Với chiến lược bảo tồn vùng đất ngập nước thông qua nhiều hoạt động, dự án mong muốn các chức năng dịch vụ hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước của Đồng Tháp Mười – VQG Tràm Chim được phục hồi và tích hợp trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội.
Đầu tư 3,5 tỷ đồng phục hồi khả năng tự nhiên của các vùng ngập nước
Mới đây, Quỹ Coca-Cola thông báo tiếp tục hỗ trợ 150.000 USD (tương đương 3,5 tỷ đồng) cho WWF-Việt Nam để tăng cường khả năng điều tiết, tích trữ và phục hồi nước ngọt của VQG Tràm Chim, các vùng đất ngập nước và vùng đệm quanh vườn. Dự án sẽ góp phần khôi phục lại sức khỏe và chức năng tự nhiên của VQG Tràm Chim – khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới. Đây là danh hiệu được trao tặng để ghi nhận vai trò và các nỗ lực phục hồi thiên nhiên của vườn quốc gia.
Trong thập kỷ qua, WWF-Việt Nam đã cùng hợp tác với Quỹ Coca-Cola để cải thiện công tác bảo tồn vùng đất ngập nước thông qua nhiều hoạt động, bao gồm khôi phục chất lượng của đất, loại bỏ các loài xâm lấn và phục hồi cơ chế thuỷ văn tự nhiên.
Những nỗ lực này góp phần hỗ trợ Tràm Chim tiếp tục là nơi cư ngụ của 130 loài cá và 256 loài chim, trong đó có loài sếu đầu đỏ đang bên bờ tuyệt chủng, đồng thời giúp nâng cao sinh kế cho khoảng 50.000 cư dân đang sinh sống trong và quanh Vườn thông qua các hoạt động du lịch sinh thái.
Theo đó, Quỹ tận dụng chức năng dịch vụ hệ sinh thái của vùng đất ngập nước để quản lý lũ lụt và hạn hán, thay vì thiết lập hệ thống đê cao nhân tạo. Đây là giải pháp thích ứng với thiên nhiên (hay còn gọi là thuận thiên). Các giải pháp thuận thiên không chỉ có chi phí bảo trì thấp hơn so với các công trình xây dựng nhân tạo, mà còn mang đến nhiều lợi ích như tạo thêm nguồn nước, phòng lũ lụt, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo cảnh quan cho du lịch cũng như cung cấp thực phẩm và các nguyên vật liệu khác.
“WWF-Việt Nam có tầm nhìn và chiến lược dài hạn cho VQG Tràm Chim và tỉnh Đồng Tháp. Chúng tôi mong muốn các chức năng dịch vụ hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước của Đồng Tháp Mười được phục hồi và tích hợp trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội.
Các chiến lược để phục hồi các vùng đất ngập nước này có tính ứng dụng đối với vùng thượng lưu của ĐBSCL, cũng như cho các cộng đồng đang cần giải pháp để giảm thiểu tác động của lũ lụt và tạo sinh kế bền vững. WWF-Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ của Quỹ Coca-Cola trong việc giúp chúng tôi đạt được những mục tiêu này” – Bà Trần Thị Hải, Giám đốc Chương trình Phát triển Bền vững của tổ chức WWF-Việt Nam thông tin. |
Nằm trong một lộ trình dài hạn nhằm giải quyết các thách thức về nước thông qua các giải pháp thuận thiên tại Việt Nam, trong năm đầu tiên, 2022, Quỹ Coca-Cola một lần nữa hỗ trợ VQG Tràm Chim. Với sự hỗ trợ này, WWF-Việt Nam và VQG Tràm Chim sẽ thu hút sự tham gia của 1.000 người dân và thanh thiếu niên từ bốn xã, nâng cao nhận thức và hỗ trợ các hoạt động về bảo tồn nước và bảo vệ môi trường, bao gồm làm sạch nước sông và kênh rạch, áp dụng các phương pháp nông nghiệp sử dụng tiết kiệm nước và ít hóa chất hơn.
VQG Tràm Chim trước nguy cơ đe dọa
Nằm ở thượng nguồn ĐBSCL, VQG Tràm Chim hiện tại là một trong những phần còn lại cuối cùng của vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười. Được công nhận là VQG năm 1998, với diện tích 7.313 ha, Tràm Chim thuộc hệ thống các khu rừng đặc dụng, đồng thời cũng được coi là khu bảo tồn đất ngập nước điển hình. Tràm Chim là nơi sinh sống và kiếm ăn của khoảng 200 loài chim, trong đó 16 loài có ý nghĩa bảo tồn toàn cầu. Loài đặc biệt quý hiếm là Sếu Đầu Đỏ, thường xuyên tới đây kiếm ăn, sinh sống trong mùa khô.
Theo ông Prasana De Silva, Tổng Giám đốc Văn phòng WWF toàn cầu cho biết, VQG Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp rất quan trọng không chỉ với Đồng Tháp mà còn với các tỉnh hạ lưu của ĐBSCL, không chỉ với Việt Nam mà còn với cả thế giới. Di sản này là một phần quan trọng của sinh quyển thế giới, cần tiếp tục duy trì và phát triển.
Tuy nhiên, hơn 7.000 ha với hệ sinh thái đa dạng tại VQG Tràm Chim – 1 trong 8 khu Ramsar của Việt Nam đang đối mặt với các vấn đề bảo tồn và quản lý sinh thái nghiêm trọng.
Theo đó, nguy cơ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã tác động đến đa dạng sinh học của VQG như tình trạng lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, xói mòn, sụt lở đất, dịch cúm và các loài ngoại lai xâm hại. Điều này sẽ làm cho sự suy thoái đa dạng sinh học nhanh hơn, tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài động, thực vật, làm biến mất các nguồn gen quý hiếm. Tác động của biến đổi khí hậu cũng sẽ làm thay đổi chuỗi thức ăn của các loài thủy sản, trong đó nhiệt độ đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng và phát triển của sinh vật nói chung và các loài thủy sản nói riêng. Thay đổi nhiệt độ còn là điều kiện phát sinh của nhiều loài dịch bệnh.
Biến đổi khí hậu có xu hướng làm nhiệt độ ngày càng tăng, hệ quả là hạn hán, nước cạn kiệt, dễ cháy trong mùa khô… Những tác động đó làm ảnh hưởng đến điều kiện sống của một số loài chim di cư, đặc biệt là sếu đầu đỏ. Khi một trong các bãi ăn thiếu nước uống hoặc không còn thức ăn thì sếu lập tức bỏ đi. Theo thống kê của VQG Tràm Chim, năm 1991 có hơn 1.000 cá thể sếu đầu đỏ về, nhưng sau đó về ngày càng giảm. Đến năm 2017 chỉ có 3 cá thể sếu đầu đỏ về, năm 2018 là 9 cá thể, năm 2019 là 11 cá thể. Riêng năm 2020 không một cá thể sếu đầu đỏ nào về đây.
Đối với các loài thực vật, biến đổi khí hậu sẽ làm cho các hệ sinh thái này ảnh hưởng nặng nề như cây cỏ năng không còn củ do bị ngập úng hoặc quá khô khiến củ không phát triển được… Đặc biệt là quần xã rừng tràm, nếu bị ngập nước lâu ngày tràm sẽ bị đổ ngã hoặc kém phát triển; nếu quá khô tràm rất dễ cháy gây ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của Vườn. Biến đổi khí hậu còn tác động đến tình hình thủy văn, yếu tố quyết định đến hệ sinh thái đất ngập nước Tràm Chim, có thể sẽ làm cho việc quản lý thủy văn tại Tràm Chim gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, áp lực về dân số và di cư cũng ảnh hưởng đến VQG Tràm Chim. Đa số người dân sống xung quanh Vườn có trình độ dân trí thấp, chưa am hiểu về giá trị của tài nguyên thiên nhiên đối với cuộc sống con người. Họ thường xuyên xâm nhập trái phép, khai thác làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên trong VQG, nhất là việc sử dụng ngư cụ khai thác thủy sản mang tính hủy diệt như lưới điện, cào điện… gây cháy rừng.
Mặt khác, việc xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn có khả năng tác động lớn đến ĐBSCL nói chung và VQG Tràm Chim nói riêng. Ảnh hưởng trực tiếp có thể làm mất đi một số loài cá không trở về thượng nguồn sinh sản, giảm nguồn thức ăn của các loài chim nước. Ảnh hưởng đến dòng chảy sẽ làm thay đổi chế độ thủy văn, gây tác động rất lớn đến hệ động, thực vật.
Trước thực trạng này, ông Lê Thành Cư, Phó Giám đốc VQG Tràm Chim, cho biết: “Để cân bằng hệ sinh thái, đơn vị đã triển khai các giải pháp giữ rừng tràm và đồng cỏ trong các khu vực của vườn nhằm thu hút và bảo vệ các loài chim, đặc biệt là sếu đầu đỏ – loài chim quý hiếm có tên trong Sách đỏ thế giới và là biểu tượng của tỉnh Đồng Tháp. Việc sếu đầu đỏ tìm về là tín hiệu vui, cho thấy môi trường sinh thái cho sếu đang tốt lên”.