Quy hoạch Điện VIII phải bám sát định hướng của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các Nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội và cam kết của Việt Nam tại COP26.
Sớm phê duyệt Quy hoạch trong tháng 4
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương hoàn thiện Quy hoạch điện VIII để sớm tổ chức hội nghị với các địa phương và phê duyệt nội dung này trong tháng 4.
Trong bối cảnh địa chính trị và địa kinh tế trên thế giới có nhiều biến động, xu thế chuyển dịch sang nguồn năng lượng xanh, sạch diễn ra mạnh mẽ sau COP26 và thực tiễn phát triển rất nhanh của khoa học công nghệ, giao Bộ Công Thương bám sát tinh thần chỉ đạo tất cả vì mục tiêu chung, phát triển bền vững đất nước, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết để tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch điện VIII.
Theo đó, Quy hoạch điện VIII phải bám sát định hướng của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới và cam kết của Việt Nam tại COP26.
Đồng thời, nâng cao tính tự chủ của ngành năng lượng, giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc và nước ngoài. Việc này liên quan trực tiếp đến quan điểm khai thác tối đa và hợp lý nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp trong nước cho sản xuất điện như nguồn khí tự nhiên, năng lượng gió, mặt trời, sóng biển… và cân đối sử dụng nguồn LNG nhập khẩu hợp lý.
Bộ Công Thương cần phân tích kỹ hiện trạng các nguồn năng lượng từ rẻ nhất đến đắt nhất và nghiên cứu xu thế trong thời gian tới. Xác định ưu tiên phát triển nguồn năng lượng nào trong từng thời kỳ quy hoạch để có hiệu quả kinh tế chung tốt nhất, gắn với việc bảo đảm an toàn, ổn định của hệ thống điện vùng, miền, quốc gia. Trên cơ sở đó, đề xuất xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp để tổ chức thực hiện, vừa kế thừa hợp lý, hiệu quả các nội dung của Quy hoạch thời kỳ trước, đồng thời nghiên cứu, kiên quyết điều chỉnh đối với các nội dung chưa sát với thực tiễn.
Ngoài ra, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương phải dự báo được tình hình trong nước, ngoài nước tác động như thế nào đến phát triển của ngành năng lượng, ngành điện trong thời gian tới để xây dựng được Quy hoạch điện VIII sát thực tiễn và hiệu quả nhất.
Đồng thời, phân tích toàn diện về địa chính trị, địa kinh tế và xu thế phát triển của khoa học, công nghệ, đánh giá về giá cả năng lượng, bảo vệ môi trường… Cân đối cung – cầu theo vùng, miền và toàn hệ thống điện quốc gia phải tối ưu nhất, cơ cấu nguồn điện hợp lý và hiệu quả kinh tế chung cao nhất, giảm truyền tải điện xa và giảm đầu tư lưới truyền tải liên vùng.
Về mặt số liệu, yêu cầu chung về số liệu của quy hoạch phải có độ chính xác cao nhất và có sự thống nhất trong tính toán Quy hoạch điện VIII với quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và các quy hoạch ngành quốc gia khác có liên quan.
Quy hoạch điện VIII phải được hoàn thiện theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch, bảo đảm phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia; phải xây dựng tiêu chí xác định các dự án quan trọng, ưu tiên từng thời kỳ bảo đảm minh bạch, hiệu quả; cần lấy thêm ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học và tham vấn ý kiến của một số tổ chức quốc tế có uy tín quan tâm.
Vì sao Quy hoạch điện VIII vẫn chưa được phê duyệt?
Quy hoạch phát triển điện lực là một trong 5 quy hoạch ngành quốc gia thuộc nhiệm vụ do Bộ Công Thương phụ trách nhằm thực hiện Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn. Nhưng đến nay, quy hoạch này vẫn chưa được phê duyệt, chậm tiến độ so với quy định, vì còn nhiều vấn đề cần bàn thêm, trong đó có việc tiếp thu các nội dung cam kết tại COP26, cân đối giữa các nguồn điện.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai nhấn mạnh, việc lập Quy hoạch điện VIII là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Tại phiên giải trình về an ninh năng lượng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đặt ra vấn đề cần phải sớm hoàn thiện Quy hoạch điện VIII bởi nhu cầu điện cho sinh hoạt và sản xuất, phục vụ phát triển kinh tế ngày càng tăng.
“Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết đưa phát thải ròng của Việt Nam bằng 0. Đây là nội dung cần phải được thể hiện trong Quy hoạch điện hướng tới phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và bền vững. Đây cũng chính là nội dung được Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Như vậy, những nội dung yêu cầu này sẽ được thể hiện như thế nào trong Quy hoạch điện VIII”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai đặt vấn đề.
Một vấn đề khác cần được quan tâm là tình trạng nhiều địa phương xin bổ sung dự án điện vào quy hoạch, nhất là các địa phương có tiềm năng về điện gió, điện mặt trời. Trong khi đó, thời gian qua, sự phát triển nóng của các dự án điện gió, điện mặt trời nhưng hệ thống truyền tải điện bị quá tải. Bên cạnh việc xã hội hóa việc đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện còn cần những giải pháp nào để đồng bộ với quy hoạch và triển khai các dự án nguồn và lưới điện để không quá tải, không lãng phí lượng điện sản xuất được.
Chỉ ra thiếu sót trong việc chậm trễ lập các quy hoạch ngành quốc gia được giao đối với ngành công thương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải lưu ý, hậu quả của việc chậm tiến độ lập, ban hành quy hoạch không khó thấy, vì ngay với Quy hoạch điện VIII đến nay chưa được phê duyệt, thì trong năm 2019, 2020 với ưu đãi giá FIT cho điện tái tạo, trên cả nước đã có 137 nhà máy điện mặt trời, điện gió được đưa vào sử dụng. Nguồn điện tạo ra lớn như vậy nhưng hệ thống truyền tải không có đã gây bức xúc cho nhà đầu tư và người dân, nhất là trong những đợt thiếu điện. Hơn nữa, qua tiếp nhận phản ánh, ông Trần Văn Khải cho biết, do chưa có Quy hoạch điện VIII nên điều chỉnh so với Quy hoạch Điện VII rất nhiều, khiến một số chuyên gia phải cảnh báo “chưa có quy hoạch là mảnh đất màu mỡ cho nhóm lợi ích có thể tùy tiện điều chỉnh”.
Từ góc độ của cơ quan thẩm định các quy hoạch ngành quốc gia, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ với ngành công thương và cho rằng, nếu làm quy hoạch khung định hướng với Quy hoạch điện VIII thì ngay với định mức dự kiến điện gió hiện nay thì chỉ hai tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận đã có thể hút hết dự án. Quy hoạch định hướng như vậy cũng có thể tạo ra một cuộc chạy đua cực kỳ khốc liệt giữa các địa phương, tỉnh nào đi trước sẽ thắng, giành một phần công suất sẽ tác động rất lớn đến tăng trưởng của địa phương.
“Đây là hạn chế của quy hoạch định hướng nhưng nếu quy hoạch chi tiết đến từng danh mục thì khâu tính toán của Bộ Công Thương sẽ rất nặng nề. Do đó, các nội dung của Quy hoạch điện VIII còn cần bàn bạc, rà soát kỹ lưỡng”. |