Hạn chế tài trợ gây tổn hại đa dạng sinh học và thay vào đó là tập trung tài trợ bảo vệ tự nhiên là một trong những vấn đề trọng tâm được các nhà đàm phán quốc tế thảo luận tại các cuộc thảo luận Công ước của Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (CBD) đang diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ).
Các cuộc thảo luận này sẽ tạo tiền đề cho Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học (COP 15) dự kiến diễn ra tại Trung Quốc vào cuối năm nay.
Gần 200 quốc gia sẽ phê chuẩn một khung ước toàn cầu trong năm nay để bảo vệ thiên nhiên vào năm 2050 trước những hoạt động tàn phá của con người, trong đó, mốc chủ chốt là các quốc gia thực hiện các cơ chế bảo tồn ít nhất 30% lãnh thổ của mình vào năm 2030.
Theo các chuyên gia, những mục tiêu đầy tham vọng này sẽ chỉ đạt được nhờ cách tiếp cận mới liên quan tới tài trợ bảo vệ đa dạng sinh học cũng như thay đổi tư duy hiện nay vốn chi mạnh vào các khoản trợ cấp gây hại cho tự nhiên như trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp và đánh bắt cá…
Những hoạt động này có thể dẫn tới phá hủy môi trường và cổ xúy cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng không bền vững.
Mặc dù chưa rõ con số chính xác về mức trợ cấp gây hại này của các nước trên thế giới, song nhóm Doanh nghiệp vì Tự nhiên dự báo con số trợ cấp này có thể lên tới 1.800 tỷ USD/năm, hay chiếm 2% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.
Do vậy, tài trợ là một trong những vấn đề mang tính thách thức hơn được đưa ra thảo luận tại CBD, khai mạc từ ngày 14/3 và kéo dài đến ngày 29/3 tại Geneva.
Văn bản dự thảo của hội thảo của CBD bao gồm những mục tiêu “tái hướng dẫn, tái phân bổ, cải cách hoặc hủy bỏ các sáng kiến gây hại tới đa dạng sinh học”, giảm các khoản chi gây tổn hại đa dạng sinh học xuống ít nhất 500 tỷ USD/năm.
Văn bản này cũng đề cập tới mục tiêu tăng tổng tài trợ được huy động từ mọi nguồn lực lên ít nhất 200 tỷ USD/năm vào năm 2030, tăng tài trợ quốc tế cho các nước đang phát triển vào khoảng ít nhất 10 tỷ USD/năm.
Theo một nghiên cứu công bố hồi năm ngoái, một số tổ chức như nhóm Bảo tồn tự nhiên và Viện ước tính trong năm 2019, các nước đã chi từ 124 – 143 triệu USD/năm vào các hoạt động mang lại lợi ích cho thiên nhiên.
Tuy nhiên, các tổ chức này cho rằng mức chi này cần lên tới 967 triệu USD/năm vào năm 2030, trong đó cần chú ý hướng các khoản chi liên quan tới trợ cấp gây tổn hại thiên nhiên.
Khoảng 1 triệu loài động, thực vật trên thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng do sự xâm lấn của con người vào môi trường sống của chúng, tình trạng khai thác quá mức, nạn ô nhiễm và sự phát triển của các loài xâm lấn cũng như tình trạng biến đổi khí hậu.
Đến nay, 195 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) đã phê chuẩn CBD, trong khi Mỹ – nước gây ô nhiễm nhất thế giới – lại không tham gia công ước này. Hội nghị các bên tham gia CBD được tổ chức 2 năm/lần.