Áp dụng quy tắc phòng Covid giúp ngăn bệnh đường hô hấp ở khỉ đột

Theo các nhà bảo tồn, các biện pháp nghiêm ngặt phòng chống COVID-19 được áp dụng cho khỉ đột núi sẽ tiếp tục được thực hiện ngay cả khi đại dịch qua đi do đã giảm đáng kể tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp ở loài này tại một vườn quốc gia ở Rwanda.

Nhiễm trùng đường hô hấp ở khỉ đột núi (Gorilla beringei beringei) trong Vườn quốc gia Volcanoes đã giảm từ mức trung bình 5,4 vụ bùng phát giữa các nhóm gia đình mỗi năm từ tháng 1 năm 2015 đến tháng 2 năm 2020, xuống chỉ còn 1,6 vụ mỗi năm sau khi bắt đầu đại dịch vào tháng 3 năm 2020. Thống kê trên được ghi nhận bởi Tổ chức Gorilla Doctors – hoạt động với mục tiêu bảo vệ hai phân loài khỉ đột miền đông – khỉ đột núi và khỉ đột đất thấp phía đông (Gorilla beringei graueri) ở Rwanda, Uganda và Cộng hòa Dân chủ Congo. Con số này tương quan với sự sụt giảm số lượng khách du lịch đến thăm công viên và các hướng dẫn nghiêm ngặt hơn trong quá trình tham quan khỉ đột.

Vườn quốc gia Volcanoes đã đóng cửa vào tháng 3 năm 2020 khi COVID-19 lan rộng trên toàn cầu. Sau khi mở cửa trở lại ba tháng sau đó, khách tham quan phải đeo khẩu trang và duy trì khoảng cách ít nhất 10 mét với khỉ đột, tăng thêm 3m so với trước đại dịch. Trước đây du khách đến vườn quốc gia không bắt buộc phải đeo khẩu trang.

Khi Vườn quốc gia Volcanoes mở cửa trở lại ba tháng sau khi tạm đóng, khách tham quan phải đeo khẩu trang và duy trì khoảng cách ít nhất 10m với khỉ đột. (Ảnh: Peter Prokosch).

Giám đốc Gorilla Doctors – Kirsten Gilardi và Prosper Uwingeli – giám đốc Vườn quốc gia Volcanoes chia sẻ: “Khi biến thể virus Omicron gia tăng và hoạt động du lịch hoạt động trở lại, chúng tôi chú trọng duy trì thực hiện các biện pháp phòng ngừa tuyệt đối để giảm thiểu việc truyền bệnh từ người sang loài vượn lớn. Vì có quan hệ di truyền rất gần gũi, loài vượn lớn rất dễ bị lây nhiễm mầm bệnh từ con người. Nếu chúng ta tương tác với chúng trong môi trường hoang dã, chúng ta thực sự có nghĩa vụ phải thực hiện những quy tắc cơ bản về phòng chống lây truyền dịch bệnh hiệu quả.”

Mặc dù chưa phát hiện virus SARS-CoV-2 gây ra COVID-19 trên khỉ đột núi sống hoang dã ở bất kỳ quốc gia nào trong số ba tiểu bang ở Đông Phi, nhưng nó đã được phát hiện có thể truyền từ người sang Khỉ đột đất thấp phía Tây (Gorilla gorilla gorilla) bị nuôi nhốt trong các vườn thú ở Mỹ và Cộng hòa Séc.

Các đợt bùng phát bệnh đường hô hấp, trong một số trường hợp có nguồn gốc từ con người, là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở khỉ đột núi sau “chấn thương” – những tổn thương mà chúng có thể gặp phải từ những con khỉ đột khác hoặc từ bẫy của những kẻ săn trộm.

Sự lây truyền virus hợp bào hô hấp từ người sang khỉ đột bị nghi ngờ là nguyên nhân gây ra cái chết của hai con khỉ đột trong một đợt bùng phát dịch bệnh ở Rwanda vào năm 2009. Một bài báo năm 2020 do Gilardi đồng tác giả đã báo cáo rằng virus ở người được tìm thấy trong các mẫu phân thu thập từ khỉ đột bị nhiễm trùng đường hô hấp trong các đợt bùng phát từ năm 2012 đến năm 2013.

Gladys Kalema-Zikusoka – giám đốc tổ chức phi chính phủ Uganda, tổ chức Bảo tồn Thông qua Sức khỏe Cộng đồng cho biết: “Đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách và giữ gìn sức khỏe trong quá trình tham quan nên trở thành tiêu chuẩn mới cho du lịch tham quan loài vượn lớn. Có nhiều bệnh truyền nhiễm khác ngoài COVID. Những quy định này nên được duy trì ngay cả khi đại dịch kết thúc. Những cá thể vượn lớn rất dễ mắc các bệnh hô hấp khác.”

Hiện nay, lượng đăng ký tour du lịch tham quan khỉ độ do Uganda cung cấp đang dao động từ 30 đến 50% công suất. Khi du lịch phát triển, nguy cơ truyền bệnh từ người sang khỉ đột cũng tăng lên. Nhưng Kalema-Zikusoka cho biết khách du lịch hiện sẵn sàng tuân theo các hướng dẫn tham quan vượn lớn nghiêm ngặt hơn.

Một cá thể khỉ đột núi và con ở Vườn quốc gia Bwindi Impenetrable, Uganda. Sự gia tăng quần thể khỉ đột là nhờ một phần không nhỏ vào du lịch, mang lại nguồn thu để chi trả cho việc bảo vệ các khu bảo tồn và thiên nhiên hoang dã. (Ảnh: Ralph Earlandson).

Ước tính có khoảng 1.063 cá thể khỉ đột núi sinh sống giữa Rwanda, Uganda và DRC. Con số này tăng từ khoảng 250 cá thể vào những năm 1980. Hơn 70% các loài động vật quen với việc ở gần con người.

Du lịch đã đem lại nguồn thu để chi trả cho việc bảo vệ các khu bảo tồn và thiên nhiên hoang dã, góp phần không nhỏ vào quá trình gia tăng quần thể khỉ đột.

Gilardi cho biết việc khỉ đột chấp nhận tiếp xúc với con người cũng cho phép đội thú y của tổ chức cô thực hiện công việc chăm sóc y tế dễ dàng hơn. Gilardi cho biết: “Việc chăm sóc thú y cho từng cá thể khỉ đột được chứng minh là một yếu tố quan trọng trong tốc độ gia tăng quần thể hàng năm của khỉ đột núi. Dù việc tiếp cận với con người là con dao hai lưỡi nhưng hoạt động du lịch tham quan khỉ đột đã giúp loài khỉ đột núi thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng.”

Thùy Dung (Theo Mongabay)

Nguồn: