Tham vấn trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là hoạt động mà chủ đầu tư cung cấp thông tin về dự án, những tác động tích cực hoặc tiêu cực có khả năng xảy ra khi triển khai dự án; đồng thời đưa ra những giải pháp giảm thiểu những tác động tiêu cực. Do đó, chất lượng hoạt động tham vấn ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng báo cáo ĐTM.
Những dự án nào phải đánh giá tác động môi trường?
Theo Luật Bảo vệ môi trường, rất nhiều lĩnh vực phải đánh giá tác động môi trường trước khi thực hiện dự án. Đó là các dự án đầu tư nhóm I (dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao) bao gồm: Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm với quy mô, công suất lớn; dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại; Dự án có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường.
Dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô lớn hoặc với quy mô trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất lớn hoặc với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất quy mô trung bình trở lên nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô lớn.
Ngoài ra, các dự án đầu tư nhóm II gồm: Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô trung bình hoặc với quy mô nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất trung bình hoặc với quy mô, công suất nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất với quy mô nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô trung bình cũng cần đánh giá tác động môi trường.
Chủ dự án phải tham vấn những đối tượng nào?
Trong quá trình xây dựng báo cáo ĐTM, chủ đầu tư dự án phải tham vấn cộng đồng dân cư và các tổ chức có liên quan.
Theo Nghị định 08/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, chủ đầu tư phải tham vấn cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi tác động môi trường do các hoạt động của dự án gây ra, bao gồm: cộng đồng dân cư, cá nhân sinh sống, sản xuất, kinh doanh tại khu vực đất, mặt nước, đất có mặt nước, khu vực biển bị chiếm dụng cho việc đầu tư dự án; cộng đồng dân cư, cá nhân nằm trong phạm vi tác động trực tiếp của nước thải, khí thải, bụi, tiếng ồn, chất thải rắn, chất thải nguy hại do dự án gây ra; cộng đồng dân cư, cá nhân bị ảnh hưởng do các hiện tượng sụt lún, sạt lở, bồi lắng bờ sông, bờ biển gây ra bởi dự án…
Cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư, bao gồm: UBND cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi thực hiện dự án; Ban quản lý, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp nơi dự án nằm trong ranh giới quản lý; cơ quan Nhà nước quản lý công trình thủy lợi đối với dự án có xả nước thải vào công trình thủy lợi hoặc có chiếm dụng công trình thủy lợi; cơ quan quản lý Nhà nước được giao quản lý các khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường (nếu có); Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hoặc Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Công an cấp tỉnh đối với các dự án có liên quan đến yếu tố an ninh – quốc phòng (nếu có).
3 hình thức tham vấn
Việc tham vấn cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp được thực hiện thông qua hình thức tham vấn họp lấy ý kiến. Việc tham vấn các cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư được thực hiện thông qua hình thức tham vấn bằng văn bản. Ngoài ra, chủ dự án còn tham vấn ý kiến cộng đồng trên các trang thông tin điện tử.
Để tham vấn bằng tổ chức họp lấy ý kiến, Chủ dự án chủ trì, phối hợp với UBND cấp xã nơi thực hiện dự án niêm yết báo cáo ĐTM tại trụ sở UBND cấp xã và thông báo thời gian, địa điểm tổ chức họp tham vấn lấy ý kiến trước thời điểm họp ít nhất là 5 ngày, UBND cấp xã có trách nhiệm niêm yết báo cáo ĐTM kể từ khi nhận được báo cáo ĐTM cho đến khi kết thúc họp lấy ý kiến.
Việc tham vấn bằng văn bản được thực hiện như sau: Chủ dự án gửi báo cáo ĐTM của dự án đến các đối tượng theo quy định.Các đối tượng được tham vấn bằng văn bản có trách nhiệm phản hồi bằng văn bản trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản tham vấn. Trường hợp không có phản hồi trong thời hạn quy định được coi là thống nhất với nội dung tham vấn. Ngoài ra, trước khi trình cấp có thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM, chủ dự án gửi nội dung tham vấn báo cáo ĐTM đến đơn vị quản lý trang thông tin điện tử của cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM để tham vấn các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.
Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị đăng tải của chủ dự án, đơn vị quản lý trang thông tin điện tử của cơ quan thẩm định có trách nhiệm đăng tải nội dung tham vấn. Việc tham vấn được thực hiện trong thời hạn 15 ngày; hết thời hạn tham vấn, đơn vị quản lý trang thông tin điện tử có trách nhiệm gửi kết quả tham vấn cho chủ dự án.