UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện rà soát, lập danh sách và đề xuất biện pháp xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn Thành phố (đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục) khẩn trương lập kế hoạch triển khai các biện pháp xử lý triệt để; triển khai ngay các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong thời gian thực hiện xử lý triệt để.
Bên cạnh đó, UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện công khai thông tin về các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên các phương tiện thông tin đại chúng của Thành phố.
Đồng thời phối hợp với Công an Thành phố, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp và UBND các quận, huyện có kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ngăn chặn tình trạng phát sinh mới trên địa bàn Thành phố…
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2002, UBND TP.Hồ Chí Minh đã có chủ trương di dời 1.402 cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khu vực ngoại thành và vùng phụ cận, đến nay phần lớn các cơ sở đã được di dời.
Ngoài việc di dời 1.402 cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra ngoại thành và các vùng phụ cận, theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ, tại TP.Hồ Chí Minh có 37 doanh nghiệp phải thực hiện xử lý ô nhiễm triệt để.
Tuy nhiên từ năm 2003 đến nay TP. Hồ Chí Minh mới di dời, cho ngừng hoạt động và khắc phục ô nhiễm đối với 35 cơ sở. Còn 2 cơ sở chưa di dời được là Nhà máy Đóng tàu Ba Son và Nhà máy Xi măng Hà Tiên.
Từ nay đến năm 2015, TPHCM đặt trọng tâm vào việc giải quyết ba vấn đề đang cấp thiết của thành phố, đó là xử lý rác, xử lý nước thải và giải quyết vấn đề ô nhiễm trên các kênh, rạch hiện nay.