Theo BFA 2022, các nước châu Á đang hành động khẩn trương và có trách nhiệm nhằm đáp lại lời kêu gọi chuyển đổi xanh để ứng phó với biến đổi khí hậu.
25 quốc gia châu Á đưa ra cam kết giảm phát thải ròng về 0
Theo báo cáo mang tên “Sự phát triển bền vững: Báo cáo thường niên châu Á và thế giới 2022”, tính đến cuối năm ngoái, đã có 25 quốc gia châu Á đưa ra cam kết giảm phát thải ròng về 0 (net-zero).
Để tăng cường công tác quản lý vấn đề này, Chính phủ các nước châu Á áp dụng nhiều biện pháp bao gồm việc lập các ủy ban và nhóm lãnh đạo cấp cao giám sát quá trình xây dựng và thực hiện những chiến lược net-zero của quốc gia, xác định các mục tiêu giảm khí thải carbon và lộ trình để đạt được những mục tiêu này cũng như thiết lập hệ thống giao dịch carbon.
Báo cáo cho biết nhiều nước duy trì khả năng huy động nguồn tài trợ toàn cầu cho quỹ phát triển xanh và bền vững bất chấp đại dịch Covid-19.
Dẫn số liệu mới nhất của Sáng kiến Chính sách khí hậu cho thấy tài trợ cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu dành cho châu Á năm 2020 chiếm khoảng 50% toàn cầu, cao hơn so với mức 17% cho Tây Âu và 13% cho Mỹ và Canada.
Theo báo cáo trên, nhiều doanh nghiệp tại châu Á cũng tích cực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, với 440 doanh nghiệp đăng ký tham gia sáng kiến Mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học.
Những doanh nghiệp này áp dụng đa dạng phương thức chuyển đổi xanh, trong đó có việc chuyển sang năng lượng tái tạo và thiết lập các cấu trúc quản trị bền vững.
Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050
Việt Nam là một trong các quốc gia đang phát triển, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng 150 quốc gia trên thế giới cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ – năm 2050. Cùng với hơn 100 quốc gia đã tham gia Tuyên bố Glassgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động 2 thích ứng an toàn…
Theo giới chuyên gia, việc thực hiện các cam kết tại COP26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ của Việt Nam là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Chính vì thế việc thực hiện kịp thời các cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước.
Lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính được đưa ra tại Hội nghị COP26, đòi hỏi tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải chuyển đổi mạnh mẽ sang phát triển phát thải thấp. Để thực hiện việc giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng, hướng đến chấm dứt sử dụng than sẽ là vấn đề mà Việt Nam cần nỗ lực lớn.
Theo đó, vấn đề năng lượng được quan tâm hàng đầu tại Việt Nam, bởi hiện nay năng lượng là lĩnh vực phát thải lớn nhất. Theo tính toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường (2020), trong lĩnh vực năng lượng, 60% lượng phát thải năm 2020 từ công nghiệp năng lượng – chủ yếu từ sản xuất điện năng. Do đó, việc giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất điện là vô cùng quan trọng để Việt Nam có thể đạt các cam kết trong NDC và mục tiêu Net Zero mới. Theo Kịch bản phát thải trong điều kiện phát triển thông thường (BAU) của Việt Nam, đến năm 2050, 81% lượng phát thải đến từ năng lượng. Vậy năng lượng sẽ là ngành quyết định mục tiêu Net Zero của Việt Nam.
Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) cho rằng, để đạt mục tiêu Net Zero, cần dừng triển khai các dự án than mới, cũng như đưa ra lộ trình tiến tới loại bỏ các dự án than hiện tại. Với xu hướng toàn cầu chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch, kỷ nguyên than đang khép lại và các dự án than mới sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động tài chính.
Hiện nay, công suất điện than của nước ta đạt khoảng 21,3GW, đóng góp 50% tổng sản lượng điện. Con số này còn được tăng lên 40,9GW vào năm 2030 và lên tới 50,9GW vào năm 2035 trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII mới đây được Bộ Công Thương xây dựng. Đặc biệt, với 15,8GW công suất nguồn điện ước tính chưa thu xếp được tài chính ở Dự thảo Quy hoạch điện VIII sẽ là thách thức không nhỏ khi Việt Nam đã đưa ra mục tiêu Net Zero vào năm 2050 tại Hội nghị COP26 do đã có hơn 100 tổ chức tài chính đã thông báo rút khỏi các dự án khai thác than và nhà máy điện than để thực hiện mục tiêu giảm phát thải carbon.