Ô nhiễm nguồn nước, hủy hoại đất canh tác, phá hủy môi sinh… vấn nạn vàng tặc ở Lai Châu lên mức báo động. Ai chịu trách nhiệm trong buông lỏng quản lý tài nguyên?
Tái diễn nạn khai thác vàng trái phép
Tình trạng lỏng lẻo trong quản lý tài nguyên của tỉnh Lai Châu đã diễn ra trong thời gian dài. Song không hiểu vì lý do nào, đến nay vẫn tồn tại như một sự thách thức dư luận đặc biệt là vấn nạn vàng tặc bùng phát ở nhiều địa phương.
Sau khi có thông tin phản ánh của người dân, cơ quan chức năng vào cuộc rầm rộ dẹp bỏ. Thế nhưng, sau tất cả… đâu vẫn hoàn đấy, thậm chí vàng tặc còn hoạt động mạnh mẽ, lộ liễu hơn.
Tháng 12/2021, khi người dân thông tin về nạn vàng tặc, PV cũng đã có buổi làm việc với UBND huyện Mường Tè (Lai Châu). Tuy nhiên, bất ngờ là phía huyện cũng vừa ra quân xử lý các điểm nóng về nạn vàng tặc xảy ra tại địa phương và đồng thời cung cấp cho PV thông tin “Kết quả kiểm tra, giải tỏa khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực Nậm Kha Á giáp ranh các xã Mù Cả, Tà Tổng, Nậm Khao và khu vực đầu suối Nậm Suổng, xã Vàng San”.
Theo ông Vũ Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, đoàn liên ngành tham gia giải tỏa gồm 30 người đã tháo dỡ hàng chục lán trại, phát hiện, xử lý nhiều máy nổ, máy nghiền đá, phát điện, bể ủ quặng bằng hóa chất… của các đối tượng khai thác vàng trái phép tại các điểm nóng nêu.
Thế nhưng, ngày 31/1/2022, chính tại bản Pắc Pạ, xã Vàng San (huyện Mường Tè) tiếp tục xảy ra việc khai thác vàng trái phép tại suối Nậm Nhọ chảy qua bản này không có sự can thiệp, ngăn chặn của cơ quan chức năng.
Táo tợn hơn là hiện tượng, dân làm vàng mua đất nông nghiệp để khai thác trái phép. Thế nhưng, có lẽ chính quyền coi đây như là chuyện đã rồi, diễn ra từ lâu… nên có tình trạng sau một thời gian, chủ mới quay lại để móc vàng từ lòng đất lên.
Ông Đao Văn Dân, người bản Pắc Pạ cho biết, mảnh đất hơn 3.000m2 của gia đình đã được bán từ năm 2007. Sau đó, họ vào khai thác vàng rồi chuyển cho mấy chủ, giờ tan tành hết cả. Tết năm nay họ cũng vào làm mấy ngày, không rõ họ có làm được nhiều hay không?
Ghi nhận tại một số địa điểm khác của xã Vàng San cũng xảy ra tình trạng bới móc vàng tương tự.
Cho đến nay, các bưởng vàng bán đi, bán lại cho nhau đến giờ người dân cũng không biết ai là chủ thực sự của những mảnh đất như vậy.
Ai chịu trách nhiệm buông lỏng quản lý tài nguyên?
Để làm rõ hơn vấn nạn vàng tặc đang diễn ra tràn lan ở Lai Châu mà không bị dẹp bỏ bởi các đợt ra quân… mang tính chất phong trào, PV Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có loạt 2 phóng sự điều tra về vấn đề này tại huyện Mường Tè và Phong Thổ. Nhức nhối nhất là hoạt động khai thác vàng trái phép có tổ chức, quy mô, bài bản hơn… chứ không phải những người dân nghèo đi mót vàng mưu sinh.
Đặc biệt, tại bản Nậm Suổng, xã Vàng San (huyện Mường Tè) hoạt động khai thác vàng trái phép huy động được nhiều dân bản tham gia vào khâu tiếp vận dầu, thực phẩm cho mỏ. Hoạt động khai thác ở đây sôi động như chảy hội, phu vàng thay phiên làm việc suốt ngày đêm.
Thế nhưng, không hiểu vì sao chính quyền địa phương vẫn không hay? Có phải các đối tượng làm vàng có thể dễ dàng qua mắt cơ quan chức năng đến như vậy hay họ có những bùa chú chỉ người trong cuộc mới biết và liệu rằng những đợt ra quân trấn áp vằng tặc chỉ để “làm màu” và báo cáo cấp trên?
Tại huyện Phong Thổ (Lai Châu), hoạt động khai thác vàng trái phép diễn ra công khai ngay sát quốc lộ 12 đoạn qua địa phận bản Nậm Cáy, xã Hoang Thèn. Không chỉ sử dụng máy xúc với gầu múc cỡ lớn mà còn công việc khai thác vàng trái phép được chia ca, kíp… ngày, đêm.
Ngày 3/11/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải ký ban hành văn bản số 3565 về việc “tiếp tục đôn đốc, chấn chỉnh, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh”.
Trong văn bản nhấn mạnh, thực hiện kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan thuộc thẩm quyền quản lý nếu để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; đặc biệt tại các khu vực, vị trí đã thực hiện giải tỏa nhưng còn tái diễn khai thác khoáng sản trái phép phức tạp, kéo dài…
Địa bàn huyện, thành phố nào để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép hoặc đã có báo cáo UBND tỉnh, cấp có thẩm quyền đã xử lý, giải tỏa, không còn hiện tượng khai thác trái phép mà các cơ quan chức năng tỉnh, các cơ quan báo chí, truyền thông, người dân phản ánh, đưa tin vẫn còn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép (có bằng chứng cụ thể) thì Chủ tịch UBND huyện, thành phố đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật.
Trước những thông tin Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh trong loạt phóng sự điều tra, dư luận đang chờ đợi sự vào cuộc quyết liệt hơn từ UBND tỉnh Lai Châu trong việc “nói phải đi đôi với làm”.
Liệu rằng văn bản 3565 đến nay có còn hiệu lực? Cá nhân, tập thể nào sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc buông lỏng quản lý tài nguyên, để môi sinh bị hủy hoại đó là chưa nói đến việc thất thu thuế khai thác tài nguyên khoáng sản của địa phương…
Vấn nạn vàng tặc nói riêng và khai thác trái phép các loại khoáng sản nói chung ở Lai Châu đã diễn ra từ lâu, trong thời gian dài, nhức nhối dư luận nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm để xảy ra tình trạng này? |