Dự án cầu Mã Đà: Cục bảo tồn thiên nhiên không đồng ý làm đường xuyên Khu bảo tồn

Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học họp với các chuyên gia, nhà khoa học lấy ý kiến, đa phần không đồng ý việc xây dựng cầu Mã Đà và làm đường xuyên tâm Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Nai.

Trong hai ngày 9 và 11-4, Pháp luật TP.HCM đăng bài viết “Làm cầu Mã Đà nối Bình Phước – Đồng Nai cần tính toán kỹ” và ” Nối Bình Phước – Đồng Nai: nên làm đường vòng tránh Khu Bảo tồn”. Bài viết phản ánh ý kiến của các nhà khoa học và chuyên gia về việc lo ngại việc xây cầu Mã Đà xây làm qốc lộ 13C nối 2 tỉnh Bình Phước và Đồng Nai đi qua vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn).

Một diễn biến khác, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đã có cuộc họp nhanh với lãnh đạo Khu bảo tồn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai để đưa ra ý kiến các bên.

Tỉnh Bình Phước kiến nghị xây cầu Mã Đà mở đường quốc lộ 13C xuyên lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Nai. (Ảnh VH)

Đại diện lãnh đạo Khu bảo tồn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai báo cáo nhanh và trình bày quan điểm về việc xây dựng quốc lộ 13C qua Khu bảo tồn. Đại diện này cho rằng Khu bảo tồn và Khu dự trữ sinh sinh quyền thế giới Đồng Nai thuộc nhóm di sản về đa dạng sinh học cao, di sản thiên nhiên cấp quốc gia đặc biệt.

Các hệ sinh thái tự nhiên trong di sản thiên nhiên phải được ưu tiên bảo tồn và phục hồi nguyên trạng tự nhiên; môi trường đất, môi trường nước trong di sản thiên bị ô nhiễm, suy thoái phải được cải tạo, phục hồi.

Đồng thời, các giá trị cốt lõi của thiên nhiên và đa dạng sinh học phải được bảo vệ, bảo tồn nguyên vẹn, dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên của di sản phải được duy trì, phát triển và sử dụng bền vững. Các chỉ số đặc trưng về địa chất, cảnh quan, sinh thái.. phải tuân thủ quy định của các điều ước Quốc tế về môi trường và đa dạng sinh học mà Việt Nam đã ký kết.

Do đó, Khu bảo tồn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới không đồng ý mở quốc lộ 13C xuyên lõi Khu bảo tồn để nhằm bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và giữ gìn các giá trị lịch sử văn hóa của vùng đất cách mạng Chiến khu Đ.

Các chuyên gia lo ngại và có ý kiến không đồng ý mở đường xuyên lõi Khu bảo tồn sẽ ảnh hưởng đến động vật quý hiếm đang được bảo tồn. (Ảnh: VH)

Tại cuộc họp, Giáo sư Hoàng Văn Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đất ngập nước Việt Nam, cho rằng nếu quốc lộ 13C thực hiện sẽ vi phạm cùng lúc nhiều luật như Luật Đa dạng sinh học, Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường và các nghị định liên quan. Đồng thời, vi phạm các cam kết quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ bị UNESCO rút danh hiệu.

Quốc lộ 13C nếu được thực hiện 4 làn đường thì ít nhất là 24m ngang x 40km, diện tích trên 50ha. Theo quy định thì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ 50ha ở vùng lõi cần phải được Quốc hội thông qua.

Việc xây dựng quốc lộ 13C đi qua vùng lõi Khu bảo tồn sẽ làm mất diện tích rừng và phân mảnh cực lớn, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, các hệ sinh thái và các loài, đặc biệt là các loài quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ IUCN.

Các chuyên gia cũng có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này. Đó là, theo tổ chức UNESCO, vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới được ưu tiên bảo vệ nghiêm ngặt, giám sát giảm thiểu tối đa tác động của con người và trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phục hồi sinh thái chỉ được lập đường mòn, đường bộ nên việc xây dựng quốc lộ 13C là vi phạm pháp luật. Hiện Khu bảo tồn đang đề cử hồ sơ Ramsar và AHP, nếu tuyến đường được xây dựng sẽ ảnh hưởng đến quá trình công nhận 2 danh hiệu quốc tế này.

Kết luận tại cuộc họp ông Dương Thanh An, Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học nêu quan điểm: Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học với vai trò là đầu mối quản lý về các di sản thiên nhiên sẽ luôn ủng hộ, đồng hành cùng Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Khu Bảo tồn để xây dựng các báo cáo, thủ tục để kiến nghị cấp có thẩm quyền không phê duyệt dự án xây dựng tuyến đường 13C đi qua vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.

Để có lập luận vững chắc, ông kiến nghị không xây dựng quốc lộ 13C, Khu Bảo tồn, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới cần phối hợp chặt chẽ với Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học để hoàn thiện các thủ tục, báo cáo, căn cứ pháp lý quốc gia, quốc tế và giá trị thiên nhiên, văn hóa gửi cấp có thẩm quyền xem xét và bảo vệ khu vực có tính đa dạng sinh học – văn hóa cao như Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.

Xây cầu Mã Đà, kết nối Bình Phước với Đồng Nai: Cần tính toán kỹ