Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết, tần suất và mức độ nghiêm trọng của các thảm họa liên quan đến khí hậu đang tăng nhanh hơn ở Trung Đông và Trung Á so với bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Một báo cáo mới của IMF cho thấy, thảm họa khí hậu tại khu vực Trung Đông và Trung Á đã khiến trung bình 7 triệu người bị thương và di dời trong một năm, cùng với hơn 2.600 người chết và thiệt hại lên đến 2 tỷ USD.
Hạn hán ở Bắc Phi, Somalia và Iran; dịch bệnh và sự xâm nhập của châu chấu ở vùng Sừng châu Phi; lũ lụt nghiêm trọng ở Kavkaz và Trung Á là các thảm họa đang ngày càng gia tăng.
Báo cáo của IMF cho hay, phân tích dữ liệu kéo dài trong thế kỷ qua cho thấy, nhiệt độ tại 2 khu vực trên đã tăng 1,5 độ C, gấp đôi mức tăng toàn cầu là 0,7 độ C và lượng mưa vốn đã thiếu hụt nay lại trở nên thất thường hơn bất kỳ khu vực nào khác.
Theo bà Georgieva, các hiện tượng thời tiết cực đoan thường làm giảm tăng trưởng kinh tế hàng năm 1-2 điểm phần trăm trên đầu người. Tại vùng Caucasus và tiểu vùng Trung Á, những hiện tượng này đã khiến tổng sản phẩm quốc nội bị thiệt hại kéo dài ở mức 5,5 điểm phần trăm.
Bà kêu gọi tất cả các quốc gia thích ứng với nền kinh tế của họ trước những thách thức về khí hậu, bao gồm thông qua việc áp dụng giá carbon tăng đều đặn, tăng cường đầu tư xanh và nỗ lực đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng giữa và trong các quốc gia.
Bà Georgieva ca ngợi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nhà sản xuất dầu lớn, về việc cam kết đầu tư hơn 160 tỷ USD vào năng lượng tái tạo để đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong khi đó, Ai Cập đang đầu tư vào các kỹ thuật tưới tiêu hiện đại, giáo dục và chăm sóc sức khỏe.
Giám đốc điều hành IMF cũng cho rằng, điều quan trọng là phải đảm bảo các chính sách thích ứng với khí hậu được đưa vào các chiến lược kinh tế quốc gia, vì đầu tư vào cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu và bảo vệ lũ lụt tốt hơn có thể tránh được thiệt hại kinh tế.
Chẳng hạn, ở Maroc, các mô phỏng cho thấy việc tăng cường cơ sở hạ tầng cấp nước đã cải thiện khả năng chống chịu với hạn hán và cắt giảm gần 60% tổn thất GDP.
Nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng có thể lên tới 3,3% GDP mỗi năm đối với từng quốc gia trong khu vực trong thập kỷ tới, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình của các nước có nền kinh tế thị trường mới nổi.
Bà Georgieva nhấn mạnh, do nguồn lực hạn chế từ hậu quả của đại dịch COVID-19, nên các quốc gia sẽ cần kết hợp nhiều cải cách chính sách trong nước, chẳng hạn như thay thế trợ cấp nhiên liệu và hỗ trợ quốc tế.