Trong số 212 loài cá nước ngọt mới được nhận diện năm ngoái có một con cá chình mù được tìm thấy trong khuôn viên một trường học dành cho trẻ em khiếm thị, và một con cá pleco Wolverine sở hữu một hệ thống vũ khí bí mật.
Tổ chức bảo tồn Shoal vừa công bố báo cáo “Các loài mới năm 2021”, cho thấy sự đa dạng và nổi bật của các loài cá nước ngọt vốn không nhận được nhiều sự chú ý.
“Thật tuyệt vời khi có tới hơn 200 loài cá nước ngọt mới được mô tả chỉ trong vòng 1 năm. Mức độ khám phá mới như vậy chỉ có thể gặp được ở các nhóm sinh vật như thực vật hoặc côn trùng, chứ ở động vật có xương sống là rất hiếm”, bà Harmony Patricio, giám đốc chương trình bảo tồn của Shoal cho biết.
“Điều đó có nghĩa ở ngoài kia vẫn còn hàng trăm loài cá nước ngọt khác mà các nhà khoa học chưa biết đến. Trong số những loài mới được phát hiện, nhiều loài có các đặc điểm khá độc đáo và ít ai ngờ tới”, bà Patricio nói.
Một trong những đặc điểm vật lý bất ngờ đó là hệ thống vũ khí bí mật của loài cá pleco Wolverine (tên khoa học là Hopliancistrus wolverine). Theo bà Patricio, loài này có những chiếc gai móc rất khỏe xếp dưới nắp mang, có thể kéo dài để đâm bất cứ thứ gì có ý đồ gây rối. Đặc điểm này chưa từng được mô tả ở các loài có liên quan khác trong cùng một họ, thậm chí là những loài có xương sống lớn.
Trong năm 2021, trung bình mỗi tuần có 4 loài cá nước ngọt mới được mô tả. Những phát hiện khác bao gồm cá chình mù Mumbai màu đỏ sáng (tên khoa học là Rakthamichthys mumba) – loài này không có vây, vảy hoặc mắt, được tìm thấy ở đáy giếng trong khuôn viên một trường học dành cho trẻ khiếm thị. Bên cạnh đó là loài cá cerebrum Danionella nhỏ xíu, trong suốt, được tìm thấy ở miền nam Myanmar, và loài cá bống Kijimuna (Lentipes kijimuna) và Bunagaya (Lentipes bunagaya) nhiều màu sắc, được phát hiện ở miền nam Nhật Bản.
Mỗi một khám phá trong tổng số 212 khám phá mới năm 2021 đều giúp các nhà khoa học tăng cường sự hiểu biết về các loài cá nước ngọt, bao gồm các đặc điểm giải phẫu, tiến hóa và mối liên hệ giữa các sinh vật khác và môi trường sống của chúng.
Chẳng hạn như con cerebrum Danionella đực khiến các nhà nghiên cứu tò mò về khả năng tạo ra âm thanh tiếng trống của nó, rất có thể bằng cách gõ một dải sụn mỏng vào bong bóng bên trong cơ thể, giống như một chiếc dùi trống – một hình thức giao tiếp tương đối phức tạp và khác thường đối với một sinh vật nhỏ bé như vậy. Loài này không có mái che hộp sọ – khoang não của chúng chỉ được bao phủ bởi một lớp da mỏng – giúp các nhà khoa học có thể nghiên cứu hoạt động và chức năng của não mà không gây hại cho cá.
Theo tài liệu tham khảo tiêu chuẩn Eschmeyer’s Catalog of Fishes, trên thế giới hiện nay có ít nhất 18.267 loài cá nước ngọt. Tuy nhiên, bức tranh tổng thể về cá nước ngọt hiện rất đáng lo ngại. Báo cáo “Các loài cá bị lãng quên của thế giới” do Shoal, WWF và các đối tác khác công bố năm 2021, chỉ ra rằng hơn 1/3 các loài cá nước ngọt đang bị đe dọa tuyệt chủng, bất chấp tầm quan trọng của chúng đối với đa dạng sinh học và là nguồn thực phẩm cho hàng tỷ người.
Bà Harmony Patricio, giám đốc chương trình bảo tồn của Shoal, chia sẻ: “Có 80 loài cá nước ngọt đã tuyệt chủng ở thời hiện đại, trong khi trung bình khoảng 150-200 loài mới được phát hiện mỗi năm. Quần thể của nhiều loài cá nước ngọt đã suy giảm đáng kể trong hơn nửa thế kỷ qua”.
Theo bà, có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng suy giảm trên, song nguyên nhân chính là do tác động từ các loài xâm lấn, ô nhiễm, việc đánh bắt quá mức, cũng như mất và suy thoái môi trường sống.
Bà Patricio cho rằng các nỗ lực bảo vệ sông, hồ và các nguồn nước ngọt khác cần phải được tăng cường hơn nữa, đồng thời nhấn mạnh báo cáo về các loài cá nước ngọt mới của Shoal sẽ giúp nâng cao nhận thức về cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học hiện nay, để mọi người có thể nhận ra rằng cá nước ngọt đang biến mất với tốc độ nhanh gấp đôi so với các loài trên cạn hoặc sinh vật biển.