Vùng Sừng châu Phi đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất kể từ năm 1981 và nguồn viện trợ thiếu hụt đang khiến cuộc sống của hàng triệu người Somalia thuộc vùng này gặp nguy hiểm.
1,4 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng
Bên cạnh nhiều thập kỷ xung đột, các cú sốc về khí hậu tái diễn và bùng phát dịch bệnh, bao gồm cả tác động của đại dịch Covid-19, tình hình nhân đạo ở Somalia đã trở nên nghiêm trọng. Ngay cả trước đợt hạn hán hiện tại, ước tính khoảng 7,7 triệu người Somalia cần được hỗ trợ và bảo vệ nhân đạo trong năm nay – tăng 30% trong một năm.
Tình trạng hạn hán hiện nay khiến mùa màng thất bát và gia súc chết vì thiếu nước và đồng cỏ, làm mất đi nguồn thu nhập duy nhất của nhiều cộng đồng gắn với nghề chăn nuôi.
Theo Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA), Somalia hiện là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng bởi hạn hán nghiêm trọng nhất ở vùng Sừng châu Phi. Khoảng 4,5 triệu người Somalia bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hạn hán và khoảng 700.000 người đã phải di dời.
Điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Somalia, ông Adam Abdelmoula cho biết: “Somalia đã trải qua 3 mùa mưa với lượng mưa rất thấp. Mùa mưa thứ 4, dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 4 và kéo dài đến tháng 6 năm nay, cũng được dự đoán là dưới mức trung bình. Nếu điều đó xảy ra, chúng ta đang đứng trước nguy cơ xảy ra nạn đói”.
Ông Abdelmoula nhấn mạnh, hiện nay, 1,4 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng và nếu LHQ không đẩy mạnh công tác hỗ trợ và can thiệp, dự báo 350.000 trẻ em trong số đó sẽ thiệt mạng vào mùa hè năm nay. Vì vậy, ông kêu gọi tất cả những người có khả năng đóng góp, bao gồm cộng đồng người Somali, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà tài trợ lâu năm cũng như nhà tài trợ mới, tất cả mọi người, hãy hành động ngay bây giờ.
Liên Hợp Quốc và các đối tác tăng cường hỗ trợ nhân đạo
LHQ và các đối tác đã tham gia tích cực vào công tác hỗ trợ nhân đạo. Vào tháng 2/2022, họ đã tiếp cận được 1,6 triệu người cần sự trợ giúp, trong khi các nhà chức trách liên bang của Somalia đang kêu gọi thêm quỹ để hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.
Trong Kế hoạch Ứng phó Nhân đạo Somalia năm 2022, LHQ tìm kiếm gần 1,5 tỷ USD để hỗ trợ nhân đạo cho 5,5 triệu người dễ bị tổn thương nhất của đất nước, bao gồm 1,6 triệu người di cư nội địa (IDP), 3,9 triệu người không di cư nội địa và người khuyết tật. Tuy nhiên, cho đến nay, LHQ mới chỉ huy động được khoảng 4% – tương đương 56,1 triệu USD.
Trại Boyle IDP là một trong số các trại đã mọc lên tại Somalia khi nhiều người di chuyển đến các khu vực mà họ hy vọng có thể được giúp đỡ. “Đó là điều nghiêm trọng và là một trong những bi kịch lớn nhất mà Somalia đang phải đối mặt hiện nay. Các cộng đồng bị di dời không có nơi ở, nước, thuốc men, hoặc thậm chí cả thức ăn và họ phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ được phân phát. Hạn hán đã quét sạch mọi thứ và nếu những người sống sót không được hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp, họ cũng có thể thiệt mạng”, người quản lý địa phương của quận Luuq, Ủy viên Ali Kadiye Mohamed cho biết.
Các cơ quan nhân đạo của LHQ đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác để giải quyết vấn đề trên. Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đã vận chuyển nước đến các trại như trại Boyle IDP, cũng như xây dựng các bể chứa nước và nhà vệ sinh để cải thiện điều kiện vệ sinh.
Tại Bệnh viện Quận Luuq, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng đang làm việc với Tổ chức từ thiện Ireland Trocaire để điều trị, cung cấp thực phẩm cho trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng.
Theo các nhân viên của bệnh viện, tình hình ngày càng tồi tệ hơn. Ông Abdirahman Mohamed Kasim, y tá trưởng của bệnh viện cho biết, trong tháng 1/2022, bệnh viện tiếp nhận 62 trẻ suy dinh dưỡng. Trong tháng 2, con số này đã tăng lên 100 và vào ngày 21/3, con số này là 114.
Tại những nơi khác ở Luuq, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của LHQ đang thực hiện các chương trình trao tiền mặt và phiếu lương thực cho các nhóm dễ bị tổn thương ở Somalia, cung cấp hỗ trợ dinh dưỡng phòng bệnh và chữa bệnh cho phụ nữ và trẻ em.
WFP đang mở rộng quy mô can thiệp, nhằm hỗ trợ 2,5 triệu người có thể nhận lương thực trong nửa đầu năm nay, nhưng giống như nhiều cơ quan khác của LHQ, WFP chỉ có thể làm được như vậy nếu nhận được nhiều tài trợ hơn; cụ thể trong trường hợp này, cần khoảng 203 triệu USD để thu hẹp khoảng cách tài trợ.