Báo động tình trạng ô nhiễm hệ thống thủy lợi

Thời gian qua, nhiều hệ thống thủy lợi phải “oằn mình” hứng chịu một lượng lớn nước thải đổ vào. Những nguồn nước thải không được kiểm soát đang dần hủy hoại môi trường, tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân, cũng như sản xuất nông nghiệp, trong khi chúng ta đang hướng tới một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp trách nhiệm và bền vững.

Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Hưng Yên tham gia làm sạch môi trường trên hệ thống sông Bắc Hưng Hải. (Ảnh: Phạm Hà)

Theo Tổng cục Thủy lợi, cả nước hiện có hơn 900 hệ thống thủy lợi quy mô diện tích phục vụ từ 200 ha trở lên; hơn 86 nghìn công trình thủy lợi, gồm đập, hồ chứa; gần 20 nghìn trạm bơm; 28 nghìn cống; 32 nghìn đập dâng, đập tạm; 290.000 km kênh mương bảo đảm cấp nước tưới cho khoảng 4,28 triệu héc-ta đất canh tác nông nghiệp, 686.600 ha nuôi trồng thủy sản… Tuy nhiên, chất lượng nước ở rất nhiều công trình thủy lợi không bảo đảm yêu cầu phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt.

Những nguồn xả thải không kiểm soát

Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi có mặt tại cống tiêu Xuân Thụy (Hà Nội), chứng kiến dòng nước đen đặc, bốc mùi xú uế. Đây là cống tiêu nước cho kênh Cầu Bây (Hà Nội). Hệ thống kênh này có 44 điểm xả thải khu đô thị, nước thải công nghiệp, dịch vụ, làng nghề nằm trên địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm (Hà Nội). Quá trình xả thải này được đánh giá là nguồn gây ô nhiễm chính, tính theo chiều lấy nước từ sông Hồng vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải (Bắc Hưng Hải).

Từ cống Xuân Thụy xuôi về hướng đông, tại kênh Cầu An nước có mầu xanh lục, mùi hôi khó tả. Ngoài ra, nước tại các cống trên địa bàn tỉnh Hưng Yên như: Cống Ngọc Lâm, cống Phần Hà, cống Văn Phú, Kênh 10… đều trong tình trạng ô nhiễm và tất cả đều chảy ra sông Kim Sơn thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Đi dọc kênh tiêu nước thải dân cư, bệnh viện, cụm công nghiệp (kênh T2); kênh tưới Thạch Khôi-Đoàn Thượng; kênh Cầu Sộp-Phủ của tỉnh Hải Dương, chúng tôi không khỏi rùng mình với mầu nước đen đặc và mùi hôi thối bốc lên từ các con kênh này.

Phó Giám đốc Công ty Bắc Hưng Hải, Lương Xuân Chính cho biết: Bắc Hưng Hải là hệ thống khép kín của vùng, nên tất cả các nguồn xả thải phát sinh trong hệ thống đều dồn về các trục chính của Bắc Hưng Hải. Có đến 60% tổng lượng xả thải vào hệ thống, chủ yếu là nước thải từ sinh hoạt, làng nghề, chăn nuôi và hầu hết đều chưa được xử lý.

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đi qua địa bàn bốn tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương). Những năm gần đây, hai tỉnh Hưng Yên, Hải Dương đã có nhiều kiến nghị các bộ, ngành trung ương, nhằm giảm ô nhiễm cũng như giám sát chất lượng nước. Nhưng rồi “lực bất tòng tâm”, nước ở Bắc Hưng Hải vẫn ô nhiễm ngày một nghiêm trọng. Cục trưởng Cục Công trình, Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Hồng Khanh cho biết: Rất ít hệ thống thu gom, xử lý nước thải cho các khu đô thị, làng nghề trước khi thải ra môi trường. Các nguồn xả thải từ các nhà máy xuống kênh cấp II do các công ty khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý chảy vào hệ thống kênh trục vẫn chưa quản lý được do nằm ngoài phạm vi của Công ty Bắc Hưng Hải. Đồng thời, việc phối hợp giữa ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Tài nguyên và Môi trường trong việc rà soát, thống kê, giám sát các đơn vị xả thải chưa thật sự nhịp nhàng, hiệu quả chưa cao.

Những ruộng rau tưới nước bẩn

Là địa phương nằm phía hạ nguồn của hệ thống Bắc Hưng Hải, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương chịu nhiều tác động bởi tình trạng ô nhiễm từ các dòng kênh, nhất là các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Miện, Ninh Giang, Bình Giang và một phần của thành phố Hải Dương đang phụ thuộc hoàn toàn nguồn nước tưới từ Bắc Hưng Hải. Theo ước tính, có khoảng 5.000 ha rau, chiếm khoảng 14% diện tích rau toàn tỉnh, chủ yếu rau ăn lá, bắp cải, su hào, súp lơ sử dụng trực tiếp nước tưới của hệ thống thủy lợi này.

Nhìn dòng nước từ hệ thống Bắc Hưng Hải được bà con nông dân bơm lên tưới cho rau màu, chúng tôi không khỏi lo ngại. Một diện tích cây trồng rất rộng lớn đang hằng ngày phải tưới thứ nước ô nhiễm như vậy, để đưa ra thị trường hàng trăm tấn nông sản mỗi ngày thì liệu có thật sự an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng?

Bên cạnh Bắc Hưng Hải, hệ thống thủy nông Bắc Nam Hà cung cấp nước và tiêu nước cho sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội cho tám huyện, thành phố thuộc hai tỉnh Nam Định, Hà Nam cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hệ thống này cung cấp nước tưới cho hơn 59.000 ha đất nông nghiệp, tạo nguồn cấp nước phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản; tạo nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 1,2 triệu dân, các khu công nghiệp tập trung và các cơ sở tiểu thủ công nghiệp trong vùng. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi: chỉ số DO, COD, BOD5 của một số đợt quan trắc không đạt quy chuẩn cho phép dùng cho tưới tiêu (gấp 3-5 lần). Chỉ số NH4+ tại Trạm bơm Triệu Xá (Hà Nam) vượt 10 lần, chỉ số coliform tại Cầu Chủ, sông Châu Giang vượt 2,4 lần.

Cần sự vào cuộc quyết liệt

Luật Thủy lợi quy định, các tổ chức khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm trực tiếp bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi, nhưng không có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính lĩnh vực thủy lợi, nên việc xử lý vi phạm pháp luật lĩnh vực thủy lợi trông chờ hoàn toàn vào chính quyền địa phương.

Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy lợi Lương Văn Anh cho biết, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bãi bỏ điểm d khoản 1 Điều 44 và Điều 58 của Luật Thủy lợi, việc cấp giấy phép môi trường (trong đó có nội dung xả nước thải vào công trình thủy lợi), thực hiện theo quy định pháp luật về Bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Vì vậy, các hành vi vi phạm về xả nước thải không đúng quy định vào công trình thủy lợi không được quy định trong Nghị định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực thủy lợi (Nghị định số 03/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022), lực lượng thanh tra chuyên ngành về thủy lợi không có căn cứ để xử lý các vi phạm pháp luật làm ô nhiễm nước trong công trình thủy lợi. Do đó, đây cũng là một trong những vướng mắc trong quá trình bảo vệ nguồn nước trong công trình thủy lợi.

Trong khi đó, việc thu gom, xử lý nước thải, rác thải tại nhiều địa phương hiện chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý ở mức thấp, nước thải từ các làng nghề chưa được xử lý một cách hiệu quả, vẫn hằng ngày xả ra các dòng kênh thủy lợi. Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. Việc lạm dụng hóa chất, thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Tình trạng thiếu hụt nguồn nước, mực nước mùa kiệt trên nhiều hệ thống sông có xu hướng giảm rõ rệt trong những năm gần đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho ô nhiễm thêm trầm trọng.

Từ thực trạng trên cho thấy, cần có sự vào cuộc quyết liệt, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương, mới có thể khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước trong các công trình, hệ thống thủy lợi hiện nay.