Bảo vệ môi trường nước tại lưu vực sông

Hiện nay, môi trường nước tại nhiều lưu vực sông lớn ở nước ta duy trì ở mức “trung bình” đến “tốt”. Tuy nhiên, tại nhiều đoạn sông chảy qua khu vực có hoạt động công nghiệp và đô thị hóa mạnh, chất lượng nước vẫn bị ô nhiễm.

Việt Nam có 697 sông, suối, kênh, rạch và 38 hồ là nguồn nước liên tỉnh, thuộc 16 lưu vực sông chính; 3.045 sông, suối thuộc các lưu vực sông nội tỉnh. Trong số đó, có khá nhiều sông xuyên biên giới như: hệ thống sông Mê Công (sông Cửu Long), sông Hồng, sông Đằng Giang-Kỳ Cùng, sông Mã, sông Cả, sông Sê San, sông Đồng Nai. Tổng lượng dòng chảy của các sông khoảng 830 tỷ m3 đến 840 tỷ m3/năm. Tuy nhiên, tài nguyên nước của Việt Nam bị phụ thuộc nhiều vào nguồn nước ngoại sinh. Các sông, suối xuyên biên giới chuyển vào nước ta lượng nước khoảng 520 tỷ m3 (chiếm khoảng 63%) tổng lượng nước trung bình hằng năm của hệ thống sông. Trong đó, lớn nhất là sông Cửu Long khoảng 450 tỷ m3 (chiếm khoảng 85%) tổng lượng nước từ các sông xuyên biên giới vào nước ta, tiếp đến là sông Hồng khoảng 52 tỷ m3 (chiếm khoảng 10%)… Đáng chú ý, tài nguyên nước mặt của Việt Nam phân bố không đều, khoảng 70% đến 80% lưu lượng nước mùa mưa, chỉ khoảng 20% đến 30% vào mùa khô.

Lưu vực sông Cả, đoạn chảy qua huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. (Ảnh Quang Dũng/Nhân Dân)

Giai đoạn 2016-2020, phần lớn chất lượng nước trên các lưu vực sông lớn như: Lưu vực sông Hồng-Thái Bình, Mã, Vu Gia-Thu Bồn… duy trì ở mức tốt, trong đó tại nhiều sông, đoạn sông, nước sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Kết quả tính toán chỉ số chất lượng nước (WQI) dựa trên kết quả quan trắc trung bình năm giai đoạn 2016-2020 tại chín lưu vực sông cho thấy: Chất lượng môi trường trên các lưu vực sông ở nước ta chủ yếu ở mức “trung bình” đến “tốt”. Cục bộ vẫn còn một số khu vực chất lượng nước ở mức kém. Đáng lo ngại, đối với các điểm nóng về môi trường nước trên các lưu vực sông Hồng-Thái Bình, Cầu, Nhuệ-Đáy, hay trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai vẫn chưa được cải thiện. Cụ thể, lưu vực sông Hồng-Thái Bình, điểm nóng nhất về ô nhiễm chất lượng nước là hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải của các địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương có chiều dài là 200 km.

Những năm gần đây, hệ thống này bị ô nhiễm nghiêm trọng về chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh. Kết quả quan trắc trong năm 2019 của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy: hơn 90% các vị trí quan trắc trên hệ thống có thông số ô nhiễm hữu cơ, chất dinh dưỡng, vi sinh vượt ngưỡng B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Trong đó, mức độ ô nhiễm đặc biệt gia tăng vào mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 12 hằng năm) do hệ thống thủy nông đóng để trữ nước phục vụ tưới tiêu. Nguyên nhân ô nhiễm được xác định là do phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải sinh hoạt, công nghiệp, làng nghề… chưa được xử lý, xả trực tiếp từ các địa phương trong khu vực vào hệ thống. Hệ thống còn phải tiếp nhận nguồn nước từ các sông khác đang rất ô nhiễm chảy vào như: sông Cầu Bây thuộc Hà Nội; các nhánh sông Bần Vũ Xá, sông Đình Dù và kênh Trần Thành Ngọ của tỉnh Hưng Yên…

Ths Phạm Thị Thùy, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; quản lý tài nguyên nước. Cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan về quản lý các nguồn thải và chất lượng môi trường nước bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và hài hòa với luật pháp quốc tế. Cần hoàn thiện quy định về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, nhất là các hành vi vi phạm nghiêm trọng về tài nguyên nước và bảo vệ môi trường nước theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Ngoài ra, ngành tài nguyên nước cần sớm xây dựng nhóm chính sách, công cụ để tính toán được sức chịu tải của môi trường nước sông làm căn cứ cấp phép xả vào các nguồn nước; quy hoạch, phát triển mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia bảo đảm xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo chất lượng môi trường đồng bộ, thống nhất…

Chính quyền các địa phương cần tăng cường biện pháp giám sát, kiểm soát nguồn thải ra các lưu vực sông: Cầu, Nhuệ-sông Đáy, Hồng-Thái Bình, Đồng Nai, Sài Gòn…, và các dòng sông đã bị ô nhiễm trên phạm vi cả nước; chủ động giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành, liên tỉnh, nhất là chương trình phối hợp nhằm kiểm soát ô nhiễm nước sông liên tỉnh vào mùa khô. Trong bảo vệ môi trường nước, cần chú trọng kiểm soát hoạt động gây ô nhiễm môi trường tại các điểm có nguy cơ cao như: Khu vực nuôi trồng thủy sản, khu tiếp nhận nhiều nguồn thải, bến cảng, bến thủy nội địa…

Nguồn: