“Tại sao nông dân cũng phải làm truyền thông? – các đại diện của hai bản Nà Cà (xã Bình Lư, huyện Tam Đường) và bản Hợp 1 (xã Bản Lang, huyện Phong Thổ) thuộc tỉnh Lai Châu đã phần nào trả lời được câu hỏi trên sau lớp tập huấn kỹ năng truyền thông thuộc dự án VOF. Hoạt động do Trung tâm Con người và Thiên nhiên phối hợp với Ban Quản lý Dự án VOF – Hội Nông dân tỉnh Lai Châu tổ chức trong hai ngày 29-30/03/2022 tại Tam Đường.
Dự án “Tăng cường tiếng nói và năng lực của các nhóm nông dân người dân tộc dễ bị tổn thương đối với BĐKH ở Tây Bắc Việt Nam” (VOF) hướng tới hỗ trợ đồng bào người dân tộc tăng cường khả năng phục hồi trước tác động của BĐKH tại vùng Tây Bắc Việt Nam thông qua việc thúc đẩy nông nghiệp thông minh, thích ứng với khí hậu và sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định. Dự án được thực hiện tại 6 huyện thuộc 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu trong giai đoạn 2019-2022.
Dự án do Hiệp hội Tổ chức Xã hội Dân sự Đan Mạch (CISU) tài trợ thông qua Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Đan Mạch Châu Á (ADDA). PanNature là đơn vị điều phối các hoạt động, phối hợp thực hiện cùng với Hội Nông dân tỉnh Sơn La và Lai Châu. |
Là nông dân trồng chè và trồng lúa tại các bản làng vùng sâu và vùng cao thuộc tỉnh Lai Châu, các học viên của lớp tập huấn hiểu hơn ai hết những khó khăn khi đưa sản phẩm của mình tiếp cận thị trường. Chất lượng tốt nhưng ít người biết đến, chỉ có thể bán ở gần nhà, bị thương lái ép giá nhưng không có lựa chọn khác, thu nhập nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định,… đó là những thực tế của hoạt động tiếp thị truyền thống mà người nông dân đã và đang phải trải qua.
Ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp có thể thích ứng với và giảm thiểu các tác động tiêu cực của BĐKH, dự án VOF còn tập trung vào các hoạt động nâng cao năng lực cho người nông dân. Tại lớp tập huấn truyền thông, các học viên đã nắm được tầm quan trọng và những kiến thức cơ bản của truyền thông hiện đại. Họ cũng đồng thời thực hành các kỹ năng thuyết trình, sử dụng internet, mạng xã hội, chụp ảnh, quay phim bằng điện thoại thông minh để phục vụ cho hoạt động tiếp thị sản phẩm nông nghiệp online.
“Các kiến thức đã học giúp mình quảng bá sản phẩm của mình tiện hơn và tốt hơn, nếu không mang ra chợ bán được thì có thể đăng lên facebook để mọi người mua,” chị Lò Thị Pỏm, nông dân bản Nà Cà chia sẻ. “Trước đây mình chụp ảnh sản phẩm của mình thì chẳng chọn góc hay gì cả, cứ chụp bừa thôi, nhiều khi ảnh bị mờ hoặc ngược sáng, làm người xem phân vân lắm. Giờ mình đã biết cách để khiến tấm ảnh sắc nét hơn, hy vọng sẽ thu hút được nhiều người mua hơn!”
Cũng tại tập huấn, các thành viên nông dân nòng cốt được hỗ trợ laptop và thiết bị kèm theo từ nhà tài trợ World Bank thông qua những nỗ lực kết nối của Trung tâm Con người và Thiên nhiên.