Khi Covid-19 nổ ra, Edward Holmes đã luôn lo lắng về khu chợ động vật hoang dã – nơi khởi điểm của đại dịch. Gần 3 năm trôi qua, nhà nghiên cứu này vẫn đau đáu về nguồn gốc của nó.
Tháng 10/2014, nhà sinh vật học, TS Edward Holmes, Đại học Sydney, Australia, đến Trung Quốc để khảo sát hàng trăm loài động vật, tìm kiếm những virus mới. Ngay khi thấy đôi mắt đen láy của những chú lửng chó nhìn chằm chằm vào mình qua song sắt, ông biết mình phải ghi lại khoảnh khắc này.
Trong chuyến thăm đến Vũ Hán, các nhà khoa học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc đã đưa ông đến chợ bán hải sản Hoa Nam. Ẩn sau những gian hàng là những động vật hoang dã còn sống như rắn, lửng mật, chim, chuột xạ hương đang được bày bán để làm thực phẩm. Nhưng chính những chú lửng chó đã thôi thúc ông phải rút điện thoại ra chụp.
Là chuyên gia về sự tiến hóa của virus, TS Holmes hiểu rất rõ về cách virus có thể nhảy từ loài này sang loài khác, đôi khi trong số đó gây ra những hậu quả chết người. Đợt bùng phát SARS năm 2002 do một virus corona được tìm thấy ở Trung Quốc gây ra đã lây nhiễm sang vài loại động vật có vú hoang dã trước khi lây sang người. Trong số những “nghi phạm” là vật trung gian, lửng chó là ứng cử viên hàng đầu.
Vị tiến sĩ 57 tuổi người Anh cố để con lửng chó trong cũi ở chợ Hoa Nam không chú ý, ông chụp lại bức ảnh của nó với ngoại hình giống gấu trúc chân dài nhưng họ hàng gần với cáo. Sau đó, ông chụp thêm vài bức về các loài động vật khác trong lồng. Khi người bán hàng bắt đầu sắp xếp các chiếc lồng nhốt, ông cho điện thoại vào túi và bỏ đi.
Những bức ảnh mờ dần trong tâm trí của Holmes đến ngày cuối cùng của năm 2019. Khi đó, ông đang ở Sydney và đọc được tin tức về đợt dịch bùng phát đáng báo động tại Vũ Hán. Chủng virus bí ẩn gây bệnh viêm phổi giống SARS và các ca mắc đầu tiên Iiên quan chợ hải sản Hoa Nam.
“Những con lửng chó!” – cụm từ này lóe lên trong đầu vị chuyên gia – “Một đại dịch đang trên bờ vực nổ ra và nó sẽ rất khủng khiếp”.
Vòng xoáy tranh cãi về nguồn gốc của Covid-19
Kể từ ngày đó, TS Holmes bị cuốn vào vòng xoáy những khám phá và tranh cãi liên quan nguồn gốc của nCoV. Ông cảm tưởng mình như “Forrest Gump” của Covid-19.
TS Holmes và một đồng nghiệp người Trung Quốc là những người đầu tiên chia sẻ bộ gene của nCoV với thế giới. Sau đó, ông phát hiện những manh mối quan trọng về cách thức mầm bệnh tiến hóa, rất có thể xuất phát từ virus corona trên dơi.
Và cuộc tranh luận nCoV có rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán hay không nổ ra. TS Holmes là người kịch liệt phản đối quan điểm này. Ông luôn khẳng định nCoV có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Đầu tháng 3, ông và các cộng sự ở Mỹ đã công bố những manh mối bất ngờ cho thấy lửng chó được nhốt trong lồng sắt mà ông chụp vào năm 2014 có thể đã gây ra đại dịch.
Nghiên cứu Covid-19 của TS Holmes ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh từ cộng đồng khoa học quốc tế. Ông còn được vinh danh giải thưởng khoa học hàng đầu của Australia. Sau đó, vị chuyên gia tiếp tục xuất bản hàng loạt nghiên cứu về Covid-19. Các đồng nghiệp đánh giá kết quả ông đưa ra có tính ổn định qua những thời điểm không ổn định. Đó là điểm rất mạnh.
Nhà di truyền học Pardis Sabeti, Viện Broad của MIT, người từng hợp tác với TS Holmes về trong dự án về virus Ebola, chia sẻ: “Ông ấy là người có tư duy rất nhạy bén, suy nghĩ thấu đáo và cởi mở”.
Săn tìm virus ở Trung Quốc
Lớn lên ở miền tây nước Anh, khi còn đi học, TS Edward Holmes đã nhìn thấy ở áp phích hình đười ươi với dòng chữ “tôi không phải họ hàng của bạn” trên tường. Giáo viên sinh học đã nói với cả lớp đừng nên tin tất cả những gì đã được nghe về quá trình tiến hóa. Điều này khiến cậu bé 14 tuổi tò mò.
Sau này, Holmes tiếp tục nghiên cứu sự tiến hóa của vượn người và loài người rồi chuyển sang virus. Hơn 30 năm, vị tiến sĩ đã làm việc tại Edinburgh, Oxford, Pennsylvania và cuối cùng là Sydney. Tiến sĩ Holmes đã xuất bản hơn 600 bài báo về sự tiến hóa của các loại virus gồm HIV, cúm và Ebola.
Năm 2012, khi được mời đến Đại học Sydney, ông nắm bắt cơ hội tiến gần hơn với châu Á – nơi ông lo ngại việc buôn bán động vật hoang dã có thể gây một số đại dịch mới. Nhà sinh vật học tiến hóa Andrew Read, Đại học Penn State, cộng sự của TS Holmes vào thời điểm đó, chia sẻ: “Ông ấy lao vào biển lửa”.
Khi đang chuẩn bị cho việc di chuyển, TS Holmes nhận được email bất ngờ từ nhà virus học người Trung Quốc Yong-Zhen Zhang. Ông Zhang ngỏ lời mời cùng nghiên cứu về virus ở Trung Quốc. Họ nhanh chóng hợp tác và mở rộng thành cuộc tìm kiếm sâu về các loại virus mới trên hàng trăm loài động vật. Cả hai nghiên cứu những con nhện trên các túp lều hay cá được kéo lên từ Biển Đông. Cuối cùng, họ tìm thấy hơn 2.000 loài virus mới với khoa học, rất nhiều trong số đó gây bất ngờ.
Các nhà khoa học từng nghĩ rằng virus cúm lây nhiễm chủ yếu qua loài chim, sau đó có thể truyền chúng qua những động vật có vú như con người. Nhưng TS Holmes và TS Zhang phát hiện cá, ếch cũng bị cúm.
“Đó là điều khá thú vị. Các loài virus ngoài kia rất đa dạng”, nhà tiến hóa học Andrew Rambaut, Đại học Edinburgh, người không tham gia vào các cuộc khảo sát, cho biết.
Trong một chuyến đi khảo sát vào năm 2014, TS Holmes và TS Zhang đã hợp tác với các nhà khoa học tại CDC Vũ Hán nhằm khảo sát động vật ở xung quanh tỉnh Hồ Bắc. Đây cũng là thời điểm họ được đưa đến chợ hải sản Hoa Nam để xem một trường hợp buôn bán động vật hoang dã đáng lo ngại.
Sau chuyến thăm, TS Holmes hy vọng ông và các cộng sự có thể sử dụng kỹ thuật giải trình tự gene mà họ đã phát triển để tìm kiếm virus trong động vật ở chợ. Nhưng các cộng sự quan tâm nhiều hơn đến việc tìm kiếm virus trên người bệnh.
Vậy là, TS Zhang và TS Holmes bắt đầu làm việc với các bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, tìm dấu vết RNA của virus trong các mẫu dịch phổi của người bị viêm phổi. Sau sự hợp tác này, TS Holmes được bổ nhiệm làm giáo sư khách mời của CDC Trung Quốc từ năm 2014 đến 2020.
Đầu tháng 3, ông và các cộng sự công bố bài báo đầu tiên về dự án này, dựa trên mẫu của 408 bệnh nhân được thu thập năm 2016, 2017. Kết quả đầy bất ngờ. Hóa ra, nhiều người bị bệnh với hơn một loại virus, một số cũng bị nhiễm vi khuẩn hoặc nấm. Các nhà nghiên cứu thậm chí còn thấy bằng chứng về đợt bùng phát tiềm ẩn với 6 bệnh nhân bị nhiễm enterovirus giống hệt nhau về mặt di truyền.
Tiến sĩ Holmes và TS Zhang cũng tiếp tục khảo sát virosphere, kiểm tra đất, trầm tích và phân động vật từ khắp Trung Quốc. Nhưng vào cuối tháng 12/2019, công việc này tạm dừng.
Bước ngoặt
Khi bác sĩ Zhang nhận được tin tức về đợt viêm phổi mới ở Vũ Hán, ông đã nhờ các cộng sự ở Bệnh viện Trung ương Vũ Hán gửi cho một mẫu dịch phổi của bệnh nhân. Ngày 3/1, nó tới tay vị chuyên gia. Ông sử dụng kỹ thuật mà mình cùng TS Holmes đã hoàn thiện để tìm kiếm virus. Hai ngày sau, nhóm của Zhang đã giải trình tự xong bộ gene của loại virus corona virus mới. Đó chính là SARS-CoV-2.
TS Zhang và TS Holmes bắt đầu viết bài về bộ gene và xuất bản trên tạp chí Nature. Ông Zhang cũng tải thông tin bộ gene virus mới lên cơ sở dữ liệu công khai do Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) quản lý. Nhưng cơ sở dữ liệu mới cần nhiều thời gian để xem xét, nên nhiều ngày trôi qua mà thông tin chưa được công bố.
TS Holmes kêu gọi các cộng sự tìm cách khác để chia sẻ bộ gene với thế giới. “Tôi có cảm giác phải làm điều đó”, ông nói.
Tới ngày 10/1/2020, họ đồng ý chia sẻ nó lên một diễn đàn dành cho các nhà virus học và Holmes đã đưa nó lên mạng.
Theo nhà sinh học cấu trúc Jason McLellan, Đại học Texas ở Austin, người đã nghiên cứu về công nghệ mRNA cung cấp năng lượng cho vaccine Moderna, quyết định này mang tính bước ngoặt. Chỉ với chuỗi gene đó, giới khoa học có thể bắt đầu làm các thử nghiệm, thuốc và vaccine. TS McLellan cho biết vào thời điểm đó, các nhà khoa học như những vận động viên điền kinh đang ở vạch xuất phát, chờ đợi tiếng súng phát lệnh.
“Và nó bắt đầu ngay khi Edward, Yong-Zhen đăng trình tự bộ gene. Ngay lập tức, Twitter sôi sục, các email trao đổi, cuộc đua diễn ra”, ông McLellan nói thêm.
Sau khi bộ gene nCoV được giải trình tự, TS Holmes đã rất bối rối vì nhìn thấy một số mảnh vật liệu di truyền như thể chúng được đưa vào thông qua kỹ thuật di truyền (thao tác thay đổi gene bằng công nghệ sinh học).
Ngày 1/2/2020, qua một cuộc điện thoại, ông chia sẻ những băn khoăn của mình với các chuyên gia virus khác là TS Francis Collins, giám đốc NIH và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ – TS Anthony S. Fauci. Các nhà khoa học khác giải thích những đặc điểm của bộ gene có thể dễ dàng được tạo ra thông qua quá trình tiến hóa tự nhiên của virus.
Ngay sau đó, TS Holmes đã giúp các nhà nghiên cứu tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) phân tích virus corona, được tìm thấy trong một con tê tê, liên quan chặt chẽ với SARS-CoV-2. Loại virus này trông đặc biệt giống với protein bề mặt của nó, được gọi là spike S, loại protein gai sử dụng để xâm nhập vào các tế bào.
Việc tìm thấy dấu hiệu sinh học khác biệt như vậy ở loại virus từ động vật hoang dã đã củng cố niềm tin của TS Holmes, rằng nCoV không phải sản phẩm của kỹ thuật di truyền.
Tháng 3/2020, trong một bài báo, ông và cộng sự trình bày một số phát hiện nói trên. Cùng tháng đó, ông và TS Zhang công bố tiếp những bức ảnh mình chụp về các con vật bị nhốt trong lồng ở chợ hải sản Hoa Nam, chỉ ra đây có thể là nơi virus lây lan qua động vật.
Nhưng giả thuyết virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý. Tiến sĩ Holmes đã bị chỉ trích vì làm việc với các nhà khoa học Trung Quốc.
Ngăn chặn sự bùng phát trong tương lai
Trong bài báo được công bố đầu tháng 3, TS Holmes và hơn 30 cộng sự đã phân tích các ca mắc Covid-19 sớm, phát hiện họ tập trung quanh chợ hải sản Hoa Nam và kiểm tra những đột biến trong mẫu nCoV ban đầu.
Chris Newman, nhà sinh vật học động vật hoang dã tại Đại học Oxford và là đồng tác giả nghiên cứu, nói các đồng nghiệp Trung Quốc của ông đã thấy nhiều động vật có vú hoang dã được bán ở chợ Hoa Nam vào cuối năm 2019. Theo Holmes, bất kỳ loại nào trong số đó cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới đại dịch.
“Chưa thể chứng minh nguồn lây là những con lửng chó, nhưng chúng chắc chắn là đối tượng tình nghi”, ông nói.
Một số nhà phê bình đặt câu hỏi vì sao TS Holmes và cộng sự có thể chắc chắn một động vật ở Hoa Nam là nguồn gốc của đại dịch. Nhiều ca mắc Covid-19 sớm nhất liên quan khu chợ này, nhưng chưa chắc ca nhiễm đầu tiên ở đây.
“Chúng ta vẫn biết quá ít về những ca đầu tiên và có thể có thêm các trường hợp khác mà chúng ta không biết, để có thể đưa ra kết luận cuối cùng”, Filippa Lentzos, chuyên gia về an ninh sinh học tại Đại học King ở London, Anh, nói.
Một vấn đề khác là nếu động vật thực sự là nguồn gây đại dịch, chúng sẽ không bao giờ được tìm thấy. Vào tháng 1/2020, khi các nhà nghiên cứu từ CDC Trung Quốc tới chợ để điều tra, tất cả động vật đã biến mất.
Nhưng TS Holmes lập luận quá đủ bằng chứng cho thấy khu chợ này có thể gây ra một đại dịch khác. Tháng trước, ông và cộng sự ở Trung Quốc công bố một nghiên cứu về 18 loài động vật thường bán ở khu chợ, chúng có nguồn gốc hoang dã hoặc trang trại chăn nuôi.
“Chúng chứa đầy virus. Hơn 100 loại virus lây nhiễm cho động vật có xương sống được phơi bày, gồm một số mầm bệnh tiềm ẩn cho con người. Một số loại virus trong số đó đã vượt qua rào cản về chủng loài, như cúm gia cầm lây chom lửng mật, nCoV ở chó lây cho lửng chó. Một số động vật cũng bị bệnh do virus ở người”, ông nói.
Vị chuyên gia cũng cho biết cách đơn giản nhất để giảm tỷ lệ xảy ra các đại dịch trong tương lai là thực hiện nghiên cứu về sự tiếp xúc giữa động vật hoang dã và con người. Kinh nghiệm của ông về tìm kiếm các loại virus mới cho thấy liệt kê tất cả mối đe dọa tiềm ẩn trong thế giới hoang dã không phải là cách làm hợp lý.
“Bạn không bao giờ có thể lấy mẫu tất cả loại virus ngoài đó, sau đó tìm loại nào lây nhiễm cho con người. Điều này không khả thi”, TS Holmes khẳng định.