Vùng sinh thái bắc Trường Sơn được đánh giá là trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam, lưu giữ nhiều nguồn gien rất giá trị cho công tác bảo tồn động vật quý hiếm. Khu vực này được xác định hết sức quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học cho cả khu vực thuộc dãy Trường Sơn.
Thời gian qua các vườn quốc gia, khu bảo tồn ở Nghệ An và Hà Tĩnh không ngừng nỗ lực, khắc phục khó khăn, tăng cường các biện pháp bảo vệ động vật hoang dã, giữ vững hệ sinh thái, góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên.
“Tiếp sức” để động vật “về nhà”
Theo chân Phó Giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) Thái Cảnh Toàn, chúng tôi có mặt tại khu vực tiếp nhận cá thể động vật hoang dã do người dân, đơn vị chức năng bàn giao để chăm sóc, huấn luyện và lấy lại tập tính hoang dã trước khi thả về tự nhiên.
Bên trong khung nhà sắt rộng chừng 50 m2, vốn được thiết kế để trồng thực nghiệm hoa lan, nay được trưng dụng làm nơi chăm sóc, huấn luyện động vật hoang dã. Phó Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật và Hợp tác quốc tế Vườn quốc gia Vũ Quang Trần Ðình Anh chia sẻ: Hiện, chúng tôi đang chăm sóc sáu cá thể khỉ đuôi lợn, khỉ mặt vàng (thuộc nhóm IB), 40 cá thể rùa (nhóm IB, IIB) và một cá thể trăn đất (nhóm IIB). Mặc dù chưa được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực thú y, nhưng thông qua việc tiếp nhận, chăm sóc các cá thể động vật hoang dã trong nhiều năm, anh em đã tích lũy được kinh nghiệm, kỹ năng chăm sóc, chữa trị vết thương cho các loài vật tại đây.
Không những vậy, nhờ làm tốt khâu kiểm tra, đánh giá kỹ lưỡng tình trạng sức khỏe, tập tính hoang dã cho nên việc chăm sóc, huấn luyện được triển khai khá thuận lợi. “Mỗi khi có động vật bị thương nặng do bị dính bẫy hoặc trúng đạn của thợ săn, bên cạnh việc khẩn trương thực hiện các biện pháp hồi sức, tăng sức đề kháng, chúng tôi đã liên hệ với đồng nghiệp ở các trung tâm cứu hộ bảo vệ động vật hoang dã cách thức chữa trị, phác đồ điều trị phù hợp thể trạng của các cá thể”, anh Trần Ðình Anh cho biết thêm.
Cũng theo lãnh đạo Vườn quốc gia Vũ Quang, mặc dù đã nỗ lực học hỏi và nhận được sự hỗ trợ thường xuyên của các đồng nghiệp trên toàn quốc, song đã không ít lần, những “bác sĩ” không chuyên tại đây phải bó tay trước những ca bệnh khó chữa, phải chuyển tuyến đến các trung tâm bảo tồn, cứu hộ động vật hoang dã trên toàn quốc để cứu chữa kịp thời.
Có mặt tại Trung tâm Bảo tồn và Cứu hộ động vật Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An), nơi được coi là “tuyến cuối” trong quá trình cấp cứu, chữa trị động vật hoang dã ở khu vực phía bắc dãy Trường Sơn, chúng tôi được chứng kiến tận mắt những phần việc vừa đòi hỏi tính nhẫn nại, vừa cần kinh nghiệm chuyên sâu tại “bệnh viện” này.
Bác sĩ thú y Nguyễn Tất Hà, người đã gắn bó với việc cứu hộ động vật hoang dã suốt 18 năm qua cho biết: Ðộng vật cũng như con người, mỗi khi bị thương nó rất đau, biểu hiện cũng khác nhau, có cá thể thì hung hãn, sẵn sàng phản ứng với con người; có những cá thể thì mê man từ ngày này qua ngày khác. Ðể chăm sóc động vật bị thương thì luôn có phác đồ cấp cứu, điều trị đòi hỏi khẩn trương, tỉ mẩn như một ca cấp cứu người bệnh. Tuy nhiên điểm khác ở đây nằm ở chỗ, trong quá trình giành giật sự sống cho động vật, nhiều con vật rất hung dữ, chỉ một giây chủ quan, sơ suất thì có thể sẽ bị chính “bệnh nhân” của mình tấn công. “Trước mỗi lần cấp cứu các cá thể hoang dã, tôi luôn nhìn vào vết sẹo ở tay phải để nhắc nhở mình thực hiện triệt để các biện pháp bảo hộ, ngăn ngừa”, bác sĩ Hà khẳng định.
Phó Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát Lưu Trung Kiên cho biết, đã xây dựng bộ khung, bố trí đủ cán bộ chuyên môn hình thành nên Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Pù Mát. “Suốt 18 năm qua chúng tôi đã tiếp nhận, chữa trị, huấn luyện tạo tập tính hoang dã cho hàng nghìn cá thể động vật. Thông thường, sau vài ba tháng các cá thể được chăm sóc, huấn luyện sẽ được thả về môi trường tự nhiên, nhưng cũng có không ít trường hợp phải chăm sóc hàng năm trời mới có thể thích ứng với môi trường tự nhiên được. Tại Vườn Quốc gia Pù Mát hiện có hai con gấu, bốn con vượn và một số loài khác đang phải nuôi nhốt lâu ngày trong lồng sắt bởi các cá thể này đã mất đi bản năng hoang dã, không tương tác được với nhau nên chúng tôi đang chăm sóc, huấn luyện đặc biệt để các cá thể từng bước thích ứng với môi trường tự nhiên”.
Theo chia sẻ của các cán bộ đang thực hiện công tác cứu hộ động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Vũ Quang, Pù Mát và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, dù công việc rất vất vả, đối diện với nhiều hiểm nguy nhưng niềm hạnh phúc lớn nhất đối với họ chính là niềm vui sau mỗi lần các cá thể hoang dã được về với thiên nhiên để sinh tồn, bảo vệ nòi giống. Càng quý hơn nữa, khi hoạt động cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã ngày càng tạo được sự lan tỏa, được xã hội quan tâm. Hàng nghìn cá thể động vật hoang dã được người dân phát hiện, giải cứu và trao tặng để tái nhập, thả vào môi trường tự nhiên trong những năm qua phản ánh bước tiến lớn trong nhận thức, trách nhiệm bảo vệ động vật hoang dã của người dân.
Cộng đồng cùng chung tay
Phó Giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang Thái Cảnh Toàn cho biết, ngoài nhiệm vụ bảo vệ, tiếp nhận, chăm sóc động vật hoang dã, thời gian qua đơn vị đã tích cực phối hợp với các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước tiến hành điều tra, nghiên cứu đa dạng sinh học và bảo tồn tại khu vực, từ đó chủ động xây dựng các phương án bảo tồn tính đa dạng sinh học.
Theo số liệu cho thấy, trong thế kỷ 20, cả thế giới phát hiện năm loài thú lớn thì đã có hai loài (sao la, mang lớn) được phát hiện tại Vườn quốc gia Vũ Quang. Qua khảo sát của các nhà khoa học, Vườn quốc gia Vũ Quang là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm như: Hổ, sao la, bò tót, voi, mang lớn, chà vá chân nâu… Phó Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát Lưu Trung Kiên cho biết thêm, xét về lĩnh vực bảo tồn loài, Pù Mát chẳng những là một khu tầm cỡ quốc gia mà còn có giá trị cho cả Lào và Ðông Dương.
Ðiều đặc biệt quan trọng là quần thể một số loài chim và thú đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt ở Việt Nam và trên thế giới vẫn còn khả năng bảo tồn phát triển nếu Pù Mát được quản lý và bảo vệ tốt, đó là các loài voi, hổ, sao la, bò tót, mang Trường Sơn, thỏ vằn, cầy vằn, gấu chó, gấu ngựa, trĩ sao. Giá trị dự trữ sinh quyển, tính đa dạng của Pù Mát càng cao thì yêu cầu, trách nhiệm của những người làm công tác quản lý, bảo tồn càng lớn.
Ông Lưu Trung Kiên chia sẻ, mặc dù nhiệm vụ bảo tồn tính đa dạng sinh học đòi hỏi rất cao, nhưng nhân lực thực hiện nhiệm vụ tại Vườn quốc gia Pù Mát rất mỏng, tính ra một cán bộ phải chịu trách nhiệm quản lý, tuần tra, bảo vệ hơn 1.300 ha rừng. Cùng với đó, ngoài 215 km đường biên tiếp giáp với khu vực bên ngoài, hiện nay trong khu vực vùng lõi của Pù Mát đang có sự hiện diện của hai bản đồng bào người Ðan Lai của xã Môn Sơn (Con Cuông) với hàng trăm hộ gia đình đang sinh sống tại đây. Sinh kế của người dân hiện đang khó khăn nên khó tránh khỏi việc bà con khai thác, săn bắn thú rừng.
Theo anh Nguyễn Hữu Trung, điều phối nhóm chuyên trách bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Pù Mát (thuộc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam), so với những năm trước đây, người đi săn thú rừng đặt bẫy rất tinh vi, từ công khai họ chuyển sang ngụy trang, không làm theo luồng cố định mà chuyển theo các điểm lẻ, chỉ để lại ký hiệu trên các tán lá, cành cây. Vì vậy chúng tôi phải mở rộng phạm vi tìm kiếm, luồn sâu hàng chục ki-lô-mét đường rừng để tuần tra bảo vệ rừng, tháo gỡ bẫy thú, xử lý vi phạm về lâm luật.
Hiện nay, ngoài 72 cán bộ kiểm lâm của vườn thường xuyên thực thi nhiệm vụ tại các khu vực được giao, quá trình bảo vệ rừng tại Pù Mát còn nhận được sự trợ giúp của Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam, Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế thông qua hoạt động cứu hộ động vật, nghiên cứu khoa học và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật của các tổ bảo vệ rừng cộng đồng. Nhờ đó, các vùng bảo vệ đặc biệt có sự phân bố tập trung của các loài động vật đã được bảo vệ nghiêm ngặt, trở thành vùng không săn bắt, bảo đảm môi trường sống an toàn cao cho các loài động vật. Hoạt động khai thác gỗ vì mục đích thương mại đã được ngăn chặn. Tình trạng đặt bẫy bắt động vật hoang dã đã giảm hẳn so trước đây.