Nhóm công tác có nhiệm vụ tư vấn cho Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường các chính sách; chỉ đạo triển khai Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa nhằm hỗ trợ xây dựng nền kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy hợp tác và huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các kế hoạch, chương trình giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa.
Chiều 28/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức Lễ ra mắt Nhóm công tác triển khai Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam (Chương trình NPAP).
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, trưởng Nhóm công tác, cho biết, cùng chung với nỗ lực quốc tế về phòng, chống rác thải nhựa, Chính phủ Việt Nam đã tham gia tích cực, đề xuất các cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Canada năm 2018, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN tại Việt Nam năm 2018, và Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ năm 2019.
Một trong những kết quả quan trọng của Việt Nam tại Hội nghị Davos 2019 là Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường và đại diện Diễn đàn Kinh tế thế giới đã ký kết ý định thư liên quan xử lý rác thải nhựa, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, với nội dung là hỗ trợ của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho Việt Nam tham gia sáng kiến Chương trình đối tác hành động toàn cầu về nhựa (GPAP), hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình sản xuất và tiêu thụ nhựa bền vững, tạo nền tảng chính sách, hành động, giải pháp nhằm xử lý chất thải nhựa một cách hiệu quả, giảm thiểu tối đa tác động của nhựa đến môi trường.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, để thực hiện ý chí của người dân và doanh nghiệp trong quản lý chất thải nhựa, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy, khuyến khích việc tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa phục vụ hoạt động sản xuất hàng hóa, vật liệu xây dựng cho các công trình giao thông.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1316 ngày 22/7/2021 phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 sẽ thay thế hoàn toàn túi nilon khó phân hủy bằng túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ mục đích sinh hoạt; bảo đảm thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý 85% lượng chát thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương…
Để Chương trình NPAP có sức lan tỏa và có giá trị lớn hơn, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 2268/QĐ-BTNMT ngày 19/11/2021 thành lập Nhóm công tác triển khai Chương trình NPAP, để tư vấn cho Bộ trưởng các chính sách, giải pháp, định hướng chiến lược cho Chương trình NPAP, cũng như hỗ trợ Việt Nam hoàn thành tốt Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa trong thời gian tới.
“Lễ ra mắt Nhóm công tác là cơ hội để xây dựng, củng cố mối quan hệ, kết nối các chủ thể công, tư và cộng đồng, nhằm hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về quản lý chất thải nhựa, biến thách thức về chất thải nhựa thành cơ hội, động lực cho Việt Nam triển khai thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, nền kinh tế tri thức với việc ứng dụng công nghệ cao để giảm phát thải nhựa”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định.
Bà Kristin Hughes, thành viên Ban điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới – Phó trưởng Nhóm công tác đánh giá cao sự ủng hộ, tham gia của Việt Nam trong nỗ lực chung của Chương trình đối tác hành động toàn cầu về nhựa, đồng thời ghi nhận các kết quả Việt Nam đã đạt được trong xử lý, tái chế rác thải nhựa thời gian qua.
“Lễ ra mắt Nhóm công tác triển khai Chương trình NPAP là bước đầu tiên nhưng là một bước tiến rất lớn đối với Chính phủ Việt Nam giúp đạt được vấn đề về quản lý chất thải, ô nhiễm nhựa trong tương lai. Sự thành công của chương trình này không chỉ có tác động mạnh tại Việt Nam mà còn hỗ trợ thành công ở các nước trên thế giới, khi chúng ta đang hướng tới một thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm rác thải nhựa”.
Bà Kristin Hughes, Giám đốc Chương trình đối tác hành động toàn cầu về nhựa |
Bày tỏ vui mừng khi được tham gia vào Nhóm công tác triển khai Chương trình NPAP, bà Kristin Hughes khẳng định trong thời gian tới, sẽ cùng các thành viên nỗ lực giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về giảm rác thải nhựa.
Tại hội nghị, đại diện Tổng cục Môi trường đã công bố dự thảo quy chế hoạt động của Nhóm công tác và kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình NPAP trong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, mục tiêu của Chương trình là hỗ trợ việc xây dựng và triển khai thực hiện nền kinh tế tuần hoàn nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa và ủng hộ triển khai các đề án, chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam.
Các đại biểu đã tham gia thảo luận về quy chế hoạt động của Nhóm công tác và kế hoạch triển khai thực hiện chương trình NPAP trong giai đoạn 2021-2025 theo lĩnh vực và mức độ ưu tiên.
Theo Quyết định số 2268/QĐ-BTNMT ngày 19/11/2021 của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về việc thành lập Nhóm công tác triển khai Chương trình NPAP, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân làm Trưởng Nhóm công tác. Ngoài ra có 3 Phó trưởng nhóm là: bà Kristin Hughes, Giám đốc Chương trình GPAP, thành viên Ban điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới; bà Nguyễn Diệu Thúy, Giám đốc Chương trình giảm nhựa (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam); ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường); và hơn 30 thành viên là lãnh đạo cấp cao của các bộ, ngành, cũng như đại diện các đại sứ quán tại Việt Nam, các tổ chức phát triển quốc tế, các doanh nghiệp, liên minh, hiệp hội.
Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam (NPAP) là sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với đại diện là Bộ Tài nguyên và Môi trường, và Chương trình Đối tác hành động toàn cầu về nhựa, một nền tảng cho nhiều chủ thể của Diễn đàn Kinh tế thế giới nhằm thực hiện các cam kết giảm thiểu ô nhiễm nhựa và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
NPAP là một một nền tảng hỗ trợ tất cả các bên liên quan gặp gỡ, tương tác, thảo luận và phối hợp để: – Xác định những lĩnh vực có thể hợp tác cũng liên quan đến quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam. – Mở rộng quy mô và tối đa hóa tác động của các sáng kiến hiện có nhằm giải quyết ô nhiễm chất thải nhựa ở Việt Nam, từ đó xây dựng các sáng kiến và giải pháp mang tính tập thể mới nếu cần. – Xác định nhu cầu đầu tư chiến lược và các nguồn quỹ tiềm năng để kêu gọi đầu tư hiệu quả cho các giải pháp nêu trên. NPAP thúc đẩy hành động và đo lường tác động thông qua Nhóm công tác triển khai Chương trình NPAP do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập và các Nhóm công tác kỹ thuật trong các lĩnh vực Thay đổi hành vi, Tài chính, Chính sách, Đổi mới, Chỉ số, Bình đẳng giới & Hòa nhập cộng đồng – để cung cấp thông tin cho chương trình nghị sự chung và giúp đẩy nhanh tiến độ của các sáng kiến hành động về nhựa tại Việt Nam hướng tới các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững. |