chính sách này đã kích hoạt thị trường với kết quả là khoảng 4,5 GW điện mặt trời đã được kết nối với lưới điện trong giai đoạn này. Giá FIT điện mặt trời lần 2 đã được ban hành với các mức lần lượt là 7,09; 7,69 và 8,38 UScent/kWh cho các nhà máy năng lượng mặt trời, hệ thống điện mặt trời áp mái và điện mặt trời nổi, với thời hạn nối lưới là ngày 31 tháng 12 năm 2020.
Các chính sách nói trên đều áp dụng mua điện từ nguồn năng lượng tái tạo là 20 năm đã tạo ra phản ứng tích cực đến các chủ đầu tư. Từ đó, tốc độ đầu tư diễn ra nhanh chóng tạo đà phát triển cho thị trường trưởng thành hơn trong một thời gian rất ngắn và đồng thời cũng tạo ra những nghi ngại về vấn đề mua điện năng lượng tái tạo với mức giá FIT quá hấp dẫn có thể dẫn đến giá điện bán lẻ tăng lên và xu hướng phát triển thiếu kiểm soát cân bằng cung cầu.
Theo Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 6 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi biến đổi khí hậu theo báo cáo về chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2020. Trong những năm qua, Việt Nam đã luôn tích cực trong thực hiện các cam kết của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và tích cực tham gia Thỏa thuận chung Paris trong khuôn khổ Công ước chung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP). Trong đó, một trong những yêu cầu quan trọng mà Việt Nam cần thực hiện khi tham gia là thúc đẩy chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ để giảm phát thải khí nhà kính, các quyết định đầu tư và chính sách phải được thực hiện để khử carbon trong lĩnh vực năng lượng.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các FTA thế hệ mới cũng đặt ra các yêu cầu phải thúc đẩy chuyển dịch năng lượng. Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã xác định các quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ giải pháp lớn về chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam trong thời gian tới.
Phát triển năng lượng tái tạo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị đến các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và các cơ chế khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo.
Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Ninh Hải, Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại quyết định số 2068/QĐ-TTg đã xác định, khuyến khích huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp đạt khoảng 31,0% vào năm 2020; khoảng 32,3% vào năm 2030 và tăng lên, đạt khoảng 44,0% vào năm 2050.
Cùng với đó, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XII cũng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo “Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch”; đồng thời, đặt ra nhiệm vụ “Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo, nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch”.
Kết quả, tính đến hết ngày 31/12/2020, tổng công suất lắp đặt: ~69.300 MW, trong đó, điện mặt trời đạt 16.420 MW, điện gió đạt 514 MW, điện sinh khối đạt 382 MW, điện từ rác thải chiếm tỷ lệ nhỏ 9,43 MW.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Với điều kiện vị trí địa lý thuận lợi, đường bờ biển dài, khí hậu nhiệt đới gió mùa và nền kinh tế nông nghiệp, Việt Nam có thể khai thác các nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và đa dạng, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội cũng như đảm bảo an ninh năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiện tại, Việt Nam có tiềm năng phát triển 5 nguồn năng lượng tái tạo chính, bao gồm năng lượng mặt trời, gió, nước (thủy điện), sinh khối và địa nhiệt. |