Trong thế giới động vật, con đực thường chiếm ưu thế nắm quyền thủ lĩnh. Tuy nhiên điều này không đúng ở bảy loài động vật có vú sau (không bao gồm con người). Con cái của bảy loài này có vai trò lãnh đạo trong các cuộc xung đột, kiếm ăn hoặc di cư. Đây là kết luận đưa ra trong một nghiên cứu về khả năng cầm quyền của con cái ở các loài động vật có vú. Nghiên cứu do Tiến sĩ Jennifer Smith, Chủ nhiệm Khoa Sinh học, Đại học Mills College, California và các đồng nghiệp thực hiện, đăng tải trên Tạp chí Leadership Quarterly mới đây.
Con cái của bảy loài này có những đặc điểm cho thấy hoàn toàn phù hợp với khả năng nắm quyền cai trị như: thể chất mạnh hơn con đực, sống lâu hoặc dành phần lớn cuộc đời ở một vùng lãnh thổ và hình thành mối liên kết xã hội bền chặt với những con cái khác.
Tiến sĩ Smith cho biết: “Ở những loài này, các con cái liên kết với nhau và ảnh hưởng đến cấu trúc xã hội của chúng thông qua việc chỉ đạo thu thập thức ăn, trong các cuộc tranh đấu, hay việc quyết định điểm di chuyển và sở hữu vốn kiến thức bản địa hữu ích của mình cho việc tìm kiếm thức ăn.”
Sư tử châu Phi
Mặc dù được mệnh danh là “chúa tể rừng xanh”, song sư tử châu Phi lại có con cái làm đầu đàn. Sư tử cái sống trong một khu vực từ khi sinh ra, nên chúng biết nơi để tìm những hố nước và bãi săn tốt nhất. Các con cái cũng hợp tác trong các cuộc đi săn, bảo vệ lãnh thổ của chúng khỏi các bầy sư tử khác xâm chiếm và bảo vệ đàn con trước mối nguy từ các con đực trưởng thành.
Linh cẩu đốm
Ở các thảo nguyên tại châu Phi, linh cẩu đốm cái giữ vai trò thống trị trong đàn. Linh cẩu đốm cái có kích thước lớn hơn con đực và có vai trò chỉ huy trong các cuộc xung đột với động vật ăn thịt hoặc với các đàn linh cẩu đốm khác. Tiến sĩ Smith cho hay: “Những con cái trưởng thành luôn ở tuyến đầu trong các trận chiến.”
Voi châu Phi
Vai trò lãnh đạo không phải lúc nào cũng thể hiện trong các cuộc chiến. Voi châu Phi sống lâu và các voi cái đầu đàn tồn tại xuyên suốt nhiều thế hệ. Điều này giúp chúng có nhiều kinh nghiệm để dẫn đàn đến nguồn thức ăn tiềm năng.
Cá voi sát thủ
Cá voi sát thủ cái là một trong số ít sinh vật đại dương sống tới 90 tuổi mà không rời khỏi nơi mình sinh ra. Vì vậy, các cá voi sát thủ đầu đàn cái tích trữ kiến thức quý giá về vị trí của các vùng nước có nhiều cá hồi – nguồn thức ăn ưa thích của loài này.
Vượn cáo
Có hai loài vượn cáo có con cái đầu đàn là vượn cáo đuôi vòng và vượn cáo cổ khoang đen trắng. Ở hai loài này, con cái thường có vai trò giữ hòa bình trong thuộc địa và dẫn đầu trong các cuộc tranh đấu với các thuộc địa khác. Những con cái trưởng thành tuy có kích thước tương đương con đực, nhưng lại liên tục giành chiến thắng trong cuộc đối đầu một chọi một với con đực.
Khỉ Bonobo
Khỉ Bonobo là một trong những họ hàng gần nhất của chúng ta. Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Smith cho biết, những con khỉ cái giúp giải quyết xung đột nội bộ bằng cách dùng tay hoặc chân để chạm vào bộ phận sinh dục của cá nhân bị kích động để làm nó giảm căng thẳng. Điều này khiến chúng ta nghĩ những con khỉ cái Bonobo lãnh đạo bằng giải pháp tình cảm hơn là bạo lực. Tuy nhiên, theo chuyên gia Amy Parish (Đại học Nam California), sự thật là những con khỉ cái Bonobo có thể khiến con đực bị thương nặng để giữ quyền kiểm soát.
Ngoài các loài kể trên, thực tế có thể vẫn có một số loài động vật khác theo chế độ mẫu hệ, nếu có những nghiên cứu sâu hơn chúng ta có thể tìm ra những loài này. Chẳng hạn như, Tiến sĩ Smith và cộng sự của cô thấy rằng, những đàn chuột dũi trụi lông cũng có con đầu đàn là con cái. Chuột dũi trụi lông cái đầu đàn và các con cái họ hàng có thể tranh giành thuộc địa, nhưng hiện tại nhóm nghiên cứu vẫn đang thiếu dữ liệu về vai trò của con cái trong việc giải quyết xung đột, từ đó mới có thể chính thức xác định loài động vật có vú này có theo chế độ mẫu quyền hay không.
Ánh Nguyệt (Theo Newscientist.com)