Mới đây, người đứng đầu Liên Hợp Quốc (LHQ), ông António Guterres thông báo, LHQ đã đặt ra thời hạn 5 năm đầy tham vọng cho các quốc gia để đảm bảo rằng công dân trên toàn thế giới được bảo vệ bởi các hệ thống cảnh báo sớm chống lại thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu.
Tăng cường dự báo tốt hơn
Tổng Thư ký LHQ António Guterres cho biết: “Cần cảnh báo sớm và hành động để cứu sống nhiều người. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) sẽ đưa ra các hành động mới để đảm bảo mọi người trên Trái đất được bảo vệ bởi hệ thống cảnh báo sớm trong vòng 5 năm”.
WMO sẽ dẫn đầu nỗ lực và đưa ra kế hoạch hành động vào tháng 11/2022 tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP27) năm nay ở Ai Cập.
Ông Guterres nhấn mạnh việc cảnh báo sớm và hành động sớm và cho rằng phải đầu tư bình đẳng vào khả năng thích ứng và khả năng phục hồi. Điều đó bao gồm thông tin cho phép dự đoán các cơn bão, sóng nhiệt, lũ lụt và hạn hán.
Báo cáo gần đây nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) nêu rõ những gì mọi người đang phải hứng chịu do mỗi đợt tăng nhiệt toàn cầu càng làm tăng thêm tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Ông Guterres cho biết, không thể chấp nhận được rằng, một phần ba dân số thế giới – chủ yếu sống ở các quốc gia kém phát triển nhất (LDCs) và các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) – vẫn không có hệ thống cảnh báo sớm. Tại châu Phi, điều đó thậm chí còn tồi tệ hơn, khi 60% người dân không được bảo hiểm.
Biến đổi khí hậu đã trở thành một vấn đề rõ ràng hơn ở tất cả các nơi trên thế giới, dẫn đến thời tiết ngày càng khắc nghiệt, bao gồm các đợt nắng nóng gay gắt, hạn hán và cháy rừng. Trong khi đó, sự gia tăng độ ẩm trong khí quyển đang dẫn đến lượng mưa rất lớn và lũ lụt gây chết người, trong khi sự ấm lên của đại dương đang thúc đẩy các cơn bão nhiệt đới mạnh hơn và mực nước biển dâng cao.
Tổng Thư ký LHQ cho biết: “Chúng ta phải tăng cường khả năng dự báo cho tất cả mọi người và xây dựng năng lực hành động của họ. Chúng ta hãy nhận ra giá trị của cảnh báo sớm và hành động sớm như những công cụ quan trọng để giảm thiểu rủi ro thiên tai và hỗ trợ thích ứng với khí hậu”.
Thúc đẩy đầu tư để cải thiện
Theo một báo cáo thống kê thảm họa năm 2021 của WMO, trong 50 năm qua, trung bình mỗi ngày, một thảm họa liên quan đến khí hậu và nước xảy ra cướp đi sinh mạng của 115 người và gây thiệt hại lên tới 202 triệu USD mỗi ngày. Mặc dù, số lượng thiên tai được ghi nhận đã tăng gấp 5 lần trong giai đoạn đó, nhưng việc cải thiện cảnh báo sớm và quản lý thiên tai đã cứu được mạng sống của nhiều người.
Giám đốc WMO Petteri Taalas cho biết, ngày càng có nhiều thảm họa do biến đổi khí hậu đang gây nguy hiểm cho việc thực hiện một số lượng lớn các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).
Ông nhấn mạnh việc tăng cường đầu tư vào các dịch vụ cảnh báo sớm khí hậu và cơ sở hạ tầng liên quan đang ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với việc thích ứng với khí hậu. Theo ông, cần phải đầu tư 1,5 tỷ USD trong 5 năm tới để cải thiện chất lượng của các dịch vụ và cơ sở hạ tầng liên quan, đặc biệt là ở các nước LDC và SIDS.
Hệ thống cảnh báo sớm tích hợp về lũ lụt, hạn hán, sóng nhiệt hoặc bão cảnh báo mọi người về thời tiết nguy hiểm sắp tới và thông báo cho các chính phủ, cộng đồng và cá nhân để chuẩn bị ứng phó và giảm thiểu tác động của chúng. Sử dụng các mô hình máy tính tiên tiến, chúng cung cấp khả năng giám sát thời gian thực trên đất liền và trên biển.
Ngoài việc hiểu được các nguy cơ bão sắp xảy ra, một hệ thống cảnh báo sớm toàn diện cũng phải bao gồm các bài học kinh nghiệm từ các sự kiện trong quá khứ, để cải thiện khả năng ứng phó trong tương lai.
Hiệp ước Khí hậu Glasgow, được thông qua tại COP26 vào tháng 11 năm ngoái nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tăng cường hành động nhằm nâng cao khả năng thích ứng, phục hồi và giảm tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Hiệp ước này cũng thúc giục các nước phát triển tăng quy mô đáng kể việc cung cấp tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ và nâng cao khả năng thích ứng.
Để đạt được mức độ bao phủ rộng rãi của các dịch vụ cảnh báo sớm, WMO sẽ tìm cách thu hẹp khoảng cách quan sát, tăng cường năng lực của các quốc gia để đưa ra cảnh báo, đồng thời, cải thiện khả năng ứng phó của họ theo phương thức lấy người dân làm trung tâm, hòa nhập và dễ tiếp cận.
Kế hoạch mới tìm cách xây dựng dựa trên các hoạt động và quan hệ đối tác WMO hiện có, bao gồm với các cơ quan chủ chốt, các quốc gia và tổ chức đã hoạt động trong lĩnh vực này. Điều này sẽ đòi hỏi đầu vào từ các yếu tố trong toàn bộ chuỗi giá trị hành động sớm để thu hẹp khoảng trống cảnh báo sớm.