Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường tiếp tục hành trình điều tra bằng các chuyến đi dài ngày đến các tỉnh Hà Nam và Bắc Ninh, hai địa phương từng rất quyết liệt vào cuộc, xử lý các “tổng kho hành quyết” chim hoang dã đầy tai tiếng.
Bài 1: Chim trời không lối thoát vì lưới mờ, súng săn, loa giả tiếng muôn loài
Tưởng rằng sau khi bị cơ quan chức năng xử phạt, tình trạng buôn bán, tàn sát chim hoang dã ở các tỉnh này sẽ có dấu hiệu thuyên giảm, nhưng thực tế thì lại khác hẳn.
Anh Quốc Anh, người dân sống tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam cho biết: “Nhà tôi thì không ăn thịt chim, nhưng tôi để ý thấy mấy nhà hàng quanh đây khách khứa ra vào đều đặn lắm. Trừ mấy tháng dịch thì tôi không biết vì không được ra khỏi nhà”.
“Lúc Công an đến kiểm tra, tôi vẫn cho giết thịt chim phục vụ thực khách bình thường”
Thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam vốn nổi tiếng với đặc sản “Chim to dần”. Vô số các nhà hàng chim trời mọc lên. Nổi tiếng nhất là thương hiệu Bản Cò và Thứ Cò. Riêng Thứ Cò có thì có rất nhiều nhà hàng “trùng tên”, thành cả một hệ thống nhà hàng “khét tiếng”.
Điều đặc biệt là những nhà hàng này đã từng bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vì buôn bán trái phép các loài chim hoang dã trong cách đây chưa lâu. “Tang vật” là các loài: sâm cầm, le le, trích cồ, sâm sen, cu đất, giang, vạc, cả những con diệc xám to hơn 2kg, cao lừng lững cũng bị hành quyết…
Tuy vậy, các nhà hàng ở đây vẫn “làm ăn” đều đặn. Bước chân vào Bản Cò, phóng viên gặp ngay hai thực khách là cán bộ trong ngành ngân hàng, hai người này chia sẻ rằng về Hà Nam là phải vào đây ăn chim vì quán này nổi tiếng.
Ông Bản, chủ nhà hàng Bản Cò, trên phố Biên Hòa, TP Phủ Lý cũng rất “tự hào” khoe rằng nhà hàng của mình toàn chim tự nhiên Lào về, ở miền Trung, miền Nam chuyển ra. Toàn bộ là chim hoang dã được “tuyển chọn”, chứ không cấp chim nuôi, nếu khách phản ánh, sẽ… mất hết uy tín của ông.
Trong lúc trò chuyện với ông Bản, phóng viên đã chứng kiến tận mắt cảnh một nhân viên ở nhà hàng của ông giết thịt chim cho khách ăn. “Nạn nhân” là một con chim Diệc xám nặng khoảng 2kg. Sau khi bắt chim ra khỏi lồng, nhân viên ở nhà hàng của ông Bản nhanh chóng chuẩn bị một nồi nước sôi, bỏ chim vào trong một cái thau và đổ thẳng nước sôi lên. Để chim khỏi giãy giụa, nhân viên nhà hàng còn dùng một cái chổi để dìm con chim xuống nước mỗi khi nó ngóc đầu lên giãy vì đau đớn. Sau khi tiếng động đã không còn, người nhân viên đó tiếp tục dùng chổi ngoáy cho đến khi những chiếc lông chim cứng nhất rụng ra và để chim chết hẳn.
Chứng kiến một màn giết thịt chim rợn người này cùng với phóng viên, ông Bản tỏ vẻ tự hào trước sự “chuyên nghiệp” của nhân viên nhà mình.
Khi được hỏi về việc từng bị công an kiểm tra trước đây, ông Bản kể lại rằng: “Đấy là tầm năm ngoái, đợt đấy tôi buôn nhiều, nhưng mấy con tôi bán đấy có phải hàng cấm đâu, mấy con đấy không trong danh sách đỏ, mấy con hoang dã tự nhiên ấy mà. Hôm đấy xe đến đây đông, có kiểm tra hết mấy nhà hàng quanh đây nhưng nhà tôi là nhiều nhất. Họ cũng không phạt vì không có gì thì thôi, phạt gì”.
Ông Bản còn tự tin tuyên bố rằng: “Hôm trước bị kiểm tra, ngay hôm sau tôi bán lại luôn, lúc công an, kiểm lâm đến kiểm tra tôi vẫn đang cho nhân viên làm thịt chim cho khách ăn, không làm sao hết. Nếu làm sao (vi phạm) thì nó cho “đi” lâu rồi”.
Không chỉ ông Bản, anh Nghĩa chủ nhà hàng Thứ Cò cũng tự tin nói rằng khách đến đây ăn bình thường không sợ bị kiểm tra vì đã nộp “thuế” rồi. Chủ nhà hàng này còn cho biết rằng: “Thi thoảng cũng có người kiểm tra nhưng xong là thôi. Như kiểu là mình phải nộp “thuế” cho họ. Việc họ đến kiểm tra là mình phải có chứ (“nộp thuế”) không có thì làm sao cho bán, cho làm ăn lĩnh vực này (bán chim trời, vi phạm quy định luật pháp) ở đây được. Tết nhất hầu như lúc nào cũng phải có mặt (“tặng quà”) cho họ, không có mặt là nó mắng chết ngay. Làm cái gì cũng phải có “bao” (bao che, bảo kê) hết chứ, không có bao thì làm sao mà làm được. Hầu như năm nào cũng phải có quà tết (cho họ) một tí”.
Sau đấy, vợ anh Nghĩa còn dẫn chúng tôi lên tầng cao nhất của nhà hàng, vào một căn phòng nơi đặt chứa đủ các loại chim bị nhốt trong các lồng sắt như: sâm cầm, vịt trời, cu đất, cu sen…và khẳng định chim nhà mình đều hoang dã hết, quý khách cứ… “an tâm”.
Những con chim ở đây lúc nào cũng trong tình trạng “mất kiểm soát” chúng giẫm lên nhau kêu gào như thể đang cầu mong một sự cứu vớt từ ai đó…! |
Cũng ngay tại căn phòng này, nhân viên nhà hàng đang giết thịt chim mời khách. Căn phòng bí bách càng khiến mùi máu tanh sực lên nồng nặc, hòa với tiếng của vô số loài chim khiến người ta có cảm giác như lạc vào trong một cuộc tàn sát ở thời Trung cổ.
Phục vụ thực khách, cứ loài nào không có trong “Sách Đỏ” là giết tất
Trong Chỉ thị 29/CT-TTg ngày 23/07/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách trong quản lý động vật hoang dã có nêu rằng: Kiên quyết loại bỏ các khu vực chợ, tụ điểm mua bán động vật hoang dã trái pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật hoang dã trái pháp luật, nhất là động vật hoang dã thuộc lớp thú, chim, bò sát trong môi trường tự nhiên.
Như vậy chỉ cần buôn bán, săn bắt, giết mổ, tiêu thụ chim có nguồn gốc hoang dã, tự nhiên thì đều có thể bị xử phạt theo quy định. Thế nhưng những chủ nhà hàng chim trời mà nhóm phóng viên chúng tôi tiếp cận được có vẻ chưa hiểu rõ điều này, hoặc cũng có thể họ hiểu nhưng vẫn cố tình làm trái vì miếng lời quá lớn mà các hành vi sai phạm kia mang lại. Họ đều khẳng định rằng chim của họ là “hoang dã, tự nhiên” nhưng vẫn ngang nhiên giết thịt chim để mời khách.
Về Bắc Ninh, số lượng nhà hàng chim trời cũng nhiều không kém Hà Nam. Thậm chí người dân ở đây còn nói với chúng tôi rằng: “Về Bắc Ninh tìm nhà hàng chim trời là chuẩn rồi”. Câu nói như một lời khẳng định về độ “trù phú” của các nhà hàng chim trời nơi đây.
Tại nhà hàng chim trời Bình Thảo, có địa chỉ tại phố Nguyễn Đăng Đạo, phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh. Chủ nhà hàng này đã tuyên bố thẳng thắn với phóng viên rằng: “Nhà chị được phép bán hàng thoải mái. Những con chim chị giết bán không nằm trong Sách đỏ. Không bị người ta kiểm tra đâu”.
Thậm chí, để thực khách an tâm hơn, chủ nhà hàng này còn “phân tích” rằng: “Vì sao con Sâm cầm nó rất quý nhưng nhà chị vẫn được bán vì nó là chim phá hoại mùa màng, chim sinh sản nhiều nên vẫn được bán. Không vấn đề gì, nếu có vấn đề gì thì làm sao nhà chị có giấy phép kinh doanh, có hóa đơn đỏ cung cấp cho khách được”.
Bên cạnh những tuyên bố “hùng hồn” của chủ nhà hàng chim trời Bình Thảo, ông Hoa, chủ nhà hàng chim trời A Hoa ở xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cũng cho rằng việc mình buôn bán chim chim hoang dã không có vấn đề gì cả, một ngày nhà hàng của anh ta vẫn… bán đến cả trăm mâm. Mỗi khi khách đến, anh Hoa đều tận tình bày ra đủ loại chim để giới thiệu như sâm cầm, quốc bèo, vịt trời, cu đất… Anh ta khẳng định khi gạ chúng tôi đến ăn: “Nếu có phạt thì nó phạt anh chứ phạt gì các em (thực khách). Thuế nhà nước anh đóng hàng ngày, anh là hộ kinh doanh cá thể, được phép bán hàng, có hóa đơn đỏ đàng hoàng, em thích anh viết hóa đơn đỏ cho em luôn. Bảo tôi bán gì, tôi bán chim, ghi rõ ràng những loại chim gì vào đấy luôn. Tất nhiên thì những ngày mới bán, bên cơ quan chức năng cũng đến kiểm tra. Nhưng họ đến làm “thủ tục” để thu tiền là chính thôi. Khách nhà anh ở đây cũng toàn “cán bộ”, với các chủ đầu tư đến ăn hết”.
Đấy là ngoài đời thực, còn trên thế giới ảo ở Bắc Ninh, nếu nói về buôn bán chim trời nổi tiếng với số lượng lớn thì không thể không nhắc đến tài khoản nổi tiếng mang tên “Tú chim trời BN”. Người này từng bị cơ quan chức năng kiểm tra và xử phạt nghiêm khắc, khi bán hàng vi phạm là số lượng lớn chim trời.
Tại thời điểm kiểm tra, kiểm lâm đã niêm phong nhiều loài chim hoang dã, gồm le le, vạc sống, vạc đông lạnh vô số kể, ước tính hàng chục nghìn con chim sẻ được giao dịch. Chưa kể các loài hoang dã khác nhốt đầy chuồng quây lưới ngoài gốc nhãn, lồng sắt ô mắt cáo và các lồng nhựa vừa nhận hàng về hoặc sắp vận chuyển chim trời đi khắp nơi.
Tuy nhiên, kể từ sau khi bị xử phạt, tịch thu hàng, “công việc kinh doanh” mặt hàng này ở nhà Tú không hề có dấu hiệu dừng lại. Không biết là do Tú bất chấp luật pháp, hay có người bảo kê, nhưng từ khi bị cơ quan chức năng kiểm tra đến nay, Tú vẫn thường xuyên đăng ảnh, video lên mạng xã hội, chào mời khách mua chim với đủ loại chim khác nhau như quốc, đa đa, gà đồng, vạc… với số lượng cực lớn.
Nhưng để gặp được Tú lúc này có vẻ là một việc không dễ dàng. Bởi anh ta càng làm ăn to, càng nhận thức được vi phạm thì càng đề phòng. Chim tự nhiên Tú cũng không nhốt trực tiếp tại nhà như trước mà cất ở những địa điểm khác nhau, xé lẻ về số lượng. Ai gọi thì Tú mới cho người mang đến, còn nếu muốn ăn, Tú sẽ giới thiệu đến nhà hàng để ăn sau khi Tú cung cấp chim hoang dã đến. Tú không cho người lạ đến nhà mình.
Với những tài liệu đã kể trên, chúng ta hoàn toàn có thể đặt câu hỏi rằng: vì sao chế tài xử phạt nghiêm khắc đã có, Chỉ thị của Thủ tướng rất quyết liệt về vấn đề này, nhưng tình trạng buôn bán, giết thịt chim trời vẫn diễn ra ngang nhiên cả trên không gian mạng lẫn ngoài đời thực như vậy? Thậm chí những cơ sở buôn bán chim trời lớn như Bản Cò, Thứ Cò, “Tú chim trời BN”… vẫn có thể tái hoạt động bình thường bất chấp việc đã từng bị kiểm tra xử lý, với những tuyên bố thách thức luật pháp.
Phải chăng chúng ta đã bỏ quên đi những quy định của nhà nước hay có một thế lực vô hình nào đó đang ngấm ngầm “bảo kê” cho những hoạt động tàn sát chim hoang dã, tàn hại môi trường? Nếu đó là sự thật thì điều đáng sợ về một ngày quê hương xứ sở chúng ta sạch bóng chim trời đang đến rất gần. Với sự tàn sát diện rộng, với lối quản lý để cho những kẻ tận diệt thiên nhiên lộng hành như phân tích ở trên, dù không muốn “vơ đũa cả nắm”, chúng tôi vẫn muốn gióng lên thêm một hồi chuông”: nếu không chấn chỉnh kịp thời, chẳng bao lâu nữa, chúng ta dù có hối hận thì cũng đã quá muộn màng. Bởi chuỗi sinh thái của các loài hoang dã là một thể thống nhất, tương hỗ với nhau, mọi đứt gẫy đều có thể cóp tụ dẫn tới các thảm họa thiên nhiên và dịch bệnh kinh hoàng.
Bài 3: Kiến nghị khẩn cấp để bảo vệ các “sứ giả bầu trời”